Theo các chuyên gia kiểm soát vũ khí, cựu chuyên gia đàm phán và các nhà phân tích cho rằng, ông Trump có thể sẽ có nhiều cách để ngăn chặn mối nguy từ tên lửa của Triều Tiên.
Trong tuyên bố dịp năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng Triều Tiên sắp phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới Mỹ, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 3/1 viết trên Twitter rằng khả năng này “sẽ không xảy ra”.
Bình luận về vấn đề này, các chuyên gia kiểm soát vũ khí, cựu chuyên gia đàm phán và các nhà phân tích cho rằng, ông Trump có thể sẽ có nhiều cách để ngăn chặn mối nguy từ tên lửa của Triều Tiên.
Hợp tác với Trung Quốc
Ông Trump có thể tìm cách hợp tác với Trung Quốc thay vì gây căng thẳng với nước này nhằm kiềm chế Triều Tiên, theo ông Chris Hill, trưởng đoàn đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên dưới thời Tổng thống George W. Bush.
“Nếu có một giải pháp, thì giải pháp đó sẽ là hợp tác với Trung Quốc. Tổng thống đắc cử cần phải rất thận trọng khi khơi ra những cuộc khẩu chiến với Trung Quốc về vấn đề thương mại hay chính sách “Một Trung Quốc” bởi ông ấy sẽ cần đến rất nhiều thứ để giải quyết vấn đề Triều Tiên”, ông Hill cho biết.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Theo các chuyên gia, nếu sự hợp tác Mỹ – Trung diễn ra tốt đẹp, Bắc Kinh có thể gây sức ép bằng cách đe dọa giảm bớt hoặc cắt đứt nguồn viện trợ lương thực, năng lượng cho Bình Nhưỡng, buộc Kim Jong-un phải từ bỏ chương trình hạt nhân và các vụ thử tên lửa của mình.
“Tôi sẽ đặt quan hệ hợp tác với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên lên trên nỗ lực thay đổi hiện trạng quan hệ với Đài Loan hay quan hệ thương mại Mỹ – Trung”, ông Hill nhận định.
Tăng cường phòng thủ khu vực
Ông Trump cũng có thể cùng Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia đồng minh quan trọng của Mỹ tại Đông Á, tăng cường các hoạt động răn đe Triều Tiên, ông Richard Bush, chuyên gia cấp cao tại viện Brookings ở Washington cho hay.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chính quyền mới sẽ tiếp tục “di sản” mà chính quyền Obama đã để lại như mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc hay tăng tần suất các cuộc tập trận với Nhật Bản.
Các hoạt động quân sự này sẽ khiến Triều Tiên phải cảnh giác và dành nhiều nguồn lực để đối phó với các cuộc tập trận của Mỹ với đồng minh, từ đó Triều Tiên sẽ ít quan tâm tới chương trình hạt nhân của mình bởi lẽ họ khó có thể phân biệt được đâu là một cuộc tập trận bình thường, đâu là hành động chuẩn bị tấn công qua biên giới.
Ngoài ra, không quân Mỹ cũng có thể điều thêm máy bay ném bom chiến lược B-52 bay qua bầu trời Triều Tiên và tham gia vào nhiều hoạt động hơn để “tác động tới suy nghĩ của người Triều Tiên”, ông Richard Bush cho biết.
Đàm phán
Cuộc đàm phán 6 bên cuối cùng về chương trình hạt nhân Triều Tiên, trong đó có Mỹ, được tổ chức từ năm 2008 và hiện vẫn đang bế tắc khi chính quyền Obama hiện nay yêu cầu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa như một điều kiện tiên quyết để tái khởi động đàm phán.
Nhưng Triều Tiên tuyên bố vũ khí hạt nhân không phải là thứ để đàm phán. Ông Trump, một tỉ phú nổi tiếng với tài đàm phán và thương thuyết, tác giả của cuốn Nghệ thuật của thương thuyết từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ ngồi nói chuyện trực tiếp với Kim Jong-un “bên chiếc hamburger” để chấm dứt tham vọng hạt nhân Triều Tiên.
“Trump tự ca ngợi mình như bậc thầy về thương thuyết. Ông ấy sẽ tìm cách đàm phán trước và khi làm như vậy, Trump cần làm cho Triều Tiên hiểu rõ về các hậu quả quân sự của việc vi phạm thỏa thuận”, ông Yang Moo hin, giáo sư Đại học Triều Tiên ở Seoul cho biết.
Triều Tiên từng tham gia đàm phán với các đời Tổng thống Mỹ như ông Clinton, ông Bush và ông Obama về vấn đề trên. Tuy vậy, chuyên gia Acton cho rằng cách làm này không có nhiều khả năng sẽ thành công, bởi lẽ Triều Tiên đã nhiều lần “thất hứa” với các chính quyền trước.
Tuy nhiên, ông James Acton cũng cho rằng “đây là một lựa chọn không tệ”. Chính quyền ông Trump có thể nghĩ đến khả năng viện trợ kinh tế cho Triều Tiên và nới lỏng các lệnh trừng phạt nếu Bình Nhưỡng đồng ý dừng chương trình thử nghiệm, phát triển vũ khí hạt nhân, ông James Acton, giám đốc Chương trình chính sách hạt nhân tại quỹ Carnegie vì hòa bình thế giới cho biết.
Xem thêm >> Bê bối HQ: Những đặc quyền của ‘công chúa kỵ mã’ Chung Yoo-ra
Đào Vũ
2017-01-05 16:08:11