Các nhà hoạt động và chuyên gia cho biết, động thái mới nhất của chế độ Trung Quốc nhằm áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông sẽ dẫn đến sự chấm dứt quyền tự trị của thành phố. Họ cảnh báo rằng nếu không dừng Bắc Kinh lại, thì nó sẽ hành động hung hăng hơn để thiết lập quyền kiểm soát thành phố, theo The Epoch Times ngày 27/5.
Tuần trước, Bắc Kinh thông báo rằng nó sẽ thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông – bỏ qua cơ quan lập pháp riêng của đặc khu – điều này đã thu hút sự lên án của quốc tế và tái kích hoạt các cuộc biểu tình rầm rộ trong thành phố được lên kế hoạch trong nhiều tuần tới.
Sau động thái của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố vào ngày 27/5 rằng Hồng Kông không còn duy trì được quyền tự trị khỏi đại lục, khiến “vị thế giao dịch đặc biệt” của Hồng Kông với Hoa Kỳ lâm nguy.
Không rõ liệu Hoa Kỳ có tiến hành thu hồi các đặc quyền của Hồng Kông hay không. Một động thái như vậy đòi hỏi phải có lệnh hành pháp của Tổng thống Trump. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chưa trả lời câu hỏi từ The Epoch Times.
Các nhà phê bình lo ngại rằng luật an ninh quốc gia, cấm các hành động “ly khai, lật đổ và hoạt động khủng bố”, sẽ được Bắc Kinh sử dụng để đàn áp và ngược đãi những tiếng nói bất đồng. Các nhà hoạt động và các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ địa phương lưu ý rằng luật an ninh quốc gia thường được sử dụng để truy tố và tống giam những người bất đồng chính kiến ở đại lục.
Luật này cũng mở ra khả năng các cơ quan an ninh Bắc Kinh thành lập các cơ quan an ninh để thiết lập hoạt động tại Hồng Kông.
“Hồng Kông sẽ tràn ngập các đặc vụ của chính phủ Trung Quốc; và những người bị buộc tội vi phạm luật an ninh quốc gia có thể sẽ không thể tự bảo vệ mình tại một tòa án công bằng”, ông Thor Halvorssen, giám đốc điều hành của Tổ chức Nhân quyền phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington , nói với The Epoch Times.
Kế hoạch của Bắc Kinh
Hành động của chế độ Trung Quốc không hoàn toàn bất ngờ, theo Wilson Leung từ Tập đoàn Luật sư Tiến bộ có trụ sở tại Hồng Kông.
“Kế hoạch của Bắc Kinh luôn luôn là đòi quyền kiểm soát tuyệt đối đối với những gì nó cho là thuộc về nó. Nó coi Hồng Kông như là một lãnh thổ chính đáng của nó, và không ai khác ngoài nó được quyền lên tiếng, kể cả người Hồng Kông”, ông Leung nói với The Epoch Times.
Nỗ lực gần đây nhất của ĐCSTQ để hợp pháp hóa một dự luật chống lật đổ tương tự là vào năm 2003, đã bị hủy bỏ sau khi một nửa triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình.
Halvorssen cho biết hành động gây hấn với Hồng Kông lần này của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một nỗ lực nhằm làm phân tán sự chú ý của thế giới khỏi cuộc điều tra về trách nhiệm của ĐCSTQ dẫn đến sự bùng phát toàn cầu của virus Vũ Hán, và các vấn đề nội bộ khác của nó.
“Bắc Kinh đang cư xử như một kẻ bắt nạt, và nó làm như vậy để tuyên bố với cộng đồng quốc tế: ‘Chúng ta bất chấp’” ông Halvorssen nói.
Trong khi đó, chế độ đã “mất kiên nhẫn” với các đồng minh thân Bắc Kinh của nó ở Hồng Kông. Sau nhiều năm trì hoãn ban hành Điều 23, một dự luật chống lật đổ, hậu quả có vẻ như đã trở nên trầm trọng hơn, với sự thành công của các cuộc biểu tình năm ngoái của Hồng Kông chống lại dự luật dẫn độ, và chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hội đồng quận của phe ủng hộ dân chủ, ông Halvorssen nói.
“Người dân Hồng Kông đang rầm rộ đưa ra thông điệp rằng họ muốn được tự chủ. [Do đó] chính phủ Trung Quốc kết luận rằng nó thà tự thò tay mình vào Hồng Kông thay vì chờ đợi các đồng minh của nó ở Hồng Kông lập lại trật tự”, ông nói.
Vào thứ Tư, hàng ngàn người đã xuất hiện để phản đối luật an ninh và một dự luật gây tranh cãi khác sẽ hình sự hóa việc không tôn trọng quốc ca Trung Quốc. Cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 300 người tính đến trước 6 giờ chiều giờ địa phương.
“Con dao nằm trong tay chế độ Bắc Kinh. Bây giờ bất cứ lúc nào, nó cũng sẽ có thể đâm vào cổ chúng tôi”, Mục sư Chan nói với The Epoch Times trong cuộc biểu tình ở Vịnh Causeway.
Vấn đề cốt lõi
Cốt lõi của vấn đề, theo luật sư và lãnh đạo của Đảng Công dân ủng hộ dân chủ Alan Leong, là sự hoàn toàn tách biệt giữa hai hệ thống pháp lý của Đại lục và Hồng Kông. Trong khi với hệ thống pháp luật của Hồng Kông, cảnh sát phải tuân thủ luật pháp, thì tòa án ở đại lục phục vụ cho “nâng cao quyền lực cai trị của ĐCSTQ”.
Vào ngày 25/5, Hiệp hội Luật sư Hồng Kông đã ban hành một tuyên bố nhấn mạnh “một số điểm đáng lo ngại và có vấn đề” đối với dự thảo luật. Luật Cơ Bản, hiến pháp nhỏ của Hồng Kông, chỉ trao cho quốc hội Trung Quốc (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc TQ) quyền ban hành luật trong phạm vi các vấn đề liên quan đến quốc phòng và đối ngoại, cũng như các vấn đề khác nằm ngoài phạm vi quyền tự trị của Hồng Kông, chứ không phải an ninh quốc gia.
“Đề xuất [luật an ninh] hiện tại… đã thực sự vi phạm mọi quy định của các thỏa thuận ban đầu”, ông Leong nói.
Maggie Chan, một đại biểu Hồng Kông tại Quốc hội Trung Quốc, thậm chí còn đề xuất một ‘tòa án an ninh quốc gia‘ được thành lập tại đặc khu, với các thẩm phán Trung Quốc toàn quyền xét xử các vụ án.
“Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được, và đó chính là đưa yếu tố ngoại lai vào hệ thống tư pháp của Hồng Kông”, ông Leong nói.
Trần Đạo Tường (Chen Daoxiang), chỉ huy đồn trú quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông, cảnh báo qua truyền hình Trung Quốc rằng, quân đội Trung Quốc đã “sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia”.
Trong khi đặc khu trưởng Carrie Lam ra sức thuyết phục người Hồng Kông vào ngày 26/5 rằng luật sẽ chỉ nhắm vào một số ít người liên quan đến khủng bố hoặc lật đổ, ông Wilson Leung từ Nhóm Luật sư Tiến bộ của Hồng Kông nói rằng những tuyên bố đó là “tuyệt đối sai sự thật” và “hoàn toàn là tuyên truyền mị dân”.
Với các nhân viên an ninh đại lục đến để thi hành ý chí của Bắc Kinh, Hồng Kông sẽ sớm thấy “các vụ giam giữ kiểu đại lục với tất cả các hành vi lạm dụng mà chúng ta đã thấy ở đại lục”, ông nói, lưu ý đến cuộc đàn áp đang tiếp diễn đối với các học viên Pháp Luân Công và giam giữ hàng loạt của người Duy Ngô Nhĩ ở các trại tập trung Tân Cương.
“Đó là bản chất của chế độ độc tài. Nó sẽ tuyên truyền rằng: ‘Ồ, đừng lo lắng về những điều luật khủng bố hoặc luật an ninh quốc gia này. Nếu bạn không làm gì sai, chúng tôi sẽ không nhắm vào bạn’”, ông nói. “Nhưng nếu quý vị đã thấy những gì đã xảy ra ở Trung Quốc, thì sự thực hoàn toàn ngược lại”.
Thiệt hại kinh tế
Bắc Kinh đang phạm phải một “sai lầm lớn” khi gây nguy hiểm cho vai trò của Hồng Kông như một trung tâm tài chính toàn cầu, Law Ka-chung, một giáo sư trợ giảng tại khoa kinh tế của Đại học Hồng Kông nói trong một cuộc phỏng vấn.
Niềm tin của nhà đầu tư vào luật pháp và quyền tự chủ của Hồng Kông đã ở mức thấp kỷ lục sau cuộc khủng hoảng dự luật dẫn độ năm ngoái, có thể sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo đi xuống, ông nói.
Law suy đoán rằng Bắc Kinh có thể không thực thi luật an ninh ngay lập tức – một động thái sẽ tạo ra một cú sốc bất ngờ có thể làm sụp đổ nền kinh tế địa phương. Nhưng thiệt hại do các điều khoản hà khắc của Trung Quốc sẽ thể hiện trong dài hạn, ông nói.
Ông cũng dự đoán rằng việc di cư quy mô lớn ra khỏi Hồng Kông có thể diễn ra, tương tự như khi lãnh thổ được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Luật này có thể sẽ mang lại sự bất ổn lâu dài và gia tăng khoảng cách xã hội khi tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông gắn kết hơn với đại lục: Người đại lục có thể thống trị các vị trí cấp cao trong các công ty, trong khi sự tham gia của nước ngoài vào các ngành có giá trị cao như kế toán, bảo hiểm và môi giới có thể giảm quy mô đáng kể, theo ông Law.
Với thông điệp của ngài Pompeo, “vị thế quốc tế” của đặc khu – gắn liền với bản sắc riêng biệt của nó với Trung Quốc đại lục – đang bị đe dọa.
Trước đây, theo luật của Hoa Kỳ, Hồng Kông có các đặc quyền đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và nhập cư. Thành phố này cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Hoa Kỳ về rượu vang, thịt bò và các sản phẩm nông nghiệp.
“Một khi [luật] này thực sự đi vào con đường mà ĐCSTQ đang đe dọa sẽ đẩy nó vào, nó sẽ khuấy động và di dời rất nhiều cộng đồng doanh nghiệp đang báo động vào thời điểm này”, ông Samuel Chu, người sáng lập và giám đốc điều hành nhóm vận động Hội đồng Dân chủ Hồng Kông có trụ sở tại Washington nói. “Một khi nó thực sự khiến cộng đồng doanh nghiệp hoảng sợ, nó sẽ nhìn thấy thiệt hại khi họ thực hiện các động thái để bảo vệ bản thân về lâu dài”.
Phần lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc được chuyển đến qua Hồng Kông. Không dễ cho Bắc Kinh tìm kiếm một sự thay thế khi tình trạng Hồng Kông rớt xuống. “Bắc Kinh đã có chương trình nghị sự xây dựng [trung tâm tài chính] Thượng Hải từ lâu – vào đầu những năm 2000”, Law nói. “Tuy nhiên, sau 10 đến 20 năm, họ vẫn không thể đưa Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính quốc tế”.
Tương lai của Hồng Kông được như thế nào sẽ dẫn đến những hậu quả đối với thế giới, theo Leung, một luật sư Hồng Kông.
“Hồng Kông thực sự là một tiền tuyến trong cuộc đấu tranh giữa thế giới tự do và thế giới độc tài”, ông nói. “Nếu Hồng Kông sụp đổ, thì bạn có thể chắc chắn rằng, tiếp theo sẽ là Đài Loan,… rồi rất sớm thôi, bạn sẽ thấy [ĐCSTQ] lan ra khắp thế giới”.
Bài viết của Eva Fu, The Epoch Times ngày 27/5,
Annie Wu đã đóng góp cho báo cáo,
Hương Thảo dịch và biên tập
The post Các chuyên gia: Hồng Kông bên bờ vực bị đặt dưới ách thống trị của ĐCSTQ appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-05-28 05:00:02