Tác giả Xinyu Chen hôm 24/5 đã có bài bình luận trên tờ The Epoch Times, trong đó phân tích thành công chống dịch Covid-19 của Úc nhờ duy trì một lập trường chủ động và kiên quyết trước chính quyền Trung Quốc. Dưới đây là toàn văn bài phân tích của tác giả.
Tuy rằng nhiều quốc gia vẫn đang ở trong tình trạng phong tỏa do đại dịch Covid-19 hoặc chỉ mới bắt đầu nới lỏng dần các hạn chế, Úc đã bắt đầu mở cửa các bãi biển công cộng và nới lỏng lệnh phong tỏa vào cuối tháng 4 và tiếp tục đi đầu trong nỗ lực bảo vệ cuộc sống người dân nước này.
Tính đến ngày 24/5, với 25,7 triệu dân, Úc ghi nhận 7.110 ca lây nhiễm và 102 trường hợp tử vong do Covid-19. (Tính đến 9/6 là 7265 ca nhiễm và 102 ca tử vong)
Ngược lại, cũng tính đến ngày 24/5, Canada, với 37,9 triệu dân, ghi nhận đến hơn 84.000 ca nhiễm và hơn 6.300 ca tử vong. (Tính đến 9/6 là 95,699 ca nhiễm và 7800 ca tử vong)
Đến đầu tháng 4, nhà báo John Burn-Murdoch từ tờ Financial Times đã viết trên Twitter cá nhân rằng:
“Úc là một ví dụ hiếm gặp về một quốc gia Anglosphere (quốc gia nói tiếng Anh có mối liên hệ lịch sử và văn hóa gắn liền với Anh và hiện vẫn duy trì sự hợp tác chính trị, ngoại giao và quân sự gần gũi với nước này) có biểu đồ diễn tiến dịch bệnh nhẹ nhàng như vậy”.
Giờ đây khi nhiều doanh nghiệp đang mở cửa trở lại và nhiều lệnh cấm di chuyển trong nước đang dần được dỡ bỏ, cảm nhận về một cuộc sống bình thường đang dần trở lại với người dân xứ sở kangaroo.
Mặc dù không ai biết đại dịch sẽ kết thúc khi nào và bằng cách nào, việc hiểu được một quốc gia như Úc đã xoay sở để đẩy lùi dịch bệnh một cách thần kỳ như thế nào, và liệu nó có thể làm gì để giải quyết ổn thỏa những thách thức phức tạp phía trước trong tất cả các góc cạnh xã hội là điều rất quan trọng.
Về vấn đề này, phần lớn thành công của Canberra dường như xuất phát từ sự cảnh giác và hành động quyết liệt khi đối mặt với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bảo vệ an ninh quốc gia
Một động thái quan trọng giúp Úc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 là cấm nhập cảnh đối với du khách từ Trung Quốc vào ngày 1/2, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh và đi ngược lại khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đây là một “quyết định đúng đắn” và “một trong những quyết định quan trọng nhất được chính phủ Úc đưa ra trong nhiều thập kỷ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Úc Greg Hunt gần đây có chia sẻ với Sky News.
Không lâu sau, ĐCSTQ đã thu gom ồ ạt các thiết bị bảo hộ cá nhân vào tháng 1 và tháng 2, như khẩu trang, găng tay, áo choàng và nước rửa tay từ khắp thế giới, dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu. Úc cũng không phải là ngoại lệ và cũng chịu chung số phận. Như tờ The Epoch Times trước đó có đưa tin, ĐCSTQ đã chỉ đạo Vụ Công tác Mặt trận Thống nhất huy động các nhóm thân Bắc Kinh ở nước ngoài để mua số lượng lớn các vật tư y tế quan trọng này và chuyển chúng về Trung Quốc.
Greenland Group và Risland, hai công ty được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn hoặc thuộc sở hữu của Trung Quốc và có hoạt động kinh doanh chính tại Úc, được truyền thông Úc đưa tin rộng rãi là đã gửi một khối lượng lớn thiết bị bảo hộ đến Trung Quốc. Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh đã tích lũy được khoảng 2,5 tỷ vật phẩm và thiết bị bảo vệ chỉ trong hai tháng.
Canberra đã kịp thời tuyên bố lệnh cấm xuất khẩu phi thương mại các mặt hàng này, quy định mức tiền phạt và án tù nếu vi phạm lệnh cấm.
Trong khi đó, những lo ngại toàn cầu nảy sinh từ việc các công ty gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch gặp nguy cơ bị thu mua bởi các thế lực hải ngoại, đặc biệt bởi nhà cầm quyền độc tài như Bắc Kinh, bởi việc này có thể làm suy yếu chuỗi cung ứng và an ninh quốc gia.
Đáp lại, vào ngày 29/3, Josh Frydenberg, Giám đốc Ngân khố Úc, đã tuyên bố thay đổi chính sách đánh giá đầu tư nước ngoài của nước này, yêu cầu mọi đề xuất tiếp quản nước ngoài phải được xem xét bất kể giá trị lớn nhỏ.
Ông Frydenberg chia sẻ điều này là để “tránh hành vi thôn tính có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia” và sẽ có hiệu lực “trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng hiện tại”.
Thật trùng hợp, dữ liệu từ Bộ Y tế Úc cho thấy xu hướng giảm thiểu đáng chú ý số ca nhiễm mới hàng ngày không lâu sau đó, và vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Bất chấp đe nạt kinh tế
Sau đó, vào giữa tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus, bao gồm điều tra việc xử lý dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán của Bắc Kinh. Bà nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ cựu Bộ trưởng ngoại giao Penny Wong, tiếp sau đó là của Thủ tướng Scott Morrison và những thành viên chính phủ khác.
ĐCSTQ đã cố gắng bác bỏ yêu cầu này bằng cách cáo buộc Canberra chính trị hóa đại dịch, đồng thời cảnh báo người dân Trung Quốc có thể tẩy chay hàng Úc trên nhiều phương diện, bao gồm thịt bò, rượu vang, du lịch và sinh viên Trung Quốc đến Úc du học hàng năm.
Khi Canberra từ chối nhượng bộ, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu thịt bò từ bốn nhà sản xuất lớn của Úc và áp thuế 80% đối với lúa mạch Úc.
Bất chấp nỗ lực phát tán thông tin sai lệch và đe dọa kinh tế của Bắc Kinh, Canberra vẫn kiên quyết, và đã giành được sự ủng hộ từ hơn 120 quốc gia cho một cuộc đánh giá độc lập – được đồng tài trợ – về tính hiệu quả trong phản ứng của các nước và giới chức y tế (VD: WHO) trước đại dịch, kết hợp điều tra nguồn gốc virus và cách thức lây lan của nó sang người. WHO đã phê chuẩn đề xuất này tại một hội nghị trực tuyến hôm 19/5.
Ngăn chặn gián điệp hải ngoại và can thiệp từ nước ngoài
Phản ứng cảnh giác của Úc đối với ĐCSTQ trong đại dịch là tương thích với các hành động của Canberra trong những năm gần đây, cho thấy rõ nhận thức ngày càng gia tăng về sự cấp bách và tính cần thiết của việc chống lại các mối đe dọa từ chính quyền này.
Những mối đe dọa không chỉ giới hạn ở vấn đề sức khỏe cộng đồng và kinh tế mà còn bao gồm các hoạt động can thiệp chính trị và gián điệp.
Năm 2016, Thủ tướng Úc khi đó là Malcolm Turnbull đã yêu cầu báo cáo về mức độ can thiệp của các thế lực hải ngoại vào Úc. Báo cáo mật, bị rò rỉ ra truyền thông vào năm 2018, cho thấy ĐCSTQ trong chục năm trở lại đây đã đang nỗ lực gây ảnh hưởng đến các đảng chính trị và hoạt động hoạch định chính sách ở mọi cấp chính quyền Úc.
Đáp lại, chính phủ Turnbull đã ban hành luật cấm các khoản quyên góp từ nước ngoài cho các ứng viên chính trị, mở rộng định nghĩa của các hoạt động gián điệp, và yêu cầu tất cả những người hoạt động cho các tổ chức nước ngoài phải chỉ rõ họ đang làm việc cho ai.
Úc cũng là một trong những quốc gia đầu tiên cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G vì lý do an ninh quốc gia. Năm 2018, Canberra đã chặn Huawei cung cấp công nghệ 5G cho Úc, đồng thời cấm ZTE, một tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc.
“Điểm then chốt là sự tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia trong lĩnh vực không gian mạng”, Simeon Gilding, một thành viên cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) đã viết trong một bài bình luận hồi tháng 1.
Ông Gilding cho biết trong thập kỷ qua, ĐCSTQ đã phá hủy niềm tin đó thông qua việc tấn công các mạng internet nước ngoài một cách bừa bãi và ngày càng gia tăng về cấp độ, cùng nỗ lực chỉ đạo và kiểm soát các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc tại đại lục. Cho đến tháng 12 năm ngoái ông Gilding là người đứng đầu nhóm tính báo điện tử và các chiến dịch tấn công mạng thuộc Tổng cục Tình báo Úc.
Do lo ngại về các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc, Úc đã loại Huawei khỏi việc đấu thầu một dự án xây dựng mạng băng thông rộng cấp quốc gia hồi năm 2012.
‘Tìm kiếm các giải pháp thương mại rộng hơn’, ‘Tìm kiếm những người bạn đích thực’
Sự cảnh giác của Canberra kết hợp với hành động kịp thời và có hiểu biết đối với ĐCSTQ có thể là nhân tố quan trọng nhất góp phần vào tình hình dịch bệnh tốt hơn nhiều so với dự kiến của Úc hiện nay. Nó cũng chứng thực cho chính sách và định hướng ngoại giao đúng đắn đối với ĐCSTQ và điều này sẽ tiếp tục mang đến những kết quả tốt đẹp cho Úc trong những thời điểm quan trọng phía trước.
Trong bối cảnh này, đã có sự đồng thuận từ lưỡng đảng và sự ủng hộ rộng rãi của người dân đối với các quyết định của Canberra, bao gồm lệnh cấm Huawei và sự tiên phong của Úc trong việc thúc đẩy một cuộc điều tra toàn cầu về đại dịch. Về phần mình, việc Bắc Kinh công khai sử dụng biện pháp ép buộc và phát tán thông tin sai lệch đã làm tổn hại hình ảnh của chính họ và giúp cảnh báo người dân Úc trước mối đe dọa nghiêm trọng mà nó gây ra.
“Việc kiểm soát mối quan hệ với một Trung Quốc hung hăng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tính nhất quán và sự kiên trì của Úc trong việc thực thi chính sách trong dài hạn”, ông Richard Maude, Giám đốc điều hành chính sách tại Hiệp hội Châu Á Úc, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Úc, viết trong một bài đăng hồi tháng 5/2020.
“Nhiệm vụ càng khó khăn hơn khi Trung Quốc ngày càng tiến hành một chính sách ngoại giao theo một đường lối mà Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận bị đối xử tương tự. Điều này làm suy yếu vị thế của Trung Quốc nhưng đó là bản chất của một chính quyền độc tài toàn trị”.
Vicky Xiuzhong Xu, một nhà phân tích tại Viện chính sách Chiến lược Úc ASPI, đã viết trong một bài bình luận rằng, “Úc không được khuất phục trước Trung Quốc mà nên tìm kiếm các lựa chọn thương mại rộng rãi hơn” và “tìm kiếm những người bạn đích thực”.
Trong bài viết đăng trên tờ Sydney Morning Herald hôm 21/5, bà Xu khuyến nghị thành lập một liên minh mạnh mẽ với các quốc gia có cùng tư duy và có chí hướng dài hạn là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này sẽ cho phép Úc qua mặt các chiến lược của Bắc Kinh, theo bà Xu.
Đề cao các giá trị, củng cố bởi đức tin
Một cuộc khảo sát của Newgate Australia hồi tháng 5 cho thấy 79% người Úc tin rằng nước này đang phản ứng trước đại dịch ở một quy mô phù hợp và 67% tin rằng chính phủ đang thực thi “khá tốt” hoặc “xuất sắc”. Bất chấp những lo ngại về nền kinh tế và việc làm, “người Úc vẫn tiếp tục có niềm tin mạnh mẽ vào hiệu quả và hành động của chính phủ”, báo cáo cho hay.
Bên cạnh đó, thủ tướng Úc về phần mình cũng có niềm tin tâm linh mạnh mẽ. Trong một video công bố vào tháng 3 trên trang web Eternity News, ông Morrison đã cầu nguyện cho đất nước và người dân cũng như các đồng nghiệp trong chính phủ.
Ông cầu Chúa “ban cho chúng con sức mạnh, ban cho chúng con sự sáng suốt, ban cho chúng con khả năng phân biệt đúng sai, khích lệ chúng con và để cho sự bình yên của Ngài ngự trị mãi mãi”.
Ông Morrison cũng tuyên bố rằng Úc sẽ không bao giờ “đánh đổi các giá trị của chúng ta” và sẽ đối xử với các quốc gia khác “một cách công bằng, trung thực và cởi mở”, tờ The Guardian báo cáo hồi tháng 5.
“Chúng tôi luôn tư duy độc lập … và chúng tôi sẽ luôn giữ vững lập trường của mình khi bàn đến những giá trị và nguyên tắc mà chúng tôi đề cao và duy trì”, ông nói.
Theo Epoch Times
Thiện Lành dịch & biên tập
The post Lập trường vững vàng trước Trung Quốc giúp Úc chống dịch hiệu quả như thế nào? appeared first on Đại Kỷ Nguyên.