Ở nhà, Sam và cô con gái bé bỏng thường xuyên cùng nhau đọc truyện. Đôi khi cô bé chăm chú lắng nghe cha đọc, nhưng đôi khi bé cũng ê a một mình. Hiện tại, cô bé rất thích câu chuyện kể về một chú hổ con học kung fu.
Những khoảnh khắc hạnh phúc, ấm áp này mang đến sự bình yên tạm thời cho tâm hồn của Sam. Nhưng khi sự bình yên qua đi, cảm giác lo lắng lại bủa vây lấy Sam khi anh nghĩ về tương lai của đứa con gái bé bỏng tại Hồng Kông. Con bé đang bước những bước đầu tiên vào thế giới, trong thời điểm mà các quyền tự do ở Hương Cảng đang bị Bắc Kinh dần bóp nghẹt.
Người Hồng Kông đang ngày càng cân nhắc về tương lai của con mình khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia mới. Luật an ninh quốc gia mới với mục đích chống khủng bố, chống ly khai và lật đổ được coi là hồi chuông báo tử cho tự do ngôn luận và các quyền khác của người dân xứ Cảng Thơm.
Với việc áp luật an ninh quốc gia mới, các bậc phụ huynh lo sợ hệ thống giáo dục ở Hồng Kông sẽ trở thành một công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngăn chặn con cái họ phát triển tư duy tự do, và lo lắng cho sự an toàn của bọn trẻ khi cảnh sát đàn áp những người ủng hộ dân chủ.
Sau khi nhìn thấy những đứa trẻ luôn chìm ngập trong đám mây hơi cay của cảnh sát trong cuộc biểu tình vào năm ngoái, Sam, vợ và con gái đã chuyển từ khu đô thị nơi họ sống đến một căn hộ ở vùng ngoại ô yên tĩnh. Họ hy vọng con gái bé bỏng của họ sẽ an toàn hơn ở đó.
Sam, khoảng 30 tuổi, gần đây đã nhận thêm việc để có tiền cho con gái theo học trường quốc tế ở Hồng Kông. Sam hầu như không ngủ, làm việc tại một công ty truyền thông vào ban ngày và làm phiên dịch vào ban đêm để đem lại một tương lai tốt hơn cho con gái.
Sam lo ngại rằng hệ thống trường công ở Hồng Kông trong tương lai sẽ là công cụ tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc. Anh hy vọng trường quốc tế sẽ thoát khỏi sự can thiệp chính trị từ Bắc Kinh.
Lo ngại về kiểm duyệt trong các trường học ở Hồng Kông dấy lên vào tháng trước khi văn phòng giáo dục Hồng Kông tìm cách loại bỏ một câu hỏi thi tuyển sinh đại học về sự chiếm đóng của Nhật Bản đối với Trung Quốc.
Hồng Kông có một hệ thống giáo dục tự do hơn nhiều so với Trung Quốc đại lục, nhưng kể từ Phong trào ô dù do sinh viên thực hiện vào năm 2014, các trường học và trường đại học đã bị chính phủ Hồng Kông và Bắc Kinh coi là nơi sản sinh ra các nhà hoạt động dân chủ.
Sam hy vọng rằng bằng cách cho con đi học trường quốc tế, con gái của anh sẽ được học tập trong “một môi trường không căng thẳng, nơi con bé được hưởng cảm giác hạnh phúc khi đi học”. Đồng thời, Sam cho biết, học tập trong trường quốc tế cũng là hành trang cho con gái nếu gia đình quyết định rời khỏi Hồng Kông và ra nước ngoài sinh sống.
“Thật buồn khi con bé không được giáo dục tại một trường công vì ngôn ngữ mẹ đẻ của bé là tiếng Quảng Đông, nhưng chúng tôi cần nghĩ về sự lựa chọn của chúng tôi. Có thể là chúng tôi sẽ rời khỏi quê hương. Tôi muốn con bé cảm thấy nó là người quốc tế, cảm thấy nó là một công dân toàn cầu”, Sam chia sẻ với HKFP, trang web tin tức có trụ sở tại Hồng Kông.
Các chuyên gia tư vấn về di trú ở Hồng Kông cho biết, họ đã nhận được một loạt các cuộc gọi từ người dân Hồng Kông yêu cầu được tư vấn về việc chuyển ra nước ngoài sau tin tức về việc Bắc Kinh sẽ áp luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông được công bố.
Nhưng rời khỏi Hồng Kông không phải là một quyết định dễ dàng đối với nhiều phụ huynh. Paul, 31 tuổi, sở hữu một doanh nghiệp nhỏ, lo lắng rằng anh sẽ khó tìm một công việc tốt ở nước ngoài. Mặc dù con trai của anh chưa đầy hai tháng tuổi, anh đã nghĩ về tương lai của con mình.
Giống như Sam, Paul muốn con mình đi học tại một trường quốc tế ở Hồng Kông. Sau đó, anh hy vọng thằng bé sẽ đi du học ở nước ngoài, mặc dù điều này sẽ rất tốn kém.
“Tôi được giáo dục rất hạnh phúc tại một trường công và ban đầu tôi muốn con trai tôi lớn lên ở Hồng Kông và ở lại Hồng Kông. Cho thằng bé đi học tại một trường quốc tế và đi du học sẽ tiêu tốn một khoản rất lớn và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình của chúng tôi”, anh chia sẻ.
“Tuy nhiên, Hồng Kông đang trở nên tệ hơn và không thể quay trở lại những gì tôi từng thấy trước đây. Nếu trẻ em có thể được học về lịch sử một cách chính xác và cho phép tư duy phản biện, thì sẽ ổn thôi, nhưng chính phủ Hồng Kông và Trung Quốc chỉ muốn miêu tả mặt tốt của chính quyền Trung Quốc mọi lúc”, anh nói.
Paul tin rằng một chương trình học sai lệch đem từ Trung Quốc đại lục qua và áp cho Hồng Kông là không thể tránh khỏi và đó không phải là điều anh muốn con trai mình được dạy.
“Ít nhất không cho con đi học tại trường công là một lựa chọn của chúng tôi”, anh cho biết.
Một ngày nào đó cảnh sát sẽ đến nhà tìm thằng bé
Trong khi hành trình làm cha mẹ của Sam và Paul chỉ mới bắt đầu, bà Chan, người mẹ có đứa con trai mới tốt nghiệp đại học lại sống trong nỗi sợ hãi rằng con trai của mình có ngày sẽ bị thương hoặc bị bắt trên đường phố Hồng Kông, nơi thằng bé thường xuyên tham gia biểu tình. Bà đã cố gắng thuyết phục con trai ra nước ngoài sống cùng các thành viên khác trong gia đình, nhưng con trai bà không muốn rời khỏi Hồng Kông.
Nghẹn trong nước mắt, bà Chan nói rằng việc đàn áp các quyền tự do của Hồng Kông và những người biểu tình trẻ đã thay đổi mối quan hệ thân thiết của bà với con trai.
“Mùa hè năm ngoái chúng tôi thường nói về chính trị và các cuộc biểu tình, nhưng bây giờ thằng bé không nói cho tôi biết nó sẽ đi đâu nữa”, bà chia sẻ với HKFP.
Bà Chan nói rằng sự trao đổi giữa hai mẹ con trở nên tệ hơn sau khi con trai bà xem đoạn phim cảnh sát bao vây Đại học Bách khoa Hồng Kông vào tháng 11/2019, trong đó các sinh viên bị mắc kẹt trong khuôn viên trường trong nhiều ngày và bị thương trong khi cảnh sát thì bắn hơi cay và đạn cao su vào trường. Từ đó tâm trạng thằng bé trở nên rất tệ.
Bà Chan chia sẻ rằng, bà vẫn hy vọng bà sẽ thuyết phục được con trai rời khỏi Hồng Kông nhưng đó không phải là một cuộc trò chuyện mà con trai bà muốn nghe.
“Cách đây vài tháng, khi chúng tôi lần đầu tiên nói về việc rời khỏi Hồng Kông, thằng bé nói rằng nó không muốn trở thành một kẻ chạy trốn. Bây giờ thằng bé sẽ tức giận mỗi khi tôi nêu ra vấn đề di cư, nó nói với tôi: ‘Nếu mẹ muốn đi, mẹ cứ đi’”, bà kể.
Bà Chan cũng đã tham dự các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nhưng lo cho con trai hơn là lo cho bản thân vì theo bà, thanh niên, sinh viên và học sinh là đối tượng thường bị cảnh sát vây bắt tại các cuộc biểu tình.
“Cho đến nay, thằng bé chưa bao giờ bị bắt, nó rất may mắn”, bà Chan nói với HKFP.
“Nhưng bây giờ, nguy hiểm đã đến với giới trẻ ở Hồng Kông. Có lẽ một ngày nào đó cảnh sát sẽ đến nhà để tìm thằng bé. Đó là một nỗi lo lớn, một nỗi sợ lớn đối với tôi”, bà chia sẻ.
Bà Chan không muốn lại bắt đầu xây dựng cuộc sống ở một đất nước khác nhưng bà cảm thấy vô vọng về tương lai của con trai nếu hai mẹ con vẫn ở lại Hồng Kông.
“Không có tương lai ở Hồng Kông cho những người trẻ tuổi”, bà Chan nói.
Mọi thứ thay đổi quá nhanh
Nỗi lo lắng về tương lai của những đứa trẻ khi lớn lên ở Hồng Kông đang khiến một số người dân xứ Cảng Thơm suy nghĩ kỹ xem liệu họ có nên sinh con hay không. Cô Tam, khoảng 30 tuổi, nói rằng cô luôn tưởng tượng mình có hai đứa con nhưng bây giờ cô không chắc cô muốn làm mẹ.
“Tôi thực sự muốn có con, nhưng liệu tôi có khả năng đảm bảo cho con tôi được hưởng một nền giáo dục tốt và môi trường sống tốt hay không, tôi không thể chắc chắn về điều đó. Mọi thứ đang thay đổi quá nhanh và môi trường chính trị đang xấu đi với tốc độ như vậy, nó vượt xa mọi thứ chúng ta mong đợi”, cô chia sẻ với HKFP.
Tam chia sẻ rằng, nếu cô sinh con, có thể cô sẽ đến Canada để em bé được hưởng quyền công dân Canada, giống như một người bạn của cô đã làm.
Giống như Tam, Sam cũng cảm thấy sốc khi môi trường chính trị ở Hồng Kông thay đổi quá nhanh. Theo Sam, việc Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia cho Hương Cảng là “đóng đinh cho chiếc quan tài chứa Hồng Kông bên trong”.
“Chúng tôi hiện đang quay trở lại vấn đề cơ bản, đó là chiến đấu để sinh tồn. Nó không phải là một cảm giác tốt”, anh nói, hình dung một cuộc sống xa Hồng Kông trong tương lai, nhưng anh ngày càng thấy nó là một điều cần thiết.
“Tôi muốn con gái và gia đình ở lại Hồng Kông nếu đó là một nơi tốt, nhưng chúng tôi cần xem xét các lựa chọn của mình. Nếu chúng ta đang bị cai quản theo cách này, chúng ta thực sự cần phải nghĩ ra một lối thoát”, Sam cho biết.
Theo HKFP
Băng Thanh dịch và biên tập
The post Phụ huynh Hồng Kông: ‘Một ngày nào đó cảnh sát sẽ đến nhà tìm thằng bé’ appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-08 20:26:02