Các nước phương Tây đã lên án mạnh mẽ giới lãnh đạo Trung Quốc khi muốn áp đặt một dự thảo luật an ninh quốc gia nhằm nghiêm cấm “các hành vi phản quốc, ly khai và lật đổ ở Hồng Kông” – động thái được coi là đòn giáng mạnh vào nền dân chủ của thành phố tự do nhất Trung Quốc này.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau, một người thường không mấy khi công khai và vốn vẫn luôn e dè trong việc chỉ trích Bắc Kinh, cho biết ông khá quan ngại trước quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông – một dự luật sẽ kiềm chế các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và làm suy giảm đáng kể quyền tự trị của đặc khu này, theo the Globe and Mail.
“Chúng tôi khá lo ngại về tình hình ở Hồng Kông. Chúng tôi có khoảng 300.000 người Canada sống ở Hồng Kông”, ông Trudeau nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (22/5). “Đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi muốn đảm bảo rằng mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’ tiếp tục được duy trì ở Hồng Kông”.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi Trung Quốc đảm bảo quyền tự trị cho trung tâm tài chính toàn cầu.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và mong Trung Quốc tôn trọng các quyền, tự do cũng như quyền tự trị cao của Hồng Kông. Là một bên tham gia Tuyên bố chung, Anh cam kết ủng hộ quyền tự trị của Hồng Kông và tôn trọng mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’”, người phát ngôn cho hay.
Trong một tuyên bố chung hôm thứ Sáu, 3 nước Canada, Anh và Úc cho biết việc áp dụng luật an ninh mới của Bắc Kinh đối với Hồng Kông “rõ ràng sẽ làm suy yếu” các quyền tự do được bảo đảm cho vùng đất thuộc địa cũ của Anh này trong hiệp ước Trung-Anh năm 1984.
Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết họ “rất quan ngại” trước dự luật được đề xuất bởi Bắc Kinh.
Trong bản tuyên bố chung, 3 nước đã nhắc nhở Trung Quốc rằng nước này đã ký vào một bản tuyên bố “ràng buộc về mặt pháp lý” hồi những năm 1980, đảm bảo “mức độ tự trị cao” mà Hồng Kông sẽ được hưởng trong 50 năm sau khi được trao trả về Trung Quốc năm 1997.
Trung Quốc đã cam kết rằng “các quyền và tự do, bao gồm quyền công dân, quyền báo chí, quyền tự do hội họp và lập hội sẽ được đảm bảo bởi luật pháp Hồng Kông”, cũng như các điều khoản của hai công ước của Liên Hợp Quốc về quyền con người.
Việc đệ trình dự luật mới này “mà không có sự tham gia trực tiếp” của người dân Hồng Kông, cơ quan lập pháp hoặc tư pháp của địa khu là sự vi phạm các cam kết mà Trung Quốc đã ký, theo bản tuyên bố chung của 3 nước.
Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vừa tổ chức một phiên họp thường niên để phác thảo những chính sách lớn sẽ được chính quyền Đảng Cộng sản Trung thông qua, vừa tuyên bố hôm thứ Năm rằng họ sẽ thông qua một dự luật “bảo vệ an ninh quốc gia” bằng cách “thiết lập và cải thiện hệ thống tư pháp và các cơ chế thực thi luật pháp” ở Hồng Kông.
Dự luật được đề xuất này sẽ cho phép Bắc Kinh vượt mặt cơ quan lập pháp Hồng Kông để hạn chế các cuộc biểu tình hoặc các hoạt động khác mà giới cầm quyền độc tài ở Bắc Kinh nhìn nhận là mang tính lật đổ.
Vương Thần, Ủy viên Bộ Chính trị, cho biết hôm thứ Sáu rằng dự luật mới sẽ cho phép các cơ quan an ninh Trung Quốc hoạt động tại Hồng Kông trên quy mô rộng, nhấn mạnh điều này là cần thiết bởi “các lực lượng chống Trung Quốc, quấy nhiễu Hồng Kông đã công khai thúc đẩy sự độc lập của thành phố này”.
“Phải có những biện pháp mạnh mẽ theo luật để ngăn chặn, chặn đứng và trừng phạt những thế lực đó”, ông Vương nói.
Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Carrie Lam, hiện đang ở Bắc Kinh để dự phiên họp toàn thể, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng bà ủng hộ dự luật này, cho rằng nó sẽ bảo vệ an ninh cho tất cả người dân Hồng Kông.
Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi quyết định của Bắc Kinh là một “hồi chuông báo tử” đối với các quyền tự do mà lãnh thổ này được hưởng.
“Mỹ thúc giục Bắc Kinh xem xét lại dự thảo luật tai hại của mình, tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng mức độ tự trị cao, các thể chế dân chủ và quyền tự do dân sự của Hồng Kông”, ông Pompeo nói trong một tuyên bố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cảnh báo Mỹ sẽ phản ứng cứng rắn nếu Trung Quốc ban hành luật an ninh.
“Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ phản ứng rất mạnh mẽ với vấn đề này”, tổng thống Trump nói.
Một cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng, Kevin Hassett, người từng giám sát Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Trump, đã lặp lại thanh âm của ông Pompeo hôm thứ Sáu.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ không cho Trung Quốc qua cửa dễ dàng”, ông Hassett nói với CNN, đồng thời nói thêm rằng, dự luật này là “một động thái rất khó khăn, đáng sợ”.
“Động thái của Trung Quốc ở Hồng Kông sẽ rất tồi tệ cho nền kinh tế Trung Quốc và Hồng Kông. Chúng tôi cũng đang xem xét những phản ứng có thể”, Hassett nói với phóng viên tại Nhà Trắng.
Ông Ryan Hass, một giám đốc cấp cao phụ trách khu vực châu Á trong Hội đồng Bảo an Quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama nói:
“Nếu Hồng Kông mất đi vị thế thương mại đặc biệt, thuế quan và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ áp dụng cho Hồng Kông”.
“Chuỗi hành động-đáp trả này giữa Trung Quốc và Mỹ đối với Hồng Kông; Trung Quốc thắt chặt kìm hãm còn Mỹ đình chỉ vị thế kinh tế đặc biệt của Hồng Kông, chúng sẽ làm suy yếu vị thế của Hồng Kông trong vai trò một trung tâm tài chính toàn cầu”.
Liên minh châu Âu EU cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tự do của thành phố cảng này. Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell, cũng kêu gọi “bảo vệ quyền tự trị cao độ của Hồng Kông”.
“Liên minh châu Âu có lợi ích lớn trong sự ổn định và thịnh vượng liên tục của Hồng Kông theo nguyên tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ”, ông Borrell nhấn mạnh.
Sự lên án mạnh mẽ từ các quốc gia phương tây nhiều khả năng sẽ làm chính quyền Trung Quốc tức giận, trong bối cảnh chính quyền này cũng đang bị chỉ trích vì sự tắc trách trong cách thức xử lý đại dịch Covid-19, bên cạnh các hoạt động gián điệp và chính sách thương mại trục lợi của mình.
Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh, đã được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 và được quản lý bởi một chính phủ độc lập bảo đảm các quyền tự do ngôn luận và bầu cử, những quyền lợi không được cho phép ở Trung Quốc đại lục.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình lớn phản đối luật an ninh quốc gia mới. Họ cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng đại dịch Covid-19 để thúc đẩy dự luật này.
The post Nhiều nước quan ngại dự luật an ninh Hồng Kông appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-05-23 08:39:02
Nguồn: https://www.dkn.tv/the-gioi/nhieu-nuoc-quan-ngai-du-luat-an-ninh-hong-kong.html