Văn hóa thần truyền
Vào một buổi tối mùa đông cách đây hơn 30 năm, tại thủ đô Washington của nước Mỹ, một quý bà không may đánh rơi chiếc cặp tài liệu trong bệnh viện. Chồng của quý bà là một thương nhân giàu có. Ông đã vội vã quay lại bệnh viện giữa đêm hôm để tìm kiếm, bởi vì trong chiếc cặp không chỉ là rất nhiều tiền mà còn có cả một tập tài liệu mang thông tin mật của thị trường tài chính.
Vị thương nhân đang đảo mắt tìm kiếm thì thấy một đứa trẻ rách rưới đứng ở hành lang bệnh viện. Cô bé đứng dựa vào tường, người vẫn còn co rúm trong bộ quần áo mỏng manh. Và trên tay cô bé chính là chiếc cặp mà vợ ông đánh mất.
Cô bé tên là Xi Yada, đang cùng mẹ điều trị ở phòng cấp cứu trong bệnh viện. Tính mệnh mẹ cô bé vô cùng nguy cấp, tất cả tài sản trong nhà đều đã bán sạch, vậy mà ngay cả tiền viện phí một đêm ở bệnh viện họ cũng không đủ để thanh toán. Không có tiền, ngày mai mẹ Xi Yada sẽ phải rời khỏi nơi đây. Xi Yada bất lực đi lại trong hành lang bệnh viện, cầu nguyện Chúa sẽ bảo hộ cho mẹ mình. Lúc ấy có một người phụ nữ sang trọng từ trên lầu bước xuống, bà đã đánh rơi chiếc cặp da màu đen ngay trước mặt Xi Yada. Có lẽ trong tay vẫn còn nhiều đồ vật khác nên bà không biết chiếc cặp bị đánh rơi. Lúc này trên hành lang chỉ có mình Xi Yada, cô bé chạy lại nhặt chiếc cặp và vội vàng đuổi theo người phụ nữ, nhưng khi Xi Yada ra đến cửa thì người phụ nữ đã bước lên chiếc xe hơi rồi đi mất.
Xi Yada mang theo chiếc cặp trở lại phòng. Khi vừa mở ra, cả hai mẹ con cô bé đều giật mình sửng sốt khi nhìn thấy bên trong là một khoản tiền rất lớn. Trong giây phút đó, họ hiểu rằng số tiền này đủ để trả toàn bộ viện phí, cứu được mẹ con họ qua cơn nguy kịch. Nhưng mẹ Xi Yada đã không làm vậy mà yêu cầu con gái mình đem chiếc cặp ra hành lang đứng đợi người đánh mất quay lại. Bà nói: “Người đánh mất tiền có lẽ rất lo lắng sốt ruột, việc cần làm nhất trong đời người chính là giúp đỡ người khác, biết nghĩ cho người khác. Việc không nên làm nhất chính là tham lam tiền bạc bất nghĩa.”
Tuy nhận được sự giúp đỡ tận tình của vị thương nhân, nhưng sau cùng mẹ của Xi Yada cũng ra đi, để lại một mình cô bé bơ vơ trên cõi đời này. Hai mẹ con Xi Yada không chỉ trả lại vị thương nhân toàn bộ số tiền, mà quan trong hơn tất cả, đó là bộ tài liệu mật đã quyết định sự thành công của ông trên thị trường tài chính. Chính điều ấy đã giúp vị thương nhân sau này trở thành một đại gia giàu có.
Sau khi mẹ Xi Yada qua đời, vị thương nhân đã nhận Xi Yada về nuôi, tạo điều kiện cho cô ăn học và trưởng thành. Sau này khi đã hoàn thành chương trình đại học, Xi Yada lại giúp đỡ ông xử lý công việc. Tuy ông không cho Xi Yada bất cứ chức vụ cụ thể nào, nhưng trong thời gian dài thực tập và trợ giúp cho ông, cô đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá. Xi Yada cũng trở thành nhân tài trên thương trường, giúp đỡ vị thương nhân trong các thương vụ làm ăn và định hướng phát triển cho đến những năm cuối đời.
Khi vị thương nhân trải cơn nguy kịch, ông đã để lại một bản di chúc viết rằng:
“Trước khi gặp hai mẹ con Xi Yada, tôi đã là một người rất nhiều tiền. Nhưng đứng trước mặt hai mẹ con nghèo khổ, dù bệnh tật vẫn từ chối khoản tiền lớn để cứu chính mình, tôi mới phát hiện họ chính là những người giàu có nhất. Họ có một phẩm chất đạo đức cao thượng, đây cũng chính là điều mà một thương nhân như tôi không có được. Tiền bạc mà tôi kiếm, đa phần là do tranh đấu giành giật mà có. Họ đã khiến tôi cảm nhận được một chân lý: Tài nguyên quý giá nhất của đời người chính là phẩm hạnh.
Tôi nhân nuôi Xi Yada không phải là đền ơn đáp nghĩa, cũng không phải vì đồng cảm. Mà là vì tôi muốn mời một tấm gương làm người về. Có Xi Yada bên cạnh, cô bé giúp tôi nhắc nhở bản thân mình trên thương trường, những việc nào nên và không nên làm, đồng tiền nào nên và không nên kiếm. Đây chính là nguyên nhân tạo nên thành công của tôi những năm sau này, giúp tôi trở thành một tỷ phú. Sau khi tôi chết, toàn bộ tài sản của tôi đều để lại cho Xi Yada kế thừa, đây cũng không phải là một món quà, mà là vì tôi mong muốn sự nghiệp của tôi được phát triển huy hoàng hơn nữa.
Tôi cũng tin tưởng đứa con thông minh của tôi hiểu được dụng tâm khổ ý này.”
Sau khi từ nước ngoài trở về, người con trai của vị thương nhân lập tức ký ngay vào bản kế thừa tài sản cho Xi Yada mà không mảy may do dự: “Tôi đồng ý cho Xi Yada kế thừa toàn bộ di sản của cha tôi để lại, đồng thời mong muốn Xi Yada sẽ làm vị hôn thê của tôi.”
Xi Yada ngẩn người vì bất ngờ. Cô suy nghĩ một lúc rồi cũng ký tên: “Tôi chấp nhận kế thừa toàn bộ di sản của tiền bối để lại, bao gồm cả con trai ngài.”
Có một câu nói rằng: Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.
Những gì bạn làm cho người khác cũng chính là làm cho bản thân mình. Vì vậy, những gì bạn mong muốn có được thì cũng đừng ngần ngại trao đi. Nếu như bạn mong muốn những người bạn chân tình, vậy bạn hãy đối xử chân thành với mọi người. Nếu như bạn muốn vui vẻ, hãy chia sẻ niềm vui tới mọi người xung quanh.
Cuộc sống bớt đi một chút vị tư, dành nhiều thêm một chút quan tâm cho người khác, làm được như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy sức sống, niềm tin và hy vọng.
Theo Đại Kỷ Nguyên