Pháp Luân Công, môn tu luyện thiền định an hòa tốt cho sức khỏe được yêu thích trên khắp thế giới, nhưng lại chịu sự đàn áp nặng nề của chính quyền Trung Quốc. Vì sao Đảng Cộng sản Trung Quốc công kích và cấm người dân tập Pháp Luân Công? Sự thật là gì? Mời bạn tìm hiểu qua bài viết sau.
Pháp Luân Công là gì?
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước tại Trung Quốc, phong trào tập khí công phát triển mạnh mẽ rồi đạt đến cao trào. Hồi đó ở Trung Quốc ai cũng biết về khí công ở các mức độ khác nhau và hầu như gia đình nào cũng có người tập.
Nhiều nhà nghiên cứu và nhà khoa học đã phát hiện khí công có khả năng khai thông các kinh mạch và huyệt đạo, giúp chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Trong cao trào khí công, Pháp Luân Công (hay Pháp Luân Đại Pháp) được ông Lý Hồng Chí truyền ra công chúng năm 1992. Là môn khí công Phật gia, người học vừa luyện 5 bài công pháp vừa tu tâm tính theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn. Bởi hiệu quả đối với cả thể chất (nâng cao sức khỏe) và tinh thần (tăng cường đạo đức) rất tốt nên Pháp Luân Công nhanh chóng trở nên phổ biến ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Từ năm 1992 đến năm 1999, chính phủ ước tính số lượng người tập luyện Pháp Luân Công là 70 triệu người.
Một báo cáo thống kê của Ủy ban Thể thao Quốc gia Trung Quốc trước năm 1999 về hiệu quả chữa bệnh của Pháp Luân Công đối với 28.571 người tập cho thấy: 82,7% số người sau khi luyện tập đã khỏi bệnh và cơ bản bình phục (23.619 người); 16,2%người sau khi luyện công đạt được chuyển biến tốt (4.616 người); chỉ 1,2% học viên sau khi luyện công không chuyển biến (336 người). Nói chung hiệu quả chữa bệnh lên tới 98,8%. Các loại bệnh tật liên quan rất đa dạng, bao gồm các bệnh về tiêu hóa, xương, khớp, và bệnh tim là nhiều nhất.
Giải thưởng và trao tặng của Pháp Luân Công
Trong khoảng thời gian trước năm 1999, Pháp Luân Công rất phổ biến tại Trung Quốc. Tại hai lần “Hội Sức khỏe Đông phương” năm 1992 và 1993, Pháp Luân Công đã liên tiếp giành được các danh hiệu cao quý nhất như “Minh Tinh Công phái”, “Giải Vàng Đặc biệt”, giải thưởng “Thúc đẩy Tiến bộ Khoa học”, và người sáng lập Pháp Luân Công là ông Lý Hồng Chí đoạt giải thưởng “Khí công Sư được yêu thích nhất”.
Tính đến nay Pháp Luân Công đã nhận được hơn 3.000 giải thưởng và giấy công nhận trên toàn thế giới vì những lợi ích về tinh thần, đạo đức và sức khỏe. Ông Lý Hồng Chí đã 5 lần được đề cử giải Nobel Hòa bình và được Nghị viện Châu Âu đề cử giải thưởng Tự do Tư tưởng Sakharov. Ông được trao tặng giải “Tự do Tín ngưỡng Quốc tế” của tổ chức Freedom House và giải “Lãnh tụ Tinh thần.” Năm 1996, ông Lý Hồng Chí và gia đình đã tới định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình “Nhân tài Kiệt xuất”.
Pháp Luân Đại Pháp phổ truyền trên thế giới
Hiện nay, Pháp Luân Đại Pháp đã được phổ biến ở 114 quốc gia và các cuốn sách của Pháp Luân Công đã được dịch sang hơn 38 ngôn ngữ.
Sự thật và nguyên nhân của cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc Bức hại vô lý
Cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xảy ra vào năm 1999. Trước đó, các học viên đã phải chịu sự sách nhiễu ngày càng gia tăng của chính quyền.
Đầu năm 1996, các sách của Pháp Luân Đại Pháp bị cấm xuất bản. Năm 1997, Bộ Công an Trung Quốc tiến hành điều tra xem môn tập liệu có phải là “tà giáo” không. Nhưng cuộc điều tra kết luận: “Không có bằng chứng nào được tìm thấy cho đến tận bây giờ”. Đến năm 1998 và 1999, công an lại can nhiễu các học viên đến tập công ở công viên.
Tháng 4/1999, một bài báo miệt thị Pháp Luân Công và khí công nói chung được công bố trên tạp chí Cao đẳng Thiên Tân. Các học viên địa phương đã tập trung tại Thiên Tân, yêu cầu tờ báo cải chính lại những thông tin sai lệch và rút lại bài báo. Mặc dù các học viên chỉ tập trung ôn hòa, nhưng cảnh sát chống bạo động đã được điều tới. Một số học viên bị đánh đập, và 45 người đã bị bắt. Các học viên Pháp Luân Công khác được bảo rằng, nếu họ muốn phản đối nữa, họ cần phải đưa vấn đề này lên Bộ Công an và đến Bắc Kinh để kháng cáo.
Cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4/1999
Vào sáng ngày 25/4/1999, 10.000 học viên tập trung tại Bắc Kinh để kiến nghị ôn hòa lên Văn phòng Kháng cáo Hội đồng Nhà nước, yêu cầu thả những học viên bị bắt, và chấm dứt việc chính quyền can nhiễu môn tập luyện. Cuộc tập trung diễn ra hết sức ôn hòa và sau đó Thủ tướng Chu Dung Cơ đã gặp gỡ các học viên và đồng ý thực hiện các yêu cầu của họ.
Tuy nhiên sự kiện này lại khiến ông Giang Trạch Dân – bấy giờ là Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương – tức giận.
Tối 25/4/1999, ông Giang viết trong bức thư cho tất cả các ủy viên Bộ Chính trị, trong thư có đoạn “Chẳng lẽ học thuyết Mác-xít của những người cộng sản, niềm tin của chúng ta vào chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần, lại không thể đánh bại những gì mà Pháp Luân Công đề cao hay sao?” và “Nếu Đảng cộng sản không đánh bại Pháp Luân Công, nó sẽ là chuyện lố bịch lớn nhất trên thế giới”. Bức thư này sau đó đã được in và lưu hành.
Những năm đương quyền, ông Giang luôn mong muốn mọi người phải quán triệt học thuyết “ba đại diện” của ông, thuyết này được đưa vào điều lệ Đảng ép mọi đảng viên phải học, nhưng thực tế hoàn toàn không như ông ta muốn. Trong khi đó, dân chúng Trung Quốc lại tự nguyện đón chào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, hàng ngày gần 100 triệu người Trung Quốc cùng nhau tập luyện các bài tập và đọc sách của ông Lý Hồng Chí. Đông hơn cả số đảng viên bấy giờ, khoảng 60 triệu. Sự phát triển nhanh chóng và phổ biến của Pháp Luân Công khiến ông Giang đố kỵ và lo sợ mất quyền lực và tầm ảnh hưởng với người dân.
Cuối cùng, trong hội nghị lấy ý kiến về việc xử lý vấn đề Pháp Luân Công, ông Giang đã kiên quyết đàn áp môn tập, mặc cho 6 thường ủy Bộ Chính trị im lặng biểu đạt phản đối. Cuộc đàn áp diễn ra tháng 7/1999, bất chấp tình trạng không hề có được đa số phiếu của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.
Sự kiện 25/4 sau này trong chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ đã bị các phương tiện truyền thông Trung Quốc bóp méo thành cuộc “vây hãm” Trung Nam Hải, lấy đó làm cớ biện minh cho cuộc đàn áp.
Chính sách bức hại tàn khốc
Ngày 10/6/1999, ĐCSTQ đã thành lập “Ban Chỉ đạo Xử lý Vấn đề Pháp Luân Công,” hay còn gọi là Phòng 610. Cơ quan này, tương tự như lực lượng cảnh sát bí mật Gestapo của Hitler, với đặc quyền vượt trên tất cả pháp luật địa phương, các cấp chính quyền và tòa án; nhằm bức hại Pháp Luân Công.
Ngày 19/7/1999, trong một cuộc họp bí mật của các quan chức cấp cao trong chính phủ, Giang Trạch Dân đã thông báo chính thức rằng ông ta muốn “nhổ tận gốc Pháp Luân Công ra khỏi Trung Quốc”.
Ngày 20/7/1999, các lực lượng an ninh tràn ra khắp Trung Quốc, bắt bớ hàng chục ngàn người tập Pháp Luân Công, theo một tờ báo của Hồng Kông, số người bị bắt lên đến 50.000 trong một tuần. Kèm theo đó, ĐCSTQ khởi động chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn trên tất cả các phương tiện truyền thông, gán cho Pháp Luân Công mác “tà giáo”. Hơn 2000 tờ báo, hơn 1000 quyển tạp chí, và hàng trăm đài phát thanh và truyền hình địa phương nhanh chóng nên quá tải vì chiến dịch tuyên truyền chống Pháp Luân Công.
Các chiến lược chính của ông Giang trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công bao gồm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể.” Ông này đã tiêu hủy các cuốn sách của Pháp Luân Công, phong tỏa thông tin trên Internet, và bôi nhọ môn tập trên các phương tiện truyền thông. Ông Giang cũng cho phép phạt nặng các học viên, tịch thu tài sản cá nhân của họ, đuổi việc và sách nhiễu việc làm ăn của họ.
Các học viên bị hủy hoại thân thể bằng cách đánh đập tàn nhẫn, tra tấn, ngược đãi, và bị mổ lấy nội tạng khi họ vẫn còn sống. Cảnh sát được khuyến khích tra tấn các học viên, họ được phép coi những cái chết do bị tra tấn là tự tử, thiêu xác mà không cần xác định danh tính, và thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn đang sống để bán lấy tiền.
Phản ứng của thế giới trước cuộc bức hại Pháp Luân Công
Hiện nay thông tin về cuộc đán áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã được cả thế giới biết đến. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và các quốc gia trên thế giới đã và đang lên án cuộc đàn áp này của ĐCSTQ, đặc biệt là nạn mổ cướp nội tạng sống của những người tập Pháp Luân Công được thực hiện trên quy mô lớn ở Trung Quốc dưới sự hậu thuẫn của chính quyền.
Cuối năm 2009, tòa án tại Tây Ban Nha và Argentina đã truy tố ông Giang Trạch Dân và những cựu quan chức Trung Quốc khác về tội diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại. Ngày 13/6/2016, Nhà trắng đã thông qua nghị quyết 343 lên án tội ác mổ cướp nội tạng sống có hệ thống được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đối với các tù nhân lương tâm, mà phần lớn là học viên Pháp Luân Công, các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác.
Cho đến nay cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công và hoạt động mổ cướp nội tạng của chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp diễn bất chấp sức ép từ cộng đồng các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới. Ngày 1/3/2020 vừa qua, một tòa án độc lập có trụ sở tại London, Vương Quốc Anh đã đưa phán quyết chính quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hoạt động mổ cướp nội tạng sống đối với các tù nhân lương tâm và bán cho thị trường cấy ghép tạng sống để kiếm lời.
Đối với các nước phát triển, nhân tính và sự tôn trọng các quyền tự do của con người là thước đo nền văn minh, đạo đức và tiến bộ xã hội. Chính quyền của ĐCSTQ thực thi chính sách đàn áp và bức hại tàn nhẫn đối với Pháp Luân Công, Tây Tạng là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của con người và đi ngược lại những giá trị đạo đức căn bản.
Tấn Thành – Ngọc Mai (tổng hợp)
The post Pháp Luân Công tốt cho sức khỏe nhưng sao lại bị đàn áp ở Trung Quốc? appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-05-21 03:26:03