Bao Thanh Thiên làm quan chính trực thanh liêm, tạo phúc cho trăm họ. Một chiếc nghiên mực làm quà giá trị chẳng đáng kể gì, nhưng với ông đó là sự vấy bẩn kinh động đến cả Trời Đất.
Bao Chửng tự Hy Nhân, là người Lư Châu, An Huy thời Bắc Tống. Từ nhỏ ông học tập kinh sử, ngưỡng mộ những việc làm của các bậc cổ Thánh tiên hiền, sớm lập chí “Báo quốc an dân”. Ông đã đảm nhiệm các chức Tri phủ Khai Phong, Giám sát Ngự sử, Khu mật Phó sứ. Ông “tính cương trực, trong triều cương nghị”, cả đời vì dân, là “Bao Thanh Thiên” trong lòng bách tính.
Bao Chửng nghiêm khắc kỷ luật bản thân, sống tiết kiệm, đơn giản chất phác. Câu chuyện ông “trở về không cầm (vật nào dù nhỏ như) nghiên mực” được lưu truyền rộng rãi.
Khi Bao Chửng làm Tri phủ Đoan Châu, đây là vùng nổi tiếng thiên hạ với đặc sản nghiên mực. Giới quyền quý, đại thần, học sỹ đương thời đều coi trong nhà có mấy nghiên mực Đoan Châu là niềm vinh hạnh. Nhưng Bao Chửng cho đến tận khi mãn nhiệm, rời Đoan Châu cũng không đem theo một chiếc nghiên mực Đoan Châu nào.
Tương truyền sau khi Bao Chửng mãn nhiệm, hàng vạn người già trẻ trai gái Đoan Châu đều ra bến cảng đưa tiễn, khắp các ngõ phố không một bóng người. Họ đem theo đồ tặng, Bao Chửng đều cảm ơn và từ chối. Có người đem một chiếc nghiên mực Đoan Châu thượng đẳng nhất, dùng vải vàng gói lại rồi lặng lẽ để ở trong khoang thuyền, nghĩ rằng đến khi Bao Chửng đến nơi phát hiện ra thì cũng sẽ nhận.
Không lâu sau, thuyền của Bao Chửng đến Linh Dương Hiệp, thời tiết vốn gió nhẹ nắng đẹp, lúc này lại có mây đen nổi lên, sóng lớn không ngừng, dường như con thuyền sắp bị sóng đánh chìm đến nơi rồi. Bao Chửng hạ lệnh dừng thuyền, tự thấy làm lạ: “Bao Chửng ta ở Đoan Châu thanh đạm như nước, làm sao khiến ông Trời nổi giận như thế này?”.
Thế là Bao Chửng lệnh cho người kiểm tra hành lý. Quả nhiên phát hiện ra một chiếc nghiên Đoan Châu. Bao Chửng ném chiếc nghiên xuống sông, nghiên vừa chìm thì lập tức gió lặng sóng yên, mây tan mặt trời lại ló ra. Sau đó, ở chỗ nghiên mực chìm nổi lên một gò cát. Tấm vải vàng gói nghiên mực thuận theo dòng nước chảy, sau này trở thành bãi cát. Đây chính là “Nghiễn Châu”, “Bãi cát Vải vàng” hoặc “Bãi cát Nghiên mực” trong truyền thuyết. Người địa phương đã mời thợ thủ công đến điêu khắc câu đối kỷ niệm rằng:
“Đá Sao rực rỡ sáng sơn hải
Bến Nghiên gió sạch khắp cổ kim”.
Cả cuộc đời Bao Chửng quang minh lỗi lạc, “không a dua, không nói lời giả tạo để làm vui lòng người”; “không yêu mũ ô sa, chỉ yêu dân”, được người đời ngưỡng mộ, già trẻ trai gái đều biết tiếng. Bao Chửng có viết một bài thơ nói rõ chí hướng của mình trên bức tường ở giữa đại sảnh nha phủ rằng:
“Thanh liêm: gốc ‘trị quốc’
Cương trực: ‘tu thân’ cầu
Cây thẳng ắt làm cột
Thép ròng chẳng uốn câu
Kho đầy: chuột, sẻ khoái
Cỏ hết: thỏ, chồn sầu
Sử sách nêu di huấn
Chớ để nhục về sau!”
(Thư Đoan Châu quận trai bích – Bản dịch của Nguyễn Khắc Phi)
Có thể nói, đây là bản miêu tả nhân cách tinh thần cả cuộc đời Bao Chửng, và cũng là lời dặn dò nghiêm khắc với quan lại muôn đời sau.
Theo Trí Chân, Minh Huệ Net
Thanh Ngọc biên tập
Video: Câu chuyện 9 đôi giày của ông Vương
The post Bao Chửng: Thanh liêm là gốc trị quốc, một chiếc nghiên mực cũng tuyệt đối không nhận appeared first on Đại Kỷ Nguyên.