Gói thầu “Biển cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” có giá trị 31 tỷ đồng của Tổng Cty điện lực miền Bắc (NPC) đang đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng cũng như sự lãng phí tiền của Nhà nước…
Doanh nghiệp địa phương trúng thầu… công ty trung ương
Với lý do “để đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo mỹ quan và sử dụng được bền lâu, tiết kiệm chi phí”, Tổng giám đốc NPC Thiều Kim Quỳnh đã mạnh tay dự chi tới hơn 52 tỷ đồng để mua sắm thay thế hàng trăm nghìn biển báo an toàn vẫn còn sử dụng được.
Biển cảnh báo sơn trực tiếp chỉ khoảng 3.000 đồng (trái) và biển mới với giá hơn 180.000 đồng |
Cụ thể, ngày 22/04/2015, Tổng giám đốc NPC Thiều Kim Quỳnh ký văn bản số 1478 thực hiện kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động năm 2015. Căn cứ vào đó, bắt đầu từ giữa tháng 11/2015, NPC cấp tập có các động thái mời thầu, ký kết hợp đồng khung, ban hành hàng loạt văn bản yêu cầu đơn vị trực thuộc thay thế toàn bộ các loại biển báo đang sử dụng bình thường trên hệ thống lưới điện – hạng mục mua sắm, sửa chữa thường xuyên và định kỳ của NPC với giá thành hợp lý.
Ngày 17/11/2015, NPC có quyết định số 4281 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thiết bị biển báo an toàn đối với 5 gói thầu dành cho các loại biển báo khác nhau, tổng giá trị mời thầu lên tới hơn 52 tỷ đồng, riêng gói số 1 “Biển cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” có giá trị lớn nhất là 31 tỷ đồng.
NPC ghi rõ nguồn vốn thực hiện gói thầu là chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện trong kế hoạch giá bán điện nội bộ năm 2015 Tổng công ty giao cho các đơn vị.
Ngày 13/04/2016, NPC đã “chọn mặt gửi vàng” gói thầu số 1 trị giá 31 tỷ đồng cho đơn vị trúng thầu là Công ty CP Tập đoàn Hoàng Mai – một đơn vị tư nhân tại Nam Định có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa, rơm rạ và vật liệu tết bện. Ngay sau đó 1 ngày, việc ký kết thoả thuận khung được tiến hành với số lượng biển là hơn 155.000 biển báo, đơn giá 181.600 đồng/chiếc (chưa bao gồm VAT).
Có mới nới cũ!
Ký xong hợp đồng với nhà thầu, NPC có văn bản “giục” các đơn vị thành viên phải ký hợp đồng với nhà cung cấp theo kế hoạch đã giao lần lượt vào ngày 11/05, ngày 22/06 và ngày 18/07/2018.
Đáng chú ý, ngày 23/08, Tổng giám đốc NPC Thiều Kim Quỳnh đích thân ký văn bản số 3434 yêu cầu lần nữa các đơn vị thành viên phải ký hợp đồng kinh tế với nhà cung cấp và báo cáo về công ty mẹ. “Đơn vị nào không thực hiện đúng khối lượng được phân bổ, nhà cung cấp khiếu kiện gây ảnh hưởng đến uy tín của tổng công ty thì giám đốc đơn vị đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc”, “Tổng công ty sẽ xem xét việc tuân thủ của các đơn vị trong chỉ tiêu chấm điểm thi đua và điểm chấm người quản lý trong tối ưu hóa chi phí cuối năm”, văn bản nêu rõ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay nhiều công ty điện lực trực thuộc NPC không chấp hành “lệnh” của ông Quỳnh. Bởi, các biển báo cũ mà các doanh nghiệp này đang sử dụng vẫn đảm bảo chất lượng, nếu “tháo” hết đi để sử dụng biển báo của Công ty Hoàng Mai là vô cùng lãng phí. Đơn cử tại tỉnh Thái Nguyên, các biển báo cảnh báo nguy hiểm vẫn được “nhà đèn” ở địa phương này sơn trực tiếp, hoặc các biển báo lắp đặt trước thời điểm ông Quỳnh có chỉ đạo vẫn đang được sử dụng.
Theo quy định của Bộ Công thương, Theo thông tư số 31 của Bộ Công thương, các loại biển báo này có thể được sơn trực tiếp hoặc lắp đặt biển báo chế tạo rời. Trước thời Tổng giám đốc Thiều Kim Quỳnh, NPC thường sử dụng biện pháp sơn trực tiếp lên các vị trí cột điện với chi phí chỉ 3.000 đồng/biển – rẻ gấp 60 lần so với mức giá mà Tập đoàn Hoàng Mai trúng thầu. Với cách này, NPC hoàn toàn có thể giảm được vài chục tỷ đồng chi phí giá thành bán điện.
Đầu năm 2015, EVN NPC cũng đã công nhận sáng kiến cấp Tổng công ty cho đơn vị PC Lào Cai về phương pháp “in mà trên bạt trắng kết hợp keo sữa Latex để làm biển báo nguy hiểm, biển số cột, tên lộ các đường dây”. Nhưng sáng kiến đầy tâm huyết này cũng không được ‘sếp” NPC xem xét mà vẫn quyết định chi 31 tỷ đồng để thay thế hoàn toàn các biển báo mới.
Biển báo: Làm bằng thép hay tôn?
Giải thích tại sao một chiếc biển đơn giản như vậy lại có giá hơn 180.000 đồng, trả lời báo chí, ông Trần Xuân Mai, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Mai – đơn vị trúng thầu biển báo với NPC nói rằng đây là loại biển báo “làm bằng thép, sơn lót nhiều lần, có gắn cả phản quang. Một thợ mỗi ngày cũng chỉ làm được 4 – 5 cái biển báo rất kỳ công!”.
Nhiều xưởng cơ khí trên địa bàn Hà Nội khẳng định, mẫu “Biển cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” do Tập đoàn Hoàng Mai sản xuất được làm bằng tôn dán decal và rắc kim tuyến phủ bóng |
Phóng viên đã mang mẫu “Biển cấm trèo! Điện áp cao nguy hiểm chết người” do Tập đoàn Hoàng Mai sản xuất đến các công ty cơ khí và nhận được nhiều thông tin bất ngờ. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực này cho biết, nếu biển báo làm bằng thép thì khi phun sơn chữ sẽ không sắc nét. Cũng theo người này, biển báo của Tập đoàn Hoàng Mai sản xuất có kích thước 240mmx360mm, vật liệu là tôn sơn chữ màu đen, cắt âm bản decal phản quang dán, màu đỏ cắt decal dán rắc kim tuyến phủ bóng”. Theo báo giá của của Công ty sản xuất và thương mại MAXB Thăng Long, họ có thể sản xuất loại biển báo giống như của Tập đoàn Hoàng Mai với mức giá 80.000đồng/sản phẩm, nếu làm số lượng lớn thì chi phí có thể rẻ hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, NPC cần hoạch toán ở mức thấp nhất có thể. Nếu bôi biển báo mới ra để tính vào giá thành điện là không đúng. Về nguyên tắc việc đó là không đúng vì anh phải tiết giảm nhất các chi phí. Ông Phong cũng cho rằng việc chọn lựa phương án tốn kém hơn nhưng hiệu quả không thay đổi, đó chưa phải là một tính toán khôn ngoan.
Đông Phương
2016-12-16 01:16:14