Cái bắt tay giữa Thủ tướng Shinzo Abe và ông Trump hôm 10/2 được chuyên gia ngôn ngữ hình thể mô tả là “tồi tệ”. Trước đó không ít các chính trị gia cũng gặp phải những tình huống gượng gạo như vậy.
Những cái bắt tay của các chính trị gia thế giới khi gặp nhau có thể ẩn chứa nhiều ý nghĩa.
Về cơ bản đây là cử chỉ mang tính chất ngoại giao thường thấy, nhưng đôi khi đằng sau nó những khoảnh khắc mang tính lịch sử, một thỏa thuận lớn hay một sự đồng thuận mà hai bên đạt được sau những bất đồng.
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev bắt tay nhau sau khi đàm phán về việc giải trừ vũ khí trong thời điểm hai nước đang căng thẳng. |
Trong lịch sử đã có những cái bắt tay ghi đậm dấu ấn giữa các chính khách đối lập như cái bắt tay của phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lãnh tụ Cuba Fidel Castro, hay Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev v.v…
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ngày nay thường gặp phải những tình huống trớ trêu khi thực hiện cử chỉ tưởng chừng đơn giản như vậy.
Trong cuộc tiếp đón Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Nhà Trắng hôm 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt tay nhà lãnh đạo Nhật Bản trong 19 giây, ông Trump sau đó còn vỗ nhiều lần lên mu bàn tay ông Abe trước khi buông ra.
Có ý kiến cho rằng cách bắt tay của ông Trump dường như đã làm Thủ tướng Shinzo Abe cảm thấy khó chịu.
“Khi vỗ vào tay của ai đó, bạn đang cố gắng thể hiện sự gần gũi với người đối diện hơn những gì bản thân bạn có. Đó là cách thức tạo ấn tượng”, tờ Quartz dẫn nhận xét của Joe Navarro, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể ở Florida. “Tình huống duy nhất bạn được phép vỗ vào tay họ như vậy là khi bạn là bà của họ, chứ không phải giữa hai người lớn đã trưởng thành”.
Cách bắt tay của Tổng thống Trump có thể khiến một người Nhật như Thủ tướng Shinzo Abe cảm thấy không thoải mái. |
Hành động như vậy khiến nhiều người khó chịu và cảm thấy bị động chạm. “Bởi vì phần mặt sau của bàn tay là vùng riêng tư”, chuyên gia Navarro mô tả điều này cũng gây cảm giác giống như việc ai đó đứng quá gần với bạn. “Bạn có quyền được chạm vào lòng bàn tay của họ khi bạn bắt tay, nhưng không phải ở chỗ riêng tư như vậy”, ông giải thích.
Tổng thống Trump không chỉ vỗ nhẹ lên mu bàn tay của ông Abe, ông còn giật mạnh và kéo Thủ tướng Nhật về phía mình. Đây có thể là thói quen của Tổng thống Mỹ khi ông từng làm như vậy nhiều lần với những người khác như Mitt Romney, Neil Gorsuch, Nancy Polosi, Rex Tillerson, và Mike Pence.
Kiểy bắt tay này khiến người ta cảm thấy giống như hai nhà lãnh đạo đang chơi kéo co một cách hài hước. “Điều này gây ra sự khó chịu về tâm lý. Đúng hơn nó là một hành động hơi thô lỗ”, chuyên gia Navarro nhận xét.
Tại Nhật Bản, người ta thường chào nhau bằng cách cúi đầu hoặc một cái bắt tay, đôi khi là cả hai, sau đó là duy trì một khoảng cách và tránh những cử chỉ quá thân mật. Theo tờ Quartz, không khó để tưởng tượng một người Nhật Bản như ông Abe cảm thấy không vui vẻ khi bị giật mạnh tay như vậy.
Mặc dù những cái bắt tay có thể kéo dài hơn một cách tự nhiên để có thời gian chụp ảnh, chuyên gia Navarro cho rằng sẽ thích hợp hơn nếu ông Trump chỉ nắm tay Abe một cách bình thường giống như mọi người.
Ông Abe sau đó liếc nhìn lên trần nhà sau khi Trump cuối cùng cũng buông tay ra. Nhà lãnh đạo trông có vẻ nhẹ nhõm khi cái bắt tay cuối cùng đã kết thúc. Sau đó ông chỉnh lại tư thế ngồi của mình, trong khi ông Trump giơ ngón tay cái trước ống kính máy ảnh và nói “tay khỏe”.
Những cái bắt tay gượng gạo của các chính trị gia trên thế giới
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto thử một cái bắt tay ba bên khi họ gặp nhau tại Ottawa, Ontario, trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ vào ngày 29/6/2016. |
Đó không phải là lần đầu tiên ông Obama phải “chịu đựng” một cái bắt tay kiểu như vậy. Tại một cuộc họp ba bên trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 16/11/2014 ở Brisbane, Australia, ông cùng với Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng từng có một cái bắt tay đáng nhớ. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp ông Obama tại trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 28/9/2015. |
Thủ tướng Anh David Cameron có cuộc gặp mặt với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Phố Downing vào ngày 27/2/2014, cả hai dường như có một cái bắt tay khá khó khăn. |
Tổng thống Pháp François Hollande và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại điện Elysee vào ngày 16/1//2015. Cái bắt tay của ông Kerry khiến nhiều người liên tưởng đến việc nhà chính khách nước Mỹ đang muốn mời nhà lãnh đạo Pháp khiêu vũ. |
Cái bắt tay “không trọn vẹn” giữa Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào ngày 26/8/2014 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Cái bắt tay giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn với Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Timothy Geithner khiến Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ở giữa cảm thấy lúng túng. |
Trong thời điểm quan hệ hai nước gặp những trắc trở, cái bắt tay giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng trở nên nặng nề. |
Cái bắt tay kỳ lạ giữa ông Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 21/3/2016. |
Đọc thêm>>> Hàn gắn chưa xong, ông Trump lại tiếp tục ‘chọc giận’ Trung Quốc
Quốc Vinh
2017-02-12 16:00:34
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-cai-bat-tay-guong-gao-cua-cac-nha-lanh-dao-the-gioi-a315191.html