Chính quyền Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng bất bình trên toàn thế giới vì tình trạng bưng bít thông tin và che giấu dịch bệnh, khiến virus corona bùng phát từ Vũ Hán, lây lan tới 213 quốc gia, trên 5 triệu ca nhiễm và hơn 300.000 người tử vong. Trước áp lực truy cứu toàn cầu về đại dịch COVID-19, những ai thân cận với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều đang gặp nguy hiểm, theo cảnh báo của một nghị sĩ Úc vào tháng trước.
Trong bối cảnh đó, bộ máy cầm quyền đang ép buộc người dân phải dành trọn niềm tin của họ cho ĐCSTQ, theo báo cáo của Bitter Winter, một chuyên trang về nhân quyền có trụ sở tại Ý.
Phải mừng ngày ‘sinh nhật chính trị’
Bitter Winter cho biết, vào năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã ban hành hai tài liệu nhằm ràng buộc các thành viên của họ hơn nữa. Tài liệu thứ nhất có tiêu đề “Quan điểm về củng cố lập trường chính trị”, tài liệu thứ hai có tên “Củng cố và nâng cao hơn nữa hạt nhân của Đảng và Nhà nước”. Trong hai tài liệu này ĐCSTQ đưa ra yêu cầu đảng viên phải kỷ niệm ngày họ gia nhập Đảng, đây được coi là “sinh nhật chính trị” của họ.
Các cơ quan truyền thông của chính quyền Trung Quốc đã cùng nhau nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh nhật chính trị và các hình thức khác nhau để tổ chức sự kiện này. Họ gợi ý, khi ăn mừng sinh nhật chính trị, đảng viên có thể nghĩ ra cách mới để bày tỏ lòng trung thành với ĐCSTQ như “việc học tập tư tưởng”, hoặc làm các tấm thiệp mời người khác tới dự sinh nhật chính trị của mình.
Bitter Winter cho hay, theo quan niệm của ĐCSTQ, “sinh nhật” của một người là để tôn vinh cuộc sống, còn “sinh nhật chính trị” là để bày tỏ tình yêu, lòng trung thành, và thái độ tôn kính với ĐCSTQ “vì đã cho chúng ta một cuộc đời chính trị và nuôi chúng ta như một người mẹ”.
Một thành viên của ĐCSTQ nói với Bitter Winter rằng trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hỗn loạn do dịch bệnh, ĐCSTQ muốn củng cố lòng trung thành của người dân bằng cách “giới thiệu các hoạt động chính trị dưới các hình thức khác nhau để bày tỏ lòng biết ơn”. Vị đảng viên cho biết thêm, nhiều người chán ghét những nghi lễ này vì nó khiến họ nhớ về thời đại Mao Trạch Đông.
“Trong thời cách mạng văn hóa, Mao Trạch Đông đã bắt người dân phải ghi nhớ những câu danh ngôn của ông ta”, Bitter Winter trích lời của một cụ ông ở tỉnh Sơn Tây. Cụ cho biết, giờ đây “Tập Cận Bình cũng làm như vậy: Mọi người phải đọc bài phát biểu của ông ấy và tôn thờ ông ấy. Ai cũng phải làm điều này. Xã hội này đã bị hủy hoại”.
Phải học tập tư tưởng Tập Cận Bình
Theo Bitter Winter, trong thời gian đại dịch diễn ra vừa qua, ở Trung Quốc, các đảng viên, giáo viên, học sinh, nhân viên y tế và nhiều người dân khác liên tục phải chịu nhận các bài tuyên truyền của truyền thông nhà nước. Họ buộc phải bày tỏ lòng biết ơn đối với ĐCSTQ vì nó là “lực lượng có sức mạnh vô biên” và với Chủ tịch Tập Cận Bình vì “ông là nhà lãnh đạo thông thái và không thể thiếu được” trong cuộc chiến chống lại virus.
Một quan chức ở thành phố Lüliang, tỉnh Sơn Tây, nói với Bitter Winter rằng trong đại dịch, các quan chức địa phương được giao hạn ngạch giới thiệu từ 60 đến 300 người sử dụng ứng dụng “[Chủ tịch] Tập nghiên cứu quốc gia hùng mạnh”, viết tắt là XSSN, trên WeChat, một mạng xã hội được Bắc Kinh cho phổ biến ở Trung Quốc.
Vào tháng Hai, cư dân của một ngôi làng ở Lüliang thấy trong tài khoản WeChat của họ xuất hiện tin nhắn của quan chức địa phương yêu cầu người dân, dù là già hay trẻ, đều phải mua điện thoại thông minh để tải ứng dụng XSSN.
Một cụ ông ở độ tuổi 80 nói rằng ông không biết dùng ứng dụng này nhưng nếu không dùng thì sẽ bị cắt các khoản trợ cấp.
Vào tháng Ba, người đứng đầu các phòng giáo dục, bệnh viện và nhà thờ ở Khai Phong, một thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam, cũng được hướng dẫn tăng cường sử dụng ứng dụng XSSN.
“Mỗi cấp chính quyền đều yêu cầu cấp dưới của mình dùng ứng dụng này”, một giáo viên ở Khai Phong ngao ngán cho biết. “Vì thế, trường học yêu cầu phụ huynh học sinh phải học tập tư tưởng Tập”.
Một nữ giáo viên ở thành phố Anyang, tỉnh Hà Nam, giải thích rằng ứng dụng này ghi lại lượng thời gian người dân sử dụng nó và tính điểm. “Để tích lũy điểm, chúng tôi phải đăng các bài phát biểu và tin tức về Tập Cận Bình trên các nhóm WeChat khác, nhưng đôi khi bài của chúng tôi bị các nhóm xóa vì người ta chán ngấy với việc đăng bài của chúng tôi”, cô giáo này cho biết thêm. “Những người có điểm thấp sẽ bị chỉ trích, vì vậy, mỗi ngày, chúng tôi tiếp tục cho đăng lại [những bài ca ngợi ông Tập] trong các nhóm khác, cảm giác [việc này] như ăn trộm vậy”.
Vào tháng Hai, một số trường tiểu học và trung học ở thành phố Jinzhong, tỉnh Sơn Tây, đã yêu cầu giáo viên, học sinh và phụ huynh của họ sử dụng ứng dụng XSSN.
Ban tuyên giáo của Trung ương ĐCSTQ và Ủy ban Giáo dục và Công tác theo dõi lượng người sử dụng XSSN mỗi ngày. Hai cơ quan này cũng giới thiệu các phương pháp đánh giá để khắc phục “tỷ lệ người dân tham gia sử dụng XSSN thấp và dành ít thời gian cho ứng dụng này”, Bitter Winter cho biết.
Bitter Winter cho rằng, trên thực tế sự việc không giống như những gì hệ thống tuyên truyền cưỡng buộc người dân hiểu, ĐCSTQ đã che giấu những thông tin quan trọng liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán, bịt miệng những người cảnh báo về loại virus nguy hiểm và mở các chiến dịch tuyên truyền thao túng thông tin có lợi cho họ trên toàn thế giới. Giáo sư Zhang Yongzhen, người đã chia sẻ với cộng đồng khoa học quốc tế về bộ gen của virus Vũ Hán, đã bị chính quyền khiển trách, và Ủy ban Y tế Thượng Hải đóng cửa phòng thí nghiệm của ông để “điều chỉnh lại” vào ngày 11/1.
The post Áp lực tứ bề, Bắc Kinh ép người dân dành trọn niềm tin cho chính phủ appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-05-25 06:52:03
Nguồn: https://www.dkn.tv/the-gioi/ap-luc-tu-be-bac-kinh-ep-nguoi-dan-danh-tron-niem-tin-cho-chinh-phu.html