Hàng trăm ngàn người “bốc hơi” một cách bí ẩn mỗi năm, không để lại dấu vết gì, ngay cả người thân của họ cũng không thể liên lạc hay tìm thấy.
Sau khi đầu tư và thua lỗ 3,5 triệu USD, những ông sếp của Kazufumi Kuni đổ dồn mọi tội lỗi lên trên đầu anh, khiến người đàn ông này bỗng nhiên trở thành “con nợ” của nhiều khách hàng và bị săn lùng ráo riết.
Vào một buổi sáng năm 1970, Kuni quyết định bỏ trốn.
Khoảng 100.000 người Nhật “mất tích” mỗi năm giống như Kuni. |
Thời gian đầu, Kuni sống trên gác xép ở nhà một người bạn đại học, nhưng rồi cảm thấy không ổn, anh quyết định từ từ biến mất, đi vào thế giới ngầm dành riêng cho những người như mình.
Từ đó, Kuni thuộc về thế giới của những người “bốc hơi”. Thế giới đó đã trở thành một hiện tượng văn hóa đặc trưng của Nhật Bản khi có khoảng 100.000 người biến mất mỗi năm mà không để lại bất cứ dấu vết nào.
“Ban đầu, tôi chẳng nghĩ gì đến một cuộc sống mới, mà chỉ đơn giản là chạy trốn”, Kuni nói với nhà báo Lena Mauger, người đã thực hiện cuộc điều tra về những trường hợp “bốc hơi” như anh ở vùng ngoại ô phía bắc thủ đô Tokyo.
“Chẳng có gì đáng tự hào khi phải chạy trốn. Không tiền bạc, cũng chẳng địa vị. Điều quan trọng nhất là phải sống sót”, Kuni nhớ lại. Để tồn tại, anh phải đánh đổi toàn bộ cuộc sống đầy đủ từng có và bắt đầu làm những công việc chưa bao giờ anh nghĩ tới như công nhân xây dựng, rửa bát… Tất cả đều phải làm một cách chui lủi.
Sau nhiều năm, người cha già của Kuni cất công tìm kiếm anh nhưng cũng không có kết quả. Những người chủ nợ cũng vì thế mà từ bỏ.
Tới tận năm 38 tuổi, sau nhiều năm trốn chạy, Kuni mới dám thuê một căn hộ nhỏ dưới tên giả và bắt đầu mở một công ty chuyên thu gom và xử lý rác thải. Ngoài công việc chính kể trên, Kuni còn có “nghề tay trái” là giúp đỡ những người phụ nữ, đàn ông hay thậm chí những gia đình muốn trốn chạy, bắt đầu một cuộc sống mới.
Vách đá Tojinbo, nơi nhiều người tìm đến tự tử. |
Theo một khảo sát ở Nhật Bản, từ những năm 1990, khoảng 100.000 người đã “bốc hơi” mỗi năm. Không giống như các quốc gia phát triển khác, Nhật Bản là đất nước có xã hội kín kẽ nhất thế giới, vì thế nhiều người có thể biến mất dễ dàng và tới sinh sống ở những khu ổ chuột như Sanya ở Tokyo và Kama ở Osaka.
Chia sẻ về lý do tiến hành cuộc điều tra này, nhà báo Pháp Mauger nói: “Điều thú vị là người ta có thể biến mất hoàn toàn ở một quốc gia hiện đại với đầy đủ công nghệ tìm kiếm, giám sát và mạng xã hội như Nhật Bản. Quả thực ở Nhật Bản, thực tế còn đi xa hơn rất nhiều so với những gì có thể tưởng tượng”.
Theo Mauger, văn hóa của người Nhật nhấn mạnh vào tính đồng bộ, đề cao sự quan trọng của tập thể hơn cá nhân. Vì thế, với những ai không thể hòa nhập thì biến mất là cách duy nhất khiến họ được tự do.
“Biến mất còn là cách để cứu vãn danh dự. Ngoài ra, còn nhiều lý do khác để người ta ‘bốc hơi’, như ly hôn, mất việc, trượt một kỳ thi, trốn nợ… Đối mặt với thất bại, hàng ngàn người Nhật đã chọn cái chết, còn những người khác trở thành cái bóng lầm lũi tại đất nước này. Biến mất cũng là một dạng tự tử xã hội”, nhà báo nói.
Đã từng có thời gian hiện tượng “bốc hơi” lên đến mức đỉnh trong lịch sử như sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1989 và 2008.
Thông qua cuộc điều tra, nhà báo Mauger nhận thấy, việc tồn tại ở Nhật Bản dễ dàng hơn nhiều so với các quốc gia khác bởi giữa sự giao tiếp vô cùng hạn chế giữa người dân các quận khác nhau.
Những người bỏ trốn thường tìm một công việc và âm thầm kiếm sống hay đầu quân cho yakuza, một trong những tổ chức mafia mạnh nhất Nhật Bản và cả thế giới. Họ sống ở những khu ổ chuột không có nhà vệ sinh riêng hay mạng internet.
Nhà báo Mauger cho hay, cô luôn bị ám ảnh bởi câu nói của một người đàn ông đã bỏ trốn cùng gia đình vì nợ nần: “Chạy trốn không phải là kết thúc mọi chuyện. Nó là con đường nhanh nhất dẫn tới cái chết”.
Xem thêm: Giáo sĩ có 130 vợ qua đời ở tuổi 93, để lại hơn 200 con
Danh Tuyên
2017-02-02 03:48:16
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/hon-100000-nguoi-nhat-mat-tich-moi-nam-ho-o-dau-a314149.html