Sự thể hiện trong 100 ngày đầu tiên sau nhậm chức được các chuyên gia coi là thước đo thành công đối với mỗi tổng thống Mỹ khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình.
Mỗi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra đều là cuộc chiến đấu khó khăn giữa các ứng viên, nhưng sau khi chiến thắng được định đoạt, nhiệm vụ quan trọng nhất với mỗi tổng thống mới đắc cử đó là thành lập nên một chính phủ hoạt động đáp ứng được lòng dân.
Cũng giống như các tổng thống trước đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ bắt tay vào việc hiện thực hóa kế hoạch 100 ngày của mình trong ngày lễ nhậm chức tới đây.
100 ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống sẽ là phép thử dành cho ông Donald Trump. |
Khái niệm “kế hoạch 100 ngày đầu tiên” được cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt đưa ra khi ông nhậm chức vào năm 1933.
Cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước Mỹ gặp phải trong giai đoạn này đã thúc đẩy nội các của Roosevelt cần phải thiết lập chương trình nghị sự mới để ứng phó một cách gấp rút.
Sau này nó được các sử gia coi như một thước đo thành công đối với mỗi tổng thống khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình.
Mốc 100 ngày thường được coi là khoảng thời gian khi phong cách lãnh đạo, quyền lực và tầm ảnh hưởng của tổng thống mới nhậm chức được thể hiện rõ nét nhất.
Trong bảng xếp hạng đánh giá tín nhiệm 100 ngày sau nhậm chức, cựu Tổng thống John F. Kennedy là người thể hiện một cách xuất sắc nhất khi dẫn đầu với 74%, tiếp sau là Dwight D. Eisenhower 71% và Jimmy Carter 69%.
Tổng thống đương nhiệm Obama đạt mức khá với 63%, tiếp theo là Nixon 62%. Xếp hạng thấp nhất cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ với 55%.
100 ngày đầu tiên của chính quyền tổng thống Donald Trump là một nhiệm vụ phức tạp khi ưu tiên hàng đầu của ông là chọn những nhân tố phù hợp từ đội ngũ của mình để lập ra chính phủ liên bang.
Một tổng thống mới lên nắm quyền cũng sẽ đi kèm với nội các gồm 4.000 người được bổ nhiệm, 1.100 người trong số đó phải được thông qua bởi Thượng viện Mỹ. Sau một tháng nhậm chức, tổng thống thường phải trình bày khoảng vài ngàn trang tài liệu về kế hoạch chi tiết trong việc sủ dụng ngân sách liên bang trước Quốc hội.
Ông Trump từng phác họa một phần kế hoạch 100 ngày của mình thông qua một video trên Youtube hồi tháng 11 năm ngoái. Trong đó bao gồm các giới hạn về một số quy định mới, và một lệnh cấm 5 năm đối với các quan chức liên bang không được phép làm công việc vận động hành lang sau khi rời khỏi chính phủ.
Bên cạnh các quy định hạn chế nhiệm kỳ đối với thành viên Quốc hội, ông Trump cũng huỷ các khoản đóng góp cho chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc để chuyển đổi sang mục đích cải tạo cơ sở hạ tầng của Mỹ.
Chương trình “loại bỏ hơn hai triệu tội phạm và người nhập cư bất hợp pháp” và từ chối du lịch miễn thị thực với các nước không nhận lại công dân nước mình bị Mỹ trục xuất cũng sẽ được khởi động.
Ngoài ra Tổng thống đắc cử cho biết ông muốn đưa các nhà máy sản xuất đa quốc gia của Mỹ về nước để mang việc làm quay trở lại cho người dân Mỹ.
“Chương trình nghị sự của tôi sẽ được dựa trên nguyên tắc cốt lõi đơn giản: nước Mỹ là trước tiên”, ông Trump nói. “Cho dù là sản xuất thép, chế tạo xe hay chữa bệnh, tôi muốn các thế hệ sản xuất tiếp theo phải làm mọi thứ ngay trên quê hương của chúng ta”.
Với việc gây ra nhiều tranh cãi sau chiến thắng bất ngờ của mình, giáo sư John A. Tures từ Đại học LaGrange (Mỹ) cho rằng Tổng thống đắc cử Trump nên học theo cách làm của cựu Tổng thống Roosevelt và một số tổng thống khác để có những bước đi phù hợp.
Trong đó ông Trump nên làm nổi bật và ưu tiên các kế hoạch xây dựng lại cơ sở hạ tầng mà có thể nhận được sự đồng tình từ cả hai đảng. Động thái này được cho là sẽ trấn an một số chính khách vốn đang tỏ ra hoài nghi với nhà lãnh đạo mới.
Thứ hai, ông Trump cần giữ sự kết nối cởi mở hơn với công chúng. Những tuyên bố và quyết định gây tranh cãi của ông nên tạm gác lại để tìm hướng đi chung hợp lý hơn với đa số người dân.
Thứ ba, Tổng thống đắc cử sẽ phải cảnh giác với những bài học sai lầm từ Roosevelt về việc chia rẽ quyền lực nội bộ. Có khả năng số lượng đảng viên Cộng hòa không thích cách điều hành đất nước của ông Trump sẽ còn nhiều hơn cả số lượng thành viên đảng Dân chủ.
Về cơ bản phong cách doanh nhân luôn khó dung hòa với cung cách làm việc của các thể chế chính trị. Do vậy ông Trump sẽ phải thể hiện một sự tôn trọng nhất định với các chính khách nếu như muốn tăng cơ hội tái tranh cử.
100 ngày đầu tiên sẽ là cơ hội để Tổng thống đắc cử Donald Trump thể hiện kế hoạch và tầm nhìn của mình sẽ đi xa đến đâu trong bối cảnh phải đối mặt với đầy rẫy những chỉ trích và nghi ngờ.
Cựu Tổng thống John Kennedy từng nói trong diễn văn nhậm chức của vào năm 1961 rằng, “Tất cả những điều này có thể sẽ không được hoàn thành trong vòng 100 hay 1.000 ngày đầu tiên, có thể là hết nhiệm kỳ của của tôi, thậm chí là cho đến hết cả cuộc đời của mỗi chúng ta trên hành tinh này. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu nó ngay từ bây giờ”.
Quốc Vinh
2017-01-11 06:16:15
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/cua-ai-100-ngay-dau-lam-tong-thong-cua-donald-trump-a312306.html