Phó Chỉ huy lực lượng NATO tại Châu Âu tuyên bố, việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ có thể coi là “hành động gây chiến” và dẫn đến đòn đáp trả quân sự.
Theo Independent (Anh), Phó Chỉ huy Tối cao Lực lượng NATO tại Châu Âu, tướng Adrian Bradshaw cáo buộc Nga đang thực hiện “một chiến dịch quốc tế nhằm tuyên truyền thông tin sai lệch” trên website của Sputnik News và Russia Today.
Những hành động này được coi là cuộc tấn công nhằm vào NATO và đồng nghĩa với việc liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có quyền đáp trả.
Tướng Bradshaw cho rằng việc Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ và “đưa thông tin sai lệch” về phương Tây sẽ được xem là hành động “tấn công” vào NATO. |
Theo Hiệp ước NATO, một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một hay nhiều các nước thành viên NATO sẽ được coi là một cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ liên minh và các nước thành viên trong khối có thể sử dụng bất kỳ hành động cần thiết nào để phòng thủ.
Trong những năm gần đây, NATO cũng coi “cuộc tấn công” ở đây không chỉ trên lĩnh vực quân sự mà sang cả những cuộc tấn công mạng.
Những phát biểu mới nhất của ông Bradshaw được đưa ra trong bối cảnh các thành viên của đảng Dân chủ và nhiều quan chức đảng Cộng hòa tiếp tục tố cáo nhiều thành viên của chính quyền Tổng thống Donald Trump “đi đêm” với Nga.
Trước đó ngày 3/3, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov và người đứng đầu NATO Petr Pavel đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng.
Sputnik News (Nga) dẫn tuyên bố của bộ Quốc phòng Nga cho hay: “Đây là liên lạc cấp cao đầu tiên về quân sự kể từ ngày thông qua quyết định của Hội đồng NATO về “đóng băng” quan hệ với Nga”.
Tuyên bố này cho biết thêm, ông Gerasimov đã trao đổi với người đứng đầu NATO về sự quan ngại của Moscow trước sự gia tăng đáng kể hoạt động quân sự gần biên giới Nga cũng như việc triển khai các hệ thống lực lượng chung của liên minh này. Hai bên cũng thảo luận về triển vọng khôi phục thông tin liên lạc quân sự và hướng tới giảm căng thẳng ở Châu Âu.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow.
Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Gần đây, nhiều thành viên của NATO và bản thân nhiều quan chức trong nội bộ nước Mỹ đang quan ngại trước viễn cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tìm cách khôi phục lại quan hệ với Nga.
Xem thêm >>> Người Mỹ đầy hi vọng sau bài phát biểu đặc biệt của Tổng thống Trump
Phương Anh
2017-03-04 04:48:05