Tình yêu của mẹ là cái ôm ngọt ngào, còn cha yêu con bằng bờ vai vững chãi. Dù cha không hoàn hảo, nhưng tấm lòng của cha thì vô lượng, và đó là thứ tình yêu mà ai cũng cần có để trưởng thành.
Điểm giống nhau của những người làm cha là mong muốn con có một cuộc sống vẹn toàn cả giá trị tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, mọi thứ thật không dễ dàng. Bởi vì mỗi người đàn ông đều gánh trên vai những trách nhiệm lớn nhỏ khác nhau, năng lực và hoàn cảnh khác nhau.
Thực tế, cha không thể mang đến cho con tất cả mọi thứ cùng lúc, nhưng cha luôn có thể lựa chọn điều tuyệt vời nào đó dành riêng cho con. Có lẽ, mỗi người cha đều có bí quyết riêng của mình. Đó cũng chính là bờ vai vững chãi của họ.
Có người cha nọ cứ mỗi cuối tuần lại hỏi các con về tuần vừa qua chúng có làm điều gì sai lầm không. Sau đó ông sẽ cùng trò chuyện và giải thích cho các con nghe về những thất bại của ông.
Điều đó đã trở thành trải nghiệm tuyệt vời đối với cô con gái nhỏ, trở thành hành trang cho cô trong suốt những năm tháng trưởng thành. Sau này, khi thành đạt trong cuộc sống, cô chia sẻ rằng nhờ cách dạy này của cha mà cô cảm thấy thất bại không phải là vấn đề và nỗ lực mới là điều quan trọng.
Một người cha khác rất coi trọng khoảng thời gian dùng bữa sáng cùng con gái. Ông trò chuyện với con về mọi điều mà con đã làm và học được mỗi ngày. Mặc dù là CEO của một doanh nghiệp lớn nhưng ông không bao giờ đặt lịch họp vào buổi sáng, chỉ để dành thời gian trọn vẹn bên con.
Lại có người cha ân cần, lam lũ. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, mưu sinh vất vả, nhưng ông luôn là người chở cô con gái đi học mỗi ngày. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cả những buổi tối giá rét trong căn ngõ hoang vắng nhá nhem, người ta không khỏi xúc động khi nhìn thấy bóng dáng người cha ấy lặng lẽ đợi con học bồi dưỡng trước kỳ thi học sinh giỏi.
Cuộc sống được dệt thành từ những điều giản dị như vậy. Chính trong hành xử tưởng như nhỏ nhặt ấy lại hàm chứa nhân cách và tình yêu lớn của cha, như mạch nước ngầm nuôi dưỡng con lớn khôn. Mỗi ngày, điều cha làm đều ghi vào lòng, tạc vào dạ đứa con thơ ngây. Đó là món quà không thể mua bằng tiền, cũng không thể đong đếm được giá trị.
Và có lẽ, trong tất cả món quà không giống nhau ấy, có một món quà được mọi đứa trẻ cảm động khôn nguôi. Đó là tấm lòng khoan dung rộng lớn của cha.
Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.
Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì.
Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói: “Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.“
Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.
Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ.
Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”
Cha cứ là một người cha rộng lượng và nhân hậu như thế, âm thầm cho con bài học suốt đời mang theo. Con lớn lên nhất định sẽ trở thành một người lương thiện bởi con đã hiểu thế nào là lương thiện từ cha.
Dù cha là giám đốc hay công nhân thì khi trở về nhà cũng có một mái ấm với những đứa con chờ đợi tình yêu. Và ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi người cha đều có bí quyết riêng của mình để yêu thương con, dạy dỗ con.
Tình yêu của mẹ là cái ôm ngọt ngào, còn cha yêu con bằng bờ vai vững chãi. Dù cha không hoàn hảo, nhưng tấm lòng của cha thì vô lượng, và đó là thứ tình yêu mà ai cũng cần có để trưởng thành.
Video: Hành trình người cha chữa bệnh suy giảm tiểu cầu vô căn cho con gái
The post Bờ vai vững chãi cha dành cho con appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-14 18:39:06
Nguồn: https://www.dkn.tv/giao-duc/bo-vai-vung-chai-cha-danh-cho-con.html