Khi Khương Tử Nha trốn khỏi Triều Ca thì chỉ cần làm phép, một trận gió thần vượt năm ải; thế mà lúc dẫn quân Tây Kỳ đến Mạnh Tân lại phải xung phá nguy hiểm trùng trùng. Điều đó khiến ta không khỏi thắc mắc, vì sao ông không sử dụng thần thông?
Phong Thần diễn nghĩa kể về hành trình Khương Tử Nha phò Chu diệt Trụ, trải qua muôn vàn khó nạn mới mở ra cơ nghiệp 800 năm của nhà Chu và hoàn thành việc lớn phong Thần mà Nguyên Thuỷ Thiên Tôn giao phó.
Khi Trụ vương đã làm quá nhiều điều bạo ngược, tám trăm chư hầu quyết hội ở Mạnh Tân, cùng vấn tội hôn quân, cứu dân khỏi cơn nước lửa. Khương Tử Nha phò tá Chu Võ vương từ Tây Kỳ đến Mạnh Tân phải vượt qua năm ải, xung phá trùng trùng nguy hiểm, hao binh tổn tướng rất nhiều, có những phen chết đi sống lại. Thế nhưng, nhớ lại lúc Khương Tử Nha bỏ Trụ vương về với Tây Kỳ, ông dùng phép tiên đưa rất đông dân chúng vượt năm ải mà không tốn sợi lông sợi tóc nào. Mọi người chỉ cần nhắm mắt lại, một ngọn gió thần đã đưa tất cả đến xứ Tây Kỳ. Vậy câu hỏi là, vì sao Khương Tử Nha không trổ phép tiên, một lần nữa đưa quân đội nhà Chu đến thẳng Mạnh Tân, tiến vào Triều Ca?
Trận gió thần đưa dân thoát Triều Ca
Hồi 18, Phong Thần diễn nghĩa kể về lúc Tử Nha đi khỏi sông Mạnh Tân, qua thuyền vượt sông Hoàng Hà đến Ðồng Quan ải thì gặp số đông dân chúng Triều Ca đang bỏ trốn để khỏi chết vì lao dịch khi xây Lộc đài cho Trụ vương. Rủi thay, Trương Phụng là tổng binh trấn ải này đuổi dân chúng trở về, không cho qua ải để tị nạn. Khương Tử Nha động lòng, vào gặp Trương Tổng binh cầu xin cho dân qua, chẳng ngờ vì Tử Nha đã mất chức quan nên Trương Phụng ra mặt khinh bỉ, từ chối thẳng.
“Tử Nha buồn bã bước đến nói:
– Không xong rồi, tôi đã hết lời năn nỉ mà Trương Tổng binh chẳng chút vị tình, còn đòi bắt tôi đem về triều dâng nạp.
Dân chúng nghe nói khóc òa. Tiếng khóc hòa vào nhau làm rúng động cả bầu trời ảm đạm.
Tử Nha thấy thương hại, nói:
– Dầu Trương Tổng binh có ác ý, chúng ta cũng chẳng hại gì. Ðể ta tìm cách đưa các ngươi đến Tây Kỳ tìm sinh kế.
Dân chúng không tin, nói:
– Cửa ải đóng chặt, lão gia làm sao đưa một số hơn tám trăm người chúng tôi đi qua được?
Tử Nha nói:
– Trước kia ta làm thầy bói, ta có phép lạ trừ yêu, nay thế lại không có cách gì đưa các ngươi qua ải sao? Các ngươi cứ yên tâm, ngủ một giấc cho đến canh ba, hễ nghe có gió thổi thì nhắm mắt lại, kẻ nào mở mắt ra mang họa đừng trách ta không nói trước.
Nghĩ đến việc Tử Nha dùng phép lạ trừ yêu trước kia, dân chúng đều mừng rỡ, riu ríu nghe theo.
Qua đến canh ba, Tử Nha hướng về núi Côn Lôn quỳ lạy một hồi, rồi niệm chú. Tức thì gió dông nổi dậy, cát bụi mịt mù. Tử Nha bảo dân chúng nhắm mắt lại. Trận gió thần hốt đám dân chúng lôi đi chẳng mấy chốc đã vượt qua năm ải là: Lâm Ðồng, Ðồng Quan, Xuyên Vân, Tị Thủy và Giới Bài.
Khi đến núi Kim Kê lãnh, Tử Nha thu phép lại, dông gió lặng yên mới bảo dân chúng mở mắt.
Dân chúng ngồi chùm nhum dưới đất nhìn nhau trong lúc trời chưa sáng.
Tử Nha nói:
– Ðây là núi Kim Kê, thuộc về nước khác, thành Tây Kỳ ở trước mặt chúng ta không xa, đợi sáng chúng ta sẽ tìm vào.
Mấy trăm dân chúng đều cúi lạy tạ ơn và nói:
– Biết ngày nào chúng tôi đáp được ơn này”.
Hành trình khó nhọc đến Triều Ca
Trước đây trốn khỏi Triều Ca nhẹ nhàng bao nhiêu, sau này vượt năm ải hội chư hầu lại khổ nhọc bấy nhiêu. Từ hồi 67 “Đàn Kim Đài, Tử Nha bái tướng” cho đến hồi 88 “Tử Nha độ binh vượt Hoàng Hà”, trải qua rất nhiều trận chiến, lúc bấy giờ Chu Võ vương mới hội kiến được các chư hầu ở Mạnh Tân. Điều đó khiến ta không khỏi thắc mắc, vì sao Khương Tử Nha không sử dụng thần thông?
Từ khía cạnh con người mà nói, sau khi Khương Tử Nha đánh bại 36 đạo binh của Trụ vương đến phạt Tây Kỳ, thì nguyên khí của nhà Ân Thương đã hao tổn khá nhiều, nhưng vẫn còn đông tướng giỏi. Nếu đội quân Tây Kỳ nhờ phép độn thổ đến thẳng Mạnh Tân, thì binh tướng của Trụ vương từ năm ải đồng loạt kéo về, phối hợp với quân ở Triều Ca, kẹp quân chư hầu ở giữa, vậy thì quân chư hầu sẽ phải vất vả chống chọi, khó lòng uy hiếp nổi Trụ vương. Bóc hành là bóc từng lớp vỏ, trước tiên tiêu diệt các ải vòng ngoài, làm suy yếu lực lượng của Trụ vương, đến khi Trụ vương chỉ còn lẻ loi ở Triều Ca thì dễ dàng đánh thắng.
Đó là suy luận trên tầng diện người phàm. Còn bối cảnh của Phong Thần diễn nghĩa là thời kỳ “nhân Thần đồng tại”, Võ vương phạt Trụ không chỉ là sự việc của con người, mà còn là kiếp số của các Thần Tiên, là đại sự của Thiên thượng. Qua sự việc này, cả người thường và Thần Tiên đều được khảo nghiệm tâm tính, người thường trung hiếu tiết nghĩa được thăng lên làm Thần, còn đệ tử Tiên gia khởi tâm đố kỵ, nghịch lại ý Trời thì bị giáng hạ tầng thứ. Bởi thế, mỗi một bước tiến của quân đội Tây Kỳ đều đã được Thiên thượng an bài tỉ mỉ, đi đến đâu gặp nạn gì, có Thần Tiên nào tới giúp… đều nằm trong dự liệu cả. Nói cách khác, Khương Tử Nha nhất định phải chinh phạt năm ải đó, đánh bại những vị tướng đó, trải qua mấy lần chết đi sống lại đó, Xiển giáo nhất định phải phá giải được trận đồ của Triệt giáo đó… thì mới hoàn thành được sứ mệnh mà Thiên thượng giao phó. Ý nghĩa thực sự nằm ở quá trình, chứ không chỉ nằm ở kết quả cuối cùng.
Bởi thế, dù Khương Tử Nha có phép tiên cũng không thể sử dụng để “đi đường tắt” đến Mạnh Tân. Quá trình Khương Thượng phò Chu diệt Trụ, ở một tầng nghĩa nào đó có thể xem là con đường tu luyện của Tử Nha, là hành trình kiến lập uy đức của nhà