Hôm qua (4/6) đánh dấu kỷ niệm tròn 31 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn, nơi có đến hàng ngàn sinh viên biểu tình dân chủ thiệt mạng trong cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Trung Quốc.
Tại cột mốc lịch sử này, nhiều nhân sỹ, tổ chức ủng hộ dân chủ và chính khách tại Hồng Kông và Đài Loan – những vùng lãnh thổ được hưởng nền dân chủ nhưng bấy lâu nay vẫn luôn bị nhăm nhe và đe dọa bởi chính quyền Trung Quốc – và các nơi khác, đã cất tiếng nói bênh vực các nạn nhân trong sự kiện và thúc giục Trung Quốc phơi bày sự thật lịch sử.
Đài Loan
Trên trang Facebook cá nhân, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đăng bức ảnh chụp một trang lịch đề ngày 4/6, theo Taipei Times.
Bên dưới bức ảnh, bà viết đoạn nội dung bằng tiếng Trung:
“Ở Trung Quốc, mỗi năm chỉ có 364 ngày mỗi năm, trong khi một ngày đã bị lãng quên. Ở Đài Loan, đã có một khoảng thời gian khi rất nhiều ngày như vậy biến mất khỏi lịch sử [và ký ức] của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm lại chúng, từng ngày một. Khi lịch sử không còn bị che dấu, chúng ta có thể cùng nhau suy ngẫm về tương lai. Tôi hy vọng rằng không một nơi nào trên thế giới có những ngày bị thất lạc như vậy. Nguyện chúc cho Hồng Kông. Một Đài Loan tự do sẽ hỗ trợ nền độc lập của Hồng Kông”.
Câu nói cuối của bà Thái về Hồng Kông được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa thông qua luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông, một động thái về cơ bản kết thúc nền tự trị dân chủ của thành phố cảnh này.
Trên một bài đăng độc lập trên Facebook, cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã lặp lại lời thúc giục hàng năm đến Bắc Kinh, rằng họ cần phải đối mặt với lịch sử và cải chính vụ thảm sát.
Tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền là những giá trị cốt lõi của Đài Loan, ông Mã viết trên dòng trạng thái Facebook. Vị cựu tổng thống cho rằng nếu Bắc Kinh theo đuổi các giá trị này thì Đài Loan và Trung Quốc sẽ xích lại gần nhau hơn, đồng thời giúp giải quyết vấn đề xung đột Hồng Kông.
Hôm thứ Tư, Chủ tịch Quốc dân Đảng (KMT) của Đài Loan ông Giang Khải Thần (Johnny Chiang) cũng đã kêu gọi Bắc Kinh đối mặt với bóng ma của quá khứ, trả lời các lời kêu gọi cải cách chính trị, dân chủ và tự do như là tinh thần cốt lõi của cuộc biểu tình năm đó.
Quốc Dân Đảng ủng hộ việc thúc đẩy dân chủ, tự do và nhân quyền, và sẽ không giả vờ câm điếc hay im lặng trước sự thật, ông Giang nói thêm. Ông cũng cho biết thêm rằng đảng của ông sẽ tiếp tục giữ vững các mục tiêu được đề ra từ năm 1989: dân chủ hóa chính trị và tự do hóa nền kinh tế.
Tại một cuộc họp của Hội đồng thành phố Đài Bắc hôm qua, Thị trưởng Đài Bắc ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je) nhận định vụ thảm sát là một thảm kịch thời hiện đại, và ông tin rằng Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ trở thành một quốc gia dân chủ.
Hồng Kông
Tại Hồng Kông, ông Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung), nhà lập pháp Đảng Công dân theo phe dân chủ, hôm 4/6 đã chụp ảnh Twitter trụ sở tòa nhà của Quân đội Giải phòng Trung Quốc tại Hồng Kông từ văn phòng của mình trong tòa nhà lập pháp thành phố (LegCo), theo Hong Kong Free Press. Trong dòng trạng thái Twitter, ông viết:
“Có lẽ họ muốn chúng ta quên đi cuộc thảm sát Thiên An Môn, nhưng tôi sẽ không bao giờ làm được điều này. Tối nay, xin vui lòng thắp một ngọn nến tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc thảm sát này cũng như các nạn nhân từ các hành vi tội ác khác của ĐCSTQ”.
Ông Benedict Rogers, nhà sáng lập Hong Kong Watch – tổ chức giám sát nhân quyền tại Hồng Kông – đã viết trên Twitter cá nhân của mình hôm 4/6 như sau:
“Gửi đến người dân Hồng Kông và người dân khắp Trung Quốc dưới chế độ cai trị hà khắc Đảng Cộng sản Trung Quốc:
Hôm nay khi chúng ta nhớ đến vụ thảm sát khủng khiếp những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn & trên khắp Trung Quốc, tôi muốn nói ra điều này:
Bởi vì tôi yêu các bạn. Nên tôi sẽ đấu tranh cho tự do của các bạn‼ “
Châu Âu
Trong một cuộc họp báo một ngày trước lễ kỷ niệm vụ Thiên An Môn hôm 3/6, bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, cũng đã có bài phát biểu về sự kiện này. Trong bài phát biểu của bà có đoạn:
“Sự đàn áp dữ dội của các cuộc biểu tình dân chủ ôn hòa tại Thiên An Môn năm 1989 đã gây chấn động thế giới. Vào thời điểm đó, Hội đồng châu Âu, tại cuộc họp ở Madrid trong hai ngày 26-27/6/1989, đã lên án mạnh mẽ chính sách đàn áp tàn bạo. Hơn ba mươi năm sau, Liên minh châu Âu tiếp tục bày tỏ lòng thương tiếc đến các nạn nhân và gửi lời chia buồn tới gia đình họ.
Con số tử vong, bị giam giữ hoặc biến mất chính xác vào ngày 4/6 và trong cuộc đàn áp tiếp theo chưa bao giờ được xác nhận, và có thể không bao giờ được biết đến. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiếp tục ghi nhớ ký ức bi thương này. Chỉ khi chúng ta rút kinh nghiệm từ việc này chúng ta mới cho thấy sự trân trọng đúng mức với lịch sử.
Những người bị giam giữ có liên quan đến sự kiện năm 1989, hoặc với các hoạt động hiện tại để tưởng niệm sự kiện này, phải được đảm bảo sự an toàn và được đối đãi một cách đúng đắn.
Chúng tôi cũng mong đợi chính quyền Trung Quốc sẽ phóng thích ngay lập tức những người bảo vệ nhân quyền và luật sư bị bắt giam và kết án liên quan đến sự kiện này hoặc với các hoạt động bảo vệ nền dân chủ và tính thượng tôn luật pháp khác”.
The post Nhân sỹ dân chủ, chính giới toàn cầu tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-05 02:39:02