Tổng thống Trump có thể sẽ không muốn bỏ tù bà Clinton như ông từng dọa dẫm trước đó, nhưng các cuộc điều tra về cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ không dừng lại.
Trong khi các phương tiện truyền thông Mỹ đầy rẫy những tin đồn về khả năng trở lại chính trường của bà Hillary Clinton, giới quan sát lại cho rằng trước khi ứng viên từng hai lần tranh cử tổng thống có một vị trí mới, có thể bà sẽ sớm tìm thấy mình trong một đống rắc rối pháp lý.
Sau khi thất bại trước cuộc tranh cử cuối năm 2016, cựu Ngoại trưởng Mỹ không hẳn đã rút lui về hậu trường trong sự im lặng khi có những phát biểu rất ẩn ý trên Twitter.
Bà Hillary Clinton vẫn chưa thể thoát khỏi những rắc rối về pháp lý. |
“3-0″ là dòng trạng thái ngắn gọn được bà Clinton đăng lên hôm thứ Năm tuần trước, được cho là ám chỉ đến phán quyết của Toà phúc thẩm khu vực số 9 ở San Francisco, trong đó giữ nguyên quyết định dừng lệnh nhập cảnh của Thẩm phán James Robart đối với sắc lệnh di trú của ông Trump.
“Tỉ số này ám chỉ đến sự nhất trí áp đảo trong việc đưa ra quyết định từ tòa phúc thẩm”, Daniel Halper của tờ New York Post bình luận.
Thông tin về sự trở lại của bà Clinton cho biết, sẽ rất sớm, bà sẽ trở lại trong một vai trò cấp cao của đảng Dân chủ hoặc trở thành thị trưởng tiếp theo của thành phố New York.
Tuy nhiên Charles K. Ortel, một nhà phân tích đầu tư Phố Wall cho hay, những cáo buộc xung quanh các giao dịch tài chính của Quỹ Clinton là quá lớn để mọi thứ có thể rơi vào quên lãng. Trong phân tích của mình, Ortel cho biết kể từ năm 1990 đến nay, Quỹ Clinton đã kêu gọi được hàng triệu đô la dưới danh nghĩa nhân đạo, tuy nhiên các khoản chi thực tế lại rất ít được công bố công khai.
“Kể từ ngày 23/10/1997, khi Quỹ Clinton được thành lập, các hồ sơ cho thấy có khoảng 2 tỷ USD thu về dưới hình thức đóng góp và tài trợ”, Ortel nói với Sputnik.
Tuy nhiên nhà phân tích này nhấn mạnh các hoạt động của quỹ không đi theo đúng quy định của pháp luật, trong khi không có kiểm toán độc lập trong suốt thời gian từ lúc nó ra đời cho đến nay. Đồng nghĩa với việc không có ai dám đảm bảo rằng tất cả các đóng góp của họ có hạ cánh đến tài khoản ngân hàng của Quỹ Clinton hay đến một nơi khác.
Các biện pháp nới lỏng kiểm soát tài chính, bên cạnh việc hoạt động trên quy mô quốc tế, cùng sự biến động về tỷ giá hối đoái được cho là điều kiện khiến nguồn tiền trong quỹ bị rò rỉ ra ngoài thông qua dịch chuyển doanh thu và chi phí giả.
“Ví dụ, nhà tài trợ lớn nhất của Quỹ Clinton, một tổ chức đa phương có trụ sở tại Thụy Sĩ có tên UNITAID tuyên bố đã gửi khoảng 650 triệu USD từ cuối năm 2006. Rà soát theo các năm, có thể thấy các khoản đóng góp của họ có sự khác biệt đáng kể với các báo cáo phát hành từ Quỹ Clinton”, Ortel cho biết.
Ngoài ra, sự hợp tác của Quỹ Clinton với các nhà tài trợ nước ngoài trong thời gian bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ đã nhiều lần khiến nhiều quan chức bày tỏ quan ngại về việc xung đột lợi ích.
“The Clinton Foundation (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc) đã không bao giờ thành thật tiết lộ về số tiền chính xác và mục đích quyên góp của nhiều chính phủ nước ngoài,” Ortel lưu ý.
Những người ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ buồn bã khi ông Trump thắng cử tổng thống. |
Câu hỏi đặt ra là tại sao một cuộc điều tra toàn diện vào về cáo buộc đối với quỹ tài chính liên quan đến bà Hillary Clinton vẫn chưa được khởi xướng bởi các nhà chức trách Mỹ.
Dady Chery từ tờ News Junkie Post tin rằng sớm hay muộn hoạt động của Quỹ Clinton cũng sẽ sớm được lôi ra ánh sáng, tuy nhiên bà lưu ý dù từng tuyên bố mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump sẽ không làm mọi cách để khiến bà Clinton rơi vào vòng lao lý.
“Tôi không nghĩ rằng chính quyền Trump muốn nhận bất kỳ lời buộc tội nào về việc đàn áp đối thủ chính trị của mình”, Chery nói với Sputnik. “Đây có lẽ là lý do tại sao, trong phiên điều trần gần đây, cựu Thượng nghị sĩ và hiện tại là Tổng Chưởng lý Jeff Sessions cho biết ông sẽ rút ra khỏi bất kỳ cuộc điều tra nào liên quan đến bà Hillary Clinton”.
Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa rằng bà Hillary Clinton đang được bao che. “Ở Mỹ, quốc hội sẽ là mũi nhọn điều tra”, Dady nói.
Jason Chaffetz, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ đã hứa rằng cuộc điều tra sẽ tiếp tục. Trong đó có những khuất tất về các quỹ dùng để tái thiết Haiti trong cuộc động đất năm 2010 mà nhà Clinton có liên quan.
Khả năng quay lại chính trường của bà Clinton
Theo Ortel, một số nhà tài trợ nước ngoài hào phóng đã quay lưng lại với Quỹ Clinton bằng cách cắt giảm đóng góp của mình cho từ thiện sau khi bà Hillary Clinton thất bại trong cuộc đua tổng thống năm 2016.
Đã có những tin đồn trước đó về việc này nói rằng, một số chính phủ hoặc chính khách nước ngoài ủng dưới danh nghĩa ủng hộ cho Quỹ Clinton để tìm cách thu về những lợi ích một khi bà lên làm tổng thống Mỹ.
Trong một báo cáo trên tờ News.com.au, Rohan Smith hôm 28/1 nói rằng Australia đã “ngừng rót hàng triệu đô la” vào Quỹ Clinton. Đồng thời nhấn mạnh rằng trong thập kỷ qua Quỹ Clinton đã nhận được hơn 88 triệu USD trong các khoản đóng góp từ Canberra.
Trong khi về phần mình, Na Uy cũng vừa giảm đóng góp vào Quỹ Clinton tới gần 87%.
Trích dẫn từ tờ báo Na Uy Hegnar, tạp chí Zero Hedge chỉ ra rằng sau khi đóng góp khoảng 15 triệu USD và 21 triệu USD lần lượt các năm 2014 và 2015, chính phủ Na Uy đột nhiên quyết định cắt giảm đóng góp của họ vào cuối năm 2016.
Gia đình Clinton có tiếng nói và sự hậu thuẫn rất lớn từ các chính phủ nước ngoài. |
“Đó khó là một sự trùng hợp”, tờ báo nhấn mạnh: “Chính phủ đã đẩy mạnh sự đóng góp của mình sau khi bà Hillary Clinton quyết định tranh cử tổng thống vào năm 2016. Tuy nhiên, sau khi Donald Trump chiến thắng, Oslo đã thu hẹp lại nguồn đóng góp”.
Nói với tờ Maupin, Lew Rockwell, một tác giả tự do chủ nghĩa và là nhà báo người Mỹ nhấn mạnh, sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng các nhà tài trợ nước ngoài của Quỹ Clinton đi theo mục đích nhân đạo.
Rockwell chỉ ra rằng chính phủ Australia cũng như Na Uy đang tìm cách củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế với sự hỗ trợ của gia đình Clinton. Tuy nhiên không phải các chính phủ mất hứng thú với Quỹ Clinton mà do những cáo buộc khuất tất về nguồn tài chính mà gia đình Clinton đã quyết định đóng cửa Clinton Global Initiative, một phần quan trọng nhất của Quỹ Clinton.
Điều này khiến cây bút Michael Sainato của tờ New York Observer đặt ra câu hỏi rằng: “Vì sao quỹ không tiếp tục hoạt động nếu như không làm gì sai trái?”.
Nhà Clinton vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ bởi giới chính khách và giới thượng lưu kể từ khi họ rời Nhà Trắng từ năm 2001. Nhiều người trong số này đang nắm giữ những vị trí quan trọng hoặc trở thành triệu phú. Với lợi thế này, khả năng bà Clinton quay lại chính trường là dễ xảy ra.
Trong nỗ lực rõ ràng được điểm mặt nhắc tên trong chính trường Mỹ, bà Hillary Clinton đã công khai ủng hộ phong trào biểu tình phản đối chính sách của Tổng thống Trump. “Tôi ở đây tối nay để cùng những người biểu tình trên cả nước bảo vệ các giá trị của con người và Hiến pháp Mỹ”, bà Clinton viết trên trang cá nhân hôm 29/1 về quan điểm của mình đối với sắc lệnh di trú của ông Trump.
Tuy nhiên giới quan sát tin rằng không có nhiều cơ hội cho bà Clinton giành được chiến thắng trong trận chiến chính trị mới mà được đồn đoán là cuộc đua đến chức thị trưởng thành phố New York.
“Thật khó để tin rằng dảng Dân chủ, hay bất cứ ai sẽ đặt cược vào bà ấy một lần nữa cho một vị thế chính trị mới. Clinton đã có tất cả mọi thứ hỗ trợ nhưng bà vẫn thua cuộc. Bên cạnh đó, Clinton có thể sớm rơi vào một loạt các rắc rối pháp lý”, Dady nêu quan điểm.
Nhà phân tích Ortel cũng rất hoài nghi về cơ hội của bà Hillary Clinton: “Tôi không phải là một chuyên gia về chính trị, nhưng tôi không tìm thấy lý do nào để tiếp tục với người đã 2 lần thua trong cuộc đua tổng thống”.
Đọc thêm>>> Donald Trump – ‘Nhà vô địch của hàng triệu người bị lãng quên’
Quốc Vinh
2017-02-15 03:48:18
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/ba-clinton-de-vuong-vong-lao-ly-neu-quay-tro-lai-chinh-truong-a315464.html