Văn hóa thần truyền Lý Công Tuấn vì hối lộ cho viên quan âm phủ mà có được công danh. Nhưng kết cục thì thật không được như ý. Câu chuyện cũng là lời nhắc nhở ý nghĩa cho con người ngày nay.
Lý Công Tuấn là quan thứ sử Nhạc Châu triều Đường, từ sớm đã lên kinh ứng thí mà liên tiếp mấy năm liền thi không trúng. Năm Trinh Nguyên thứ 2, ông có quen biết một người bạn giữ chức quốc tử tế tửu trong triều (trông coi việc thi cử, dạy học trong triều đình), muốn thông qua người này mà nhờ cậy để có chút công danh.
Lý Công Tuấn gặp quan lại của âm phủ
Chiếu theo thông lệ, kết quả khoa thi được công bố và dán thông báo trước một ngày, vị quan họ Xuân phụ trách khoa cử năm đó phải phải mang danh sách trúng cử này tấu lên hoàng đế. Vào canh năm của ngày hôm đó, Lý Công Tuấn chuẩn bị đi thăm hỏi vị quan quốc tử tế tửu kia, nhưng mà cửa thành vẫn chưa mở, đành phải đứng đợi ở bên ngoài.
Từ sáng sớm bên cạnh đó có một cái quán nhỏ bán bánh, trông rất ngon và vẫn còn nóng hổi. Ngồi bên cạnh quán là một người đầu đội mũ nỉ, sau lưng có đeo một cái túi nhỏ, xem ra rất giống một người đưa thư từ nơi khác đến, vẻ mặt rất muốn ăn bánh. Lý Công Tuấn trông thấy vậy thì nói với vị này rằng, bánh rất rẻ, vì sao không mua một cái để nếm thử? Người kia nói: “Đáng tiếc là trong túi tôi không có tiền”. Lý Công Tuấn nói: “Tôi có tiền, sẵn lòng trả tiền giúp anh!”. Người khách lạ rất vui mừng, bèn ăn mấy cái bánh.
Một lát sau thì cửa thành mở, mọi người lũ lượt đi vào. Vị khách có vẻ ngoài giống người đưa thư kia cúi xuống nói thầm vào tai Lý Công Tuấn: “Tiên sinh chờ tôi một chút, tôi là người chuyển danh sách sĩ tử thi trúng cho quan âm phủ, tiên sinh có muốn thi đỗ không?”. Lý Công Tuấn kinh ngạc nói: “Vậy ư?”. Người kia đáp: “Danh sách trúng cử ở đây, tiên sinh có thể tự mình kiểm tra đi!”.
Lý Công Tuấn vội vàng kiểm tra, kết quả là không có tên mình, nên nhất thời buồn bã, cúi đầu nức nở khóc: “Ta đã khổ tâm cho việc đèn sách hai mươi năm, đi thi đến nay cũng đã mười năm, hàng năm thi rớt có thể nói là lòng đau như cắt. Vốn kỳ vọng năm nay có thể thành công, vậy mà… Chẳng lẽ cả đời không thể thành danh hay sao?”.
Cùng minh lại giao hẹn hối lộ đổi công danh
Vị khách tự nhận mình là minh lại chuyển thư cho âm phủ nói: “Tiên sinh nếu muốn thành danh cần phải chờ một năm nữa, sau khi thi đỗ thành danh thì bổng lộc mới nhiều lên. Còn hôm nay muốn trúng cử cũng không khó lắm. Chẳng qua là phúc lộc giảm đi một nửa, chỉ được làm chức quan thứ sử của một quận, hơn nữa vận mệnh bất thường. Nếu muốn hôm nay có tên trong danh sách trúng cử, thì cần đút lót cho quan âm phủ, xóa tên người cùng họ với anh, sau đó điền tên của anh vào, được chứ?”.
Lý Công Tuấn nói: “Ta vốn theo đuổi chính là danh, được có tên trong bảng danh sách tiến sĩ, sao có thể không được đây!”.
Người kia nói: “Tôi vì biết ơn mà nói cho anh điều này, nhưng còn cần 3 vạn quan tiền âm phủ, dùng để hối lộ vị quan chủ quản văn thư ở âm giới, đến trưa nay mang tới sẽ tốt hơn”. Sau đó đưa bản danh sách cho Lý Công Tuấn để sửa tên của anh ta vào.
Trong bản danh sách này có một vị họ Lý tên Giản, Công Tuấn muốn xóa cái tên đó đi và điền tên của mình vào. Vị minh lại vội nói: “Không được. Người này bổng lộc và địa vị rất cao, không thể dễ dàng mà đổi được”. Dưới cái tên này lại có một vị họ Lý tên Ôn. Minh lại nói: “Người này thì được”. Công Tuấn lại xóa chữ “Ôn” và điền chữ “Công Tuấn” vào. Sửa xong thì vị minh lại cũng cuốn bản danh sách lại, hơn nữa dặn dò Lý Công Tuấn đừng quên lời giao hẹn.
sau đó, Lý Công Tuấn liền đi gặp quan quốc tử tế tửu, lúc này vị ấy còn chưa kịp rửa mặt chải đầu xong, nghe nói có Lý Công Tuấn tới chơi, thì cũng thấy bất ngờ. Một lúc sau đi ra nói: “Tôi cùng với vị quan chủ khảo có quan hệ rất thân. Tiên sinh vẻ mặt hốt hoảng buồn bã như vậy, mới sáng sớm đã đến nhà thăm, chẳng lẽ là hoài nghi tôi nói mà không giữ lời sao?”. Công Tuấn lại cảm ơn, vẻ mặt vẫn buồn bã. Sau đó nói: “Công Tuấn tôi tâm sức dành cho chuyện công danh quá lớn, cho nên khoa cử lần này muốn được một lần thành công. Hôm nay là ngày thông báo trúng cử, cho nên mạo muội tới thăm”.
Công Tuấn theo vị quan tế tửu đi về phía Đông bắc của hoàng thành thì vừa hay gặp một người mang danh sách trúng cử đi ra ra giao cho vị quan họ Xuân. Vị quan tế tửu thở dài mà nói: “Chuyện lúc trước giao cho ngài đã lo liệu xong chưa?”. Vị quan họ Xuân trả lời: “Thật là đáng trách! Chuyện này là bên trên quyết định, việc ngài giao phó khó có thể thành được!”.
Mua công danh, cuối cùng vận mệnh trắc trở khó lường
Vị quan tế tửu này cùng Công Tuấn có mối kết giao thân tình, nên nhất định sẽ hết sức giúp đỡ. Ông nghĩ thầm nếu việc hôm nay không thành thì còn mặt mũi nào mà nhìn Công Tuấn nữa. Vì thế rất tức giận với vị quan họ Xuân, nói: “Quý Bố vang danh thiên hạ là vì Quý Bố nhất dạ thành kim. Hôm nay ngài không thể nói mà không có tín, lừa gạt cả ta. Nếu vậy thì mối giao tình của 2 chúng ta cũng theo đó mà đoạn tuyệt đi!”. Nói xong không chào mà đi thẳng.
Vị quan họ Xuân vội vàng đuổi theo, nói: “Việc cấp bách như thế này, thật lòng không muốn dây vào. Nhưng hôm nay bị tiên sinh khiển trách như vậy, chỉ có thể đặc tội với bề trên”. Sau đó ông ta đưa bảng danh sách tiến sĩ, bảo quan tế tửu sửa đi. Vị quan tế tửu vửa giở ra, nhìn thấy có tên Lý Di Giản (sau làm chức thái tử thiếu sư), định sửa đi. Nhưng vị quan họ Xuân vội vàng ngăn cản, nói: “Người này là do Tể tướng sắp xếp, không thể để rớt được”. Sau đó chỉ vào người ở phía dưới tên là Lý Ôn, nói người này có thể sửa được. Vì thế quan tế tửu đem “Ôn” sửa thành “Công Tuấn”. Đến khi dán thông báo quả nhiên Lý Công Tuấn đã trúng cử.
Đến giữa trưa ngày hôm đó, Công Tuấn cùng với những người có tên trong danh sách trúng cử lục lục kéo nhau đến bái kiến hoàng thượng, bởi vậy mà quên mất lời giao hẹn 3 vạn quan tiền với vị minh lại sáng sớm. Đến chập tối trên đường về nhà, gặp lại vị minh lại này, vị ấy khóc lóc mà nói: “Bởi vì anh không thực hiện lời hứa, cho nên ta bị tra hỏi và khiển trách, hơn nữa tội vẫn chưa được miễn. Xin anh ngày mai đưa tôi 5 vạn quan tiền, thì may ra tôi mới miễn được trọng tội”. Lý Công Tuấn ngày hôm sau đành phải theo giao ước mà làm.
Lý Công Tuấn sau khi thi đỗ tiến sĩ, trên con đường công danh không mấy thuận lợi, không ngừng bị vu vạ và giáng chức, cuối cùng chỉ giữ chức thứ sử ở Nhạc Châu, không lâu sau thì qua đời.
(Theo “Huyền quái lục”)
Theo secretchina
2016-12-23 19:52:37
Nguồn: https://tientri.net/van-hoa-than-truyen/hoi-lo-am-phu-mua-cong-danh-thi-ket-qua-se-ra-sao/