Lần đầu tiên sau 9 năm, vị trí quán quân bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã đổi chủ đồng thời có sự góp mặt của nhiều nhân vật mới nổi kể từ khi các tân binh hàng khủng
Những tân tỷ phú bắt đầu lộ diện
Trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán 2016, xuất hiện tới 4 gương mặt mới – hầu hết là chủ tịch HĐQT các doanh nghiệp mới lên sàn được vài tháng trước thời điểm chốt sổ năm tài chính. Trong đó, người được đặc biệt chú ý với bước “đại nhảy vọt” là ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC ghi danh vào top 10 đồng thời nắm giữ vị trí đầu bảng xếp hạng năm nay nhờ sự kiện cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros niêm yết trên HoSE hồi đầu tháng 9 vừa qua.
Chưa năm nào mà cuộc đua giành ngôi vị quán quân giàu nhất sàn chứng khoán diễn ra căng thẳng và có chiến thắng sát nút như năm 2016.
Chỉ cách đây vài ngày (ngày 26/12), với việc rót thêm hơn 1.000 tỷ đồng để tậu thêm 10 triệu cổ phiếu ROS, ông Trịnh Văn Quyết đã một lần nữa xác lập ngôi đầu bảng xếp hạng sau lần soán ngôi ngắn ngủi trước đó. Hiện tại tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết đã lên đến 289,5 triệu cổ phiếu ROS và 114 triệu cổ phiếu FLC. Tính theo giá chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm tại ngày 30/12 của cổ phiếu ROS là 114.700 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu FLC là 5.200 đồng/cổ phiếu thì ông Trịnh Văn Quyết đã sở hữu khối tài sản tính theo giá thị trường là hơn 33.800 tỷ đồng.
Giá trị lượng cổ phiếu mà ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ vượt hơn 2.400 tỷ so với giá trị tài sản của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng khi ông Vượng hiện chỉ nắm giữ 724 triệu cổ phiếu VIC tương đương giá trị 30.410 tỷ đồng – sự biến động chủ yếu nhờ vào sự tăng giá của cổ phiếu VIC trong năm qua. Ông chủ VinGroup là tỷ phú đô-la đầu tiên tại Việt Nam được Forbes công nhận. Theo Forbes, chốt phiên giao dịch cuối năm, tài sản ròng của ông hiện là 2,2 tỷ USD, xếp thứ 916, cao hơn công bố hồi tháng 3 là 95 bậc.
Năm 2016 được đánh giá là năm tăng trưởng mạnh mẽ của VinGroup nhờ các siêu dự án bất động sản từ nhà ở cao cấp tới bất động sản thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt gần như chiếm lĩnh phân khúc cao cấp với số lượng căn hộ khổng lồ.
Góp mặt trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm nay có hàng loạt cái tên mới nổi như ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS) kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH), ông Trần Lê Quân – thành viên HĐQT của CTCP đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) hay gần đây nhất là đại gia râu kẽm Bùi Thành Nhơn – chủ tịch HĐQT Novaland. Điểm đặc biệt là sự xáo trộn vị trí trong bảng xếp hạng chỉ xảy ra chủ yếu trong quý 4/2016, thậm chí ông Bùi Thành Nhơn vừa vượt mặt các đối thủ còn lại leo lên vị trí số 4 chỉ cách đây ít ngày, khi cổ phiếu NVL của Tập đoàn địa ốc Novaland chính thức niêm yết trên HoSE.
Sự xuất hiện của các tỷ phú mới đồng nghĩa những gương mặt kỳ cựu trước đây đã tạm rời khỏi danh sách sau nhiều năm giữ vững top 10 như “bầu” Đức – chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, bà Nguyễn Hoàng Yến – thành viên HĐQT của Tập đoàn Masan và ông Trương Gia Bình – chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.
Những bóng hồng bí ấn
Theo số liệu thống kê, có tới 4 nữ tỷ phú vẫn trụ lại được trong top 10 bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt hiện nay với khối tài sản khiến không ít người phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên cho đến nay, thông tin về các nữ yếu nhân này vẫn là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận khi họ rất ít khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, có chăng chỉ là cái tên trong báo cáo quản trị của doanh nghiệp nghìn tỷ mà họ góp mặt.
Sở hữu khối tài sản lớn thứ 5 và thứ 7 trên sàn chứng khoán là hai chị em gái bà Phạm Thu Hương – vợ ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thuý Hằng với tổng số cổ phiếu VIC đang nắm giữ tính theo giá thị trường lần lượt là gần 5.250 tỷ và 3.500 tỷ đồng.
Một người phụ nữ bí ẩn khác là bà Vũ Thị Hiền, vợ chủ tịch thép Hòa Phát Trần Đình Long khi sở hữu 53 triệu cổ phiếu HPG – tương đương giá trị 2.630 tỷ đồng. Trong top 10 được ghi danh, bà Hiền là người duy nhất không tham gia vào đội ngũ lãnh đạo công ty.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – người sáng lập và lèo lái Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) gần 20 năm qua đã không ngừng gia tăng tài sản nhờ sự tăng trưởng ổn định của cổ phiếu VHC. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2016, giá cổ phiếu VHC tăng lên 57.800 đồng/CP, đẩy tài sản của bà tăng gần 50% so với danh sách năm ngoái, lên hơn 2.600 tỷ đồng – đứng vị trí thứ 9 trong top 10. Hiện bà Trương Thị Lê Khanh chỉ còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT để hoạch định chiến lược và chuyển quyền điều hành và chức danh Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn cho người khác.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn |
Những cái tên trên đã góp phần định vị lại gần như hoàn toàn bảng xếp hạng năm nay. Tính chung, tổng tài sản tính theo giá thị trường mà chỉ 10 nhân vật đình đám trên năm giữ đã lên tới con số hơn 99.000 tỷ đồng (con số làm tròn), tăng hơn hai lần so với mức 48.993 tỷ đồng của năm 2015.
Các đại gia bất động sản chiếm phần lớn nhờ những gương mặt trụ cột đình đám cùng sự tham gia sân chơi của những tân binh nghìn tỷ như Faros, Novaland… Các ông chủ ngân hàng vẫn khá im hơi lặng tiếng trong danh sách top 10 năm nay.
Thị trường chứng khoán luôn biến động, thậm chí luôn luôn ghi nhận sự xáo trộn lớn – điều này có thể thấy rõ trong nửa cuối năm 2016. Con số tổng tài sản thống kê có thể thay đổi tuỳ theo giá thị trường của các cổ phiếu mà họ đang nắm giữ và vị trí trong bảng xếp hạng vẫn còn phải dè chừng các đại gia khác như bà chủ hãng hàng không Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo (sẽ niêm yết vào tháng 2/2017) hay chủ tịch SunGroup Lê Viết Lam đang gia tăng tài sản nhanh chóng và cách top 10 không xa.
Hoa Liên
2017-01-01 22:08:58
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/dinh-danh-10-ty-phu-giau-nhat-san-chung-khoan-viet-nam-a311406.html