ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Phân tích bài diễn văn nhậm chức được cho là bất thường của TT Trump
Saturday, January 21, 2017 5:09
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump dù không hoa mỹ nhưng là lời tuyên chiến gãy gọn gửi tới nhóm tinh hoa chính trị truyền thống ở Washington và người tiền nhiệm Obama.

Bài diễn văn bất thường

Khi mưa bắt đầu rơi trên Điện Capitol hôm 20/1, tỷ phú Donald Trump đã chính thức tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 45 của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong một bài phát biểu mà theo đội ngũ cố vấn của cho biết ông đã “gần như viết tất cả nội dung”, Donald Trump nói rằng ông sẽ thay đổi triệt để cách làm việc của chính phủ Mỹ đối với các quốc gia khác và cách đối xử với chính công dân của mình. Ông hứa sẽ chấm dứt “cuộc tàn sát nước Mỹ” đã làm suy yếu đất nước và bần cùng hóa người dân.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên thệ.

Theo New York Times, dù không sâu sắc nhưng bài diễn văn là một lời công kích đến giới tinh hoa chính trị mà ông cho rằng đang thâu tóm hết mọi lợi ích của người dân vào trong tay.

“Một bài phát biểu rất đúng chất của ông Trump, là lời tuyên chiến chống lại nhóm tinh hoa chính trị truyền thống ở Washington và Tổng thống Obama”, Craig Shirley, tác giả của cuốn sách về Ronald Reagan và là cố vấn chính trị của đảng Cộng hòa cho biết. “Đó không phải là lời kêu gọi đoàn kết thông thường mà thể hiện đúng chủ nghĩa Trump, bài phát biểu của một doanh nhân – đi từ vấn đề đến giải pháp, rất thực dụng”.

“Nó giống như một bài phát biểu vận động tranh cử”, Elvin Lim, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore đánh giá. “Đây là một bước ngoặt lớn trong truyền thống nhậm chức: trong khi nhiều người nhấn mạnh tính kế thừa, ông Trump lại nhấn mạnh rằng ông sẽ phá vỡ mọi thứ đi trước”.

Theo Washington Post, chưa có một tổng thống Mỹ nào sử dụng những từ như “tàn sát”, “cạn kiệt”, “hư hại” và “buồn” để mô tả đất nước của mình trong một diễn văn nhậm chức. Ngoài ra bài phát biểu của ông Trump là ngắn bất thường – chỉ bằng khoảng 3/4 so với 9 đời tổng thống trước đó – nhưng nó mang đến một thông điệp rõ ràng: Ông sẽ đưa nước Mỹ chuyển hướng.

Ông Trump tiết lộ rằng ông đã lấy cảm hứng từ các diễn văn nhậm chức của John F. Kennedy và Ronald Reagan để viết lên bài diễn văn của mình. Nhưng thực tế nó lại có rất ít sự thi vị đặc trưng của hai vị tổng thống nói trên mà chủ yếu mang đúng phong cách của nhà tỷ phú.

Nhưng ngôn ngữ mà ông Trump lựa chọn cũng cho thấy ông không muốn thể hiện sự hùng biện hay một tham vọng mơ hồ. “Đây là một bài phát biểu đầy thách thức”, Lim nói. “Diễn văn nhậm chức thường là thời gian để nói về chiến dịch đã kết thúc, nhưng Trump đang chứng minh với những người ủng hộ mình rằng ông vẫn là người mà họ thấy trong chiến dịch”.

Tổng thống Trump công kích giới tinh hoa truyền thống

Ông Trump bắt đầu bài phát biểu bằng tuyên bố ông sẽ tước đi quyền lực từ Washington và “trả lại nó cho người dân”.

“Cùng nhau, chúng ta sẽ xác định đường đi cho nước Mỹ và thế giới trong rất rất nhiều năm tới. Chúng ta đang chuyển giao quyền lực từ Washington DC và đưa nó lại cho quý vị. Đây là khoảnh khắc của các bạn. Nó thuộc về các bạn”, ông Trump tuyên bố.

Với nhiều người, bản diễn văn nhậm chức của Tổng thống Donald Trump mông lung và khó định hình nội dung cụ thể mà ông muốn truyền tải.

Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đều đến từ tầng lớp trung lưu đông đúc nhất nước Mỹ.

Nhưng với những ai theo dõi những phát ngôn trước đó của nhà tỷ phú, bản diễn văn lần này là một sự khẳng định ông sẽ nhất quán với định hướng đã vạch ra từ trước đó.

Trump kêu gọi sự đoàn kết của dân chúng, đồng thời đưa ra ánh sáng căn bệnh cố hữu của nền chính trị Mỹ mà nhiều người tưởng rằng chưa bao giờ có chỗ cho tham nhũng hay lạm dụng quyền lực.

“Thắng lợi của họ không phải là thắng lợi của các bạn; vinh quang của họ không của các bạn; và khi họ ăn mừng ở thủ đô, chẳng có mấy điều đáng ăn mừng cho các gia đình nghèo khắp nước”.

Tổng thống Trump khẳng định, đã từ lâu một nhóm tinh hoa tại thủ đô đã hưởng lợi rất nhiều từ các chính sách ưu đãi, trong khi người dân phải mang những gánh nặng vô hình – “Washington phát triển nhưng nhân dân không được chia sẻ của cải. Các chính khách giàu to nhưng việc làm ra đi, nhà máy đóng cửa”.

Trong các phát ngôn trước đây, ông Trump không ít lần cáo buộc chính phủ Mỹ chịu nhiều sức ép từ giới tinh hoa buộc phải chấp nhận những hiệp định thương mại đặt lợi ích của người trong cuộc và giới thượng lưu Washington lên trên tầng lớp lao động.

Kết quả là những gia đình trung lưu, tầng lớp “cổ cồn xanh” phải chịu cảnh mất việc làm, nhà máy đóng cửa, tất cả chuyển sang cho các nước thứ ba để các tập đoàn lớn thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Nước Mỹ trong nhiều năm đã rơi vào giai đoạn trì trệ, thâm hụt ngân sách lớn và nền sản xuất bị đình đốn.

Trong một cuộc khảo sát trước khi bầu cử diễn ra, 43% số cử tri Mỹ cho rằng thỏa thuận thương mại tự do với quốc gia khác mà đặc biệt là với Trung Quốc đã mang đến những ảnh hưởng tiêu cực cho đất nước.

Trái với những viễn cảnh tốt đẹp mà các chuyên gia thường nói về toàn cầu hóa và tự do thương mại, có gần 67% cử tri Mỹ nói rằng chính điều này đã gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân mà trực tiếp nhất chính là tầng lớp trung lưu đông đúc nhất nước Mỹ.

Trên thực tế các tập đoàn lớn, các công ty xuyên quốc gia và giới thượng lưu chính là những bên được hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách thương mại tự do. Còn tầng lớp trung lưu được nhiều người ví như “kẻ ở giữa nhưng lại bần cùng hơn cả người nghèo”.

Số người nghèo nhận trợ cấp thất nghiệp và được hưởng an sinh xã hội về chăm sóc sức khỏe y tế miễn phí đã lên tới con số 20 triệu. Chính phủ phải tăng thuế để lấy nguồn thu bảo đảm cho nguồn trợ cấp và chính những tầng lớp trung lưu phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngay sau buổi tuyên thệ nhậm chức ông Trump ký quyết định “giảm thiểu gánh nặng của chương trình Obama Care”.

Trong khi mọi lợi ích được giới thượng lưu thụ hưởng, những người lao động trung lưu khốn khó còn phải chịu mức thuế ngày một cao đến từ các chính sách mang tính cào bằng xã hội mà Obama Care là một ví dụ. Không phải ngẫu nhiên khi tỷ lệ lớn cử tri chính ủng hộ cho Tổng thống Donald Trump đến từ tầng lớp này.

“Suốt nhiều thập niên, chúng ta đã làm giàu cho công nghiệp nước ngoài, làm hại cho Mỹ.
Các đội quân được bao cấp của các nước, làm quân đội ta suy yếu. Chúng ta bảo vệ bờ cõi nước khác nhưng từ chối bảo vệ mình.

Bỏ hàng ngàn tỉ đôla ở nước ngoài, còn hạ tầng của Mỹ rơi vào suy thoái. Chúng ta giúp các nước giàu có, còn của cải, sức mạnh, tự tin của quốc gia biến mất.

Nhà máy này tới nhà máy khác đang biến khỏi đất nước chúng ta, không hề nghĩ cho hàng triệu người lao động Mỹ.

Sự giàu có của giới trung lưu đang bị tước đoạt từ gia đình họ và chia sẻ trên khắp thế giới”, Donald Trump nói trong bài diễn văn.

Từ Ronald Reagan đến Barack Obama, những người đã đến Nhà Trắng và hầu hết đều nhận ra hiện trạng của nền chính trị Mỹ. Nhưng họ đều phải lựa chọn đi theo số đông bằng việc tung ra các đòn bẩy phục vụ cho chương trình nghị sự của giới tinh hoa.

Hiển nhiên chưa có một nhà lãnh đạo nước Mỹ nào rất sẵn sàng đứng lên chống lại trật tự hiện có. Điều này bao gồm rất nhiều các thành viên của đảng Cộng hòa của ông Trump hiện tại.

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Donald Trump là người gây nhiều bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa như vậy. Không được nhiều thành viên trong đảng ủng hộ, ông phải lần lượt đánh bại các đối thủ để rồi bước đến cuộc đua cuối cùng với Hillary Clinton.

Trong bài phát biểu của mình, ông không nhắc đến sự lãnh đạo của đảng Cộng hòa trong Quốc hội, không nói rằng sẽ làm việc với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan hay Thượng nghị sĩ Mitch McConnell để thúc đẩy một chương trình nghị sự.

Trên thực tế quan điểm của Donald Trump về thương mại, chính sách đối ngoại và vai trò của chính phủ có mâu thuẫn với ngay cả nhóm chính thống của đảng Cộng hòa, điều mà giới quan sát chính trị lo ngại cả hai bên sẽ không nhường nhau trong thời gian tới.

Đã có khoảng 60 thành viên đảng Dân chủ tuyên bố tẩy chay hoàn toàn lễ nhậm chức của ông Trump và khẳng định sẽ bảo vệ bằng mọi cách chương trình Obama Care mà vị tổng thống mới nói rằng sẽ bãi bỏ.

Nói về bài diễn văn nhậm chức trên New York Times, chuyên gia Michael Beschloss đánh giá “có rất ít điều trong bài phát biểu của ông Trump khiến đối thủ cảm thấy thoải mái” và “nó giống với một tuyên ngôn chiến dịch nhiều hơn là diễn văn nhậm chức”.

Điều này xuất phát từ việc bản thân Donald Trump vốn không có kinh nghiệm về chính trị trước đó. Ông cũng được biết đến là một nhà đàm phán giỏi hơn là việc hùng biện.

Theo New York Times, bản diễn văn đưa ra một kết cấu mở mà nhiều người sẽ còn phải đoán xem Donald Trump sẽ làm gì tiếp theo khi bộ máy của ông vào guồng.

Quốc Vinh

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.