Thucydides là một sử gia Hy Lạp với tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử chiến tranh Peloponnesus” kể lại cuộc chiến ở thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên giữa Sparta và Athens. Khi cường quốc Sparta (ám chỉ Mỹ thời nay) lo ngại sự trỗi dậy của một cường quốc mới (Athens thời xưa và nay là Trung Quốc), ắt hẳn chiến tranh sẽ nổ ra.
Hàng ngàn cán bộ cao cấp của Trung Quốc đến Bắc Kinh tham gia kỳ “lưỡng hội” sẽ phải đối mặt với một cuộc tranh luận mới về quan hệ Trung – Mỹ. Cụ thể, xung đột vũ trang giữa hai siêu cường này có thể tránh được không?
Câu hỏi không mới, nhưng nó diễn ra khi mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày một leo thang trong đại dịch COVID-19. Những rạn nứt ngày càng rộng trong trật tự toàn cầu đang dần bộc lộ.
Giáo sư trường Harvard Graham Allison đã đặt ra câu hỏi trong quyển sách năm 2017 “Định mệnh chiến tranh: Mỹ và Trung Quốc có thể thoát khỏi bẫy Thucydides không?” Đây là tên của nhà lịch sử học người Hy Lạp cách đây 2.500 năm và câu hỏi hóc búa này được đặt theo tên của ông, ám chỉ về khả năng xảy ra xung đột vũ trang khi một cường quốc đang lên thách thức một cường quốc đang thống trị.
Mặc dù các nhà quan sát nói chung đều đồng ý rằng một cuộc chiến tranh toàn diện giữa các quốc gia được vũ trang hạt nhân là không thể xảy ra, nhưng vẫn có những rủi ro tiềm tàng của một cuộc xung đột quân sự giới hạn.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể sự quan tâm cá nhân về khái niệm ‘bẫy Thucydides’ mà Allison lần đầu tiên đưa ra trong một bài báo năm 2012. Ông Tập đã đề cập đến khái niệm này ít nhất trong ba trường hợp, bao gồm cả buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump ba năm trước.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos vào tháng 1 năm 2017, ông Tập nói rằng bẫy Thucydides “có thể tránh được… miễn là chúng ta duy trì việc đối thoại và đối xử với nhau bằng sự chân thành”.
Nhưng đại dịch COVID-19 tàn khốc đã đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung vốn bị tổn thương sâu sắc đến bờ vực của một cuộc đối đầu toàn diện, kết quả của việc mất lòng tin và nhận thức sai lầm, Wang Jisi, chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Đại học Bắc Kinh cho biết.
“Trung Quốc và Mỹ đang chuyển từ cạnh tranh toàn diện sang đối đầu toàn diện, có rất ít cơ hội để thỏa hiệp và vận động,” Wang nói trong một bài phát biểu vào cuối tháng 3. “Chúng ta không thể loại bỏ khả năng hai cường quốc này có thể rơi vào bẫy Thucydides.”
Giọng điệu trên truyền thông thời gian gần đây từ phía Mỹ dường như đã thể hiện rõ điều này. Ông Trump đã thề sẽ “thực hiện bất cứ hành động nào cần thiết” để đòi bồi thường thiệt hại và buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho dịch COVID-19. Những trợ lý hàng đầu của ông, đặc biệt là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, đã phát biểu một cách đặc biệt thẳng thừng.
Trong Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2, ông Esper đã miêu tả Trung Quốc như một mối đe dọa đang lên đối với trật tự thế giới và kêu gọi các nước đứng về phía Mỹ trong việc chuẩn bị cho “một cuộc xung đột mức độ cao chống lại Trung Quốc”.
Chính quyền Đại lục thường miễn cưỡng nhắc đến các chủ đề ngoại giao nhạy cảm trong các cuộc họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân, được gọi là “lưỡng hội”.
Các vấn đề trong nước, đặc biệt là biến động kinh tế xã hội do đại dịch gây ra, chắc chắn sẽ chi phối các cuộc họp kéo dài một tuần này khi nước này phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ, thất nghiệp quy mô lớn, và khả năng xảy ra các cuộc di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên sự lao dốc trong mối quan hệ với Mỹ và những hậu quả có thể xảy ra được dự đoán sẽ chiếm phần lớn tâm trí của hơn 5.000 người tham gia hai kỳ họp này, theo Gu Su, một nhà khoa học chính trị của Đại học Nam Kinh.
“Khi sự căng thẳng với Mỹ về COVID-19 đang sôi sục, đồng thời nhìn vào tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, vốn đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế và khiến đất nước ngày càng bị cô lập – rất khó mà ngăn chặn các cuộc thảo luận như vậy,” ông Gu cho biết.
Do sự quan tâm rộng rãi của công chúng đối với các chủ đề gây tranh cãi này, Chủ tịch Tập và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác có thể cần phải đưa ra ý kiến cá nhân và tạo điều kiện cho một cuộc tranh luận quốc gia, đặc biệt về tương lai mối quan hệ Trung – Mỹ, ông nói.
Nhưng sẽ không thực tế khi mong đợi các quyết sách lớn về ngoại giao, bởi “các cuộc bàn luận chính sách đối ngoại quan trọng thường không xảy ra trong lưỡng hội”, Zhu Feng, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế của Đại học Nam Kinh cho biết.
> Luật An ninh cho Hồng Kông: Hàng ngàn doanh nghiệp Mỹ có thể tháo chạy “Viễn cảnh tồi tệ nhất”
Sự lao dốc trong quan hệ Mỹ-Trung đã báo động rõ ràng đến ông Tập và các trợ lý hàng đầu. Vào ngày 8/4, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc một cách khác thường rằng “chúng ta phải sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất” trong bối cảnh những bất lợi và thách thức từ bên ngoài không thể dự đoán trước, theo Tân Hoa Xã.
Mặc dù cơ quan thông tấn nhà nước không nói rõ về điều mà ông Tập gọi là “những tình huống xấu nhất,” nhưng nghiên cứu gần đây của một tổ chức tư vấn chính phủ độc lập được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đã đưa ra một số gợi ý.
Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), liên kết với Bộ An ninh Nhà nước, nói rằng Bắc Kinh có thể cần chuẩn bị cho cuộc xung đột vũ trang với Washington khi phản ứng dữ dội chống Trung Quốc đang vào thời điểm tồi tệ nhất kể từ cuộc đàn áp Thiên An Môn vào năm 1989, theo Reuters, trích dẫn từ một báo cáo nội bộ.
Báo cáo cảnh báo rằng các khoản đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ đầy tham vọng, có thể trở thành nạn nhân của quan điểm chống Trung Quốc đang gia tăng, trong khi Mỹ có thể tăng tốc các nỗ lực chống lại ảnh hưởng mở rộng của Bắc Kinh bằng cách tăng hỗ trợ quân sự và tài chính cho các đồng minh trong khu vực.
Mặc dù tổ chức tư vấn chính phủ này từ chối xác nhận câu chuyện của Reuters, nhưng nhiều nhà phân tích quan hệ quốc tế đã chia sẻ những đánh giá ảm đạm tương tự về quan hệ Mỹ-Trung.
“Chúng ta đang ở trong cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ, cả hai bên bất hòa gần như về mọi mặt – từ những căng thẳng về thương mại và công nghệ, quân đội, cạnh tranh địa chính trị và ý thức hệ, cho đến những cuộc chiến pháp lý và chính trị về virus corona,” ông Zhu nói. “Viễn cảnh cho quan hệ song phương rất đáng lo lắng và chúng ta chỉ còn một bước nữa là đi đến một cuộc chiến tranh lạnh mới.”
Khi phần lớn thế giới vẫn còn mắc kẹt trong đại dịch COVID-19, một liên minh do Mỹ dẫn đầu đã đồng loạt yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus và đổ lỗi cho Bắc Kinh về việc xử lý dịch giai đoạn đầu.
Virus corona cũng đã phá hủy phần lớn nghị trình ngoại giao của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, với các cuộc viếng thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Nhật và Hàn Quốc đã bị hoãn lại.
Cùng lúc đó, mối quan hệ của Trung Quốc với Liên minh châu Âu trở nên căng thẳng hơn, mặc dù tại Hội đồng Y tế Thế giới tuần trước, Bắc Kinh đã tránh được một cuộc điều tra độc lập toàn diện khi nghị quyết do EU soạn thảo chỉ đưa ra những cụm từ nhẹ nhàng và mơ hồ như “yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra độc lập về phản ứng của các quốc gia khác nhau về nạn dịch tại một thời điểm thích hợp”.
Tuy nhiên, số lượng các quốc châu Âu chống lại sự trịch thượng ngoại giao của Trung Quốc và đi theo sự lãnh đạo của Washington để gây sức ép yêu cầu Bắc Kinh minh bạch hơn về virus corona đang ngày một tăng lên.
Shelley Rigger, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Davidson ở North Carolina, nói rằng báo cáo của CICIR, nếu được xác nhận, đã đưa ra một đánh giá rõ ràng về tình hình và không có giai điệu hân hoan thường thấy như trong nhiều tài liệu về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.
“Đó là điều tốt. Mọi người cần phải thực tế, và không nên đắm chìm trong suy nghĩ viển vông hoặc quá tự tin,” bà nói.
Seth Jaffe, trợ lý giáo sư về khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế của Đại học John Cabot ở Rome và là một chuyên gia về lịch sử Hy Lạp, nói rằng báo cáo của tổ chức tư vấn chính phủ của Trung Quốc mang đến sự “quan ngại sâu sắc”.
“Các câu chuyện gây tranh cãi xung quanh COVID-19 hiện đang định hình lại thái độ của các nhà lãnh đạo và dân chúng giống nhau, dẫn đến tình thế chiến lược khó khăn hơn, bằng chứng là báo cáo mang tính diều hâu của CICIR,” ông nói. “Bằng cách này, trò chơi đổ lỗi virus đang khuấy động sự tự hào dân tộc và sự bất bình, thu hẹp không gian cho các nhà lãnh đạo chính trị để điều động, và tạo ra kết quả với tổng bằng “0”, dẫn đến cuộc xung đột trong tương lai – một vòng tròn luẩn quẩn.”
Theo Jaffe, tác giả cuốn sách “Thucydides và Sự bùng nổ của Chiến tranh : Tính cách và Sự tranh đấu”, mặc dù tính cách của ông Trump và ông Tập sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong bất cứ cuộc khủng hoảng thực tế nào, nhưng chính sự thay đổi cấu trúc trong cán cân quyền lực trong những năm gần đây đã đưa hai bên đến gần bờ vực hơn.
Kịch bản va chạm có khả năng xảy ra nhất là tại Biển Đông, ông cho biết.
“Tôi vẫn lo lắng nhất về các cuộc chạm trán quân sự liên quan đến các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, chúng có thể leo thang nhanh chóng theo hướng không chủ ý nhưng rất nguy hiểm, ví dụ: xảy ra một cuộc xung đột hải quân nghiêm trọng.”
Ông nói rằng một sự cố quốc tế sẽ đặt cả ông Trump và ông Tập vào tình huống xung đột để giữ uy tín, mỗi nhà lãnh đạo sẽ đối mặt với sức ép phải đứng trên người kia và không được lùi bước, nhất là khi không còn tin tưởng nhau và trước sức nóng của các tuyên bố qua lại.
“Mối nguy hiểm là một tia lửa không lường trước, có thể châm ngòi cho những hoạt động đáng sợ leo thang nhanh chóng,” ông nói thêm.
Zhao Tong, giảng viên chính tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cũng bày tỏ mối quan ngại về những sự cố quân sự và xung đột với Mỹ “có khả năng xảy ra do sự thù địch lẫn nhau đang được hình thành nhanh chóng.”
> Chuyên gia: Trung Quốc chuẩn bị 5 năm tới chiến tranh với Mỹ Quan điểm dân tộc
Trong những tháng gần đây, nhiều nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã phô bày đường lối cứng rắn của ông Tập, kêu gọi chủ nghĩa dân tộc và thể hiện “tinh thần chiến đấu,” cho dù phải trả giá bằng hình ảnh xấu đi trên toàn cầu của đất nước.
“Trong các cuộc khủng hoảng tương lai, nếu các sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), giống như một số nhà ngoại giao Trung Quốc, tính toán rằng vì những quyền lợi cá nhân của mình, họ cần phải hành động cứng rắn mạnh mẽ, thậm chí kể cả họ biết sự quá khích của mình có thể gây ra chiến tranh và khiến Trung Quốc phải trả giá đắt, thì họ có thể vẫn cảm thấy được khích lệ để làm như vậy,” Zhao cho biết.
Tệ hơn nữa, theo Zhang Tuosheng, một nhà phân tích an ninh của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh và Washing vẫn chưa thiết lập một cơ chế vận hành quản lý khủng hoảng.
“Một trong những bài học chủ yếu là chúng ta đã không chú ý nhiều lắm đến việc thiết lập một chuỗi các cơ chế vốn đã được chứng minh là cần thiết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi nó giúp ngăn chặn những căng thẳng vượt tầm kiểm soát trong tình huống khẩn cấp và khủng hoảng thực sự,” ông nói.
Bắc Kinh đã bày tỏ sự phẫn nộ không che giấu đối với mối quan hệ nồng ấm giữa Washington và Đài Bắc trước và trong lễ nhậm chức của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 20/5, nhưng một cuộc xung đột quân sự với hòn đảo này trong tương lai gần sẽ khó xảy ra, theo bà Rigger.
“Giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn hiểu những chi phí khổng lồ phải trả bằng máu, tài sản và uy tín cho hành động quân sự chống lại Đài Loan. Họ cũng quá thông minh để mà tin Mỹ sẽ không can thiệp,” bà cho biết.
Bà Rigger lưu ý một số sĩ quan PLA đã nghỉ hưu, bao gồm thiếu tướng không quân Qiao Liang, đã hạ giọng một cách bất thường quan điểm diều hâu của mình trong việc tìm kiếm tái thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
“Nhiều người Trung Quốc rất khó chịu khi nghe điều đó, nhưng chiến tranh rất tốn kém và rất khó lường. Đây là điều mà Mỹ đã học được thông qua nhiều kinh nghiệm đau đớn,” bà nói.
Mặc dù các chuyên gia kêu gọi giảm căng thẳng tình hình để chuẩn bị cho việc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây, nhưng hầu hết cho rằng điều đó phụ thuộc phần lớn vào ông Trump.
Zhu nói rằng ông Trump đang quyết liệt chơi lá bài Trung Quốc trong chiến dịch tái tranh cử của mình.
“Bắc Kinh nên đặc biệt thận trọng đối với các tranh chấp về Đài Loan và Biển Đông, không nên tranh luận ăn miếng trả miếng với Washington,” ông nói. “Chúng ta cần nhìn xa hơn nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump và cần ưu tiên việc phát triển vững chắc mối quan hệ song phương hơn là mong muốn đánh bại ông ấy.”
Shi Jiangtao, bài phân tích đăng trên SCMP.
Gia Huy biên dịch.
Xem thêm:
The post Định mệnh xung đột? Tập Cận Bình, Donald Trump và bẫy “Thucydides” appeared first on Trí Thức VN.
2020-05-24 23:26:02
Nguồn: https://trithucvn.net/the-gioi/dinh-menh-xung-dot-tap-can-binh-donald-trump-va-bay-thucydides.html