Lợi dụng những lỗ hổng luật pháp, các công ty Nhật Bản đã bóc lột nhân viên làm thêm giờ và gây nên cái chết thương tâm của một lao động nữ (24 tuổi).
Tháng 4 năm ngoái, khi Matsuri Takahashi, nữ sinh viên xinh đẹp tốt nghiệp trường đại học hàng đầu tại Nhật Bản, đại học Tokyo, với bao hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp.
Điểm dừng đầu tiên cho hành trình mới này chính là việc “đầu quân” vào vào công ty quảng cáo danh tiếng Dentsu. Nhưng chỉ 9 tháng sau đó, Takahashi bất ngờ nhảy lầu tự tử. Không ai biết nguyên nhân chính xác đến từ đâu cho tới khi mẹ cô chính thức làm đơn kiện lên Tòa án dân sự Nhật Bản về nguyên nhân dẫn tới cái chết của con gái mình.
Các quan chức bộ Lao động Nhật Bản tới làm việc với công ty quảng cáo Dentsu |
Và tới trung tuần tháng 11, sau một loạt những điều tra của cơ quan chức năng, bộ Lao động Nhật Bản đã xác định, Takahashi chết do hội chứng “karoshi”, nghĩa là “chết do làm việc quá sức”. Cơ quan này sau đó cũng tiến hành kiểm tra công ty Dentsu, để xác định thực trạng vấn đề này.
Đối với nhiều người Nhật Bản, cái chết của Takahashi là hậu quả của điều 36 luật Lao động Nhật Bản. Theo đó luật này cho phép người sử dụng lao động trả thêm tiền hoặc giới hạn giờ làm thêm của người lao động. Nhiều công ty Nhật Bản đã lợi dụng kẽ hở đó để bóc lột nhân viên của mình.
Reuters đưa ra bình luận: “Những thiếu sót, kẽ hở từ luật Lao động của Nhật Bản có thể được khắc phục nếu Thủ tướng Shinzo Abe bắt tay vào một chiến dịch trên diện rộng để cải cách luật Lao động của Nhật Bản. Ví dụ như việc quy định làm thêm giờ khắt khe hơn đối với các công ty”.
Sau cái chết thương tâm của nữ sinh 24 tuổi, nhiều người lao động cũng đã mạnh dạn lên tiếng để đòi lại quyền lợi cho mình.
“Pháp luật đã không ngăn chặn các công ty yêu cầu nhân viên làm việc vượt quá giới hạn thời gian phù hợp. Song các công đoàn cũng phải có trách nhiệm vì họ chấp nhận những điều kiện này”, Emiko Teranishi, người đứng đầu các thành viên đối mặt với karoshi nói. Emiko còn cho biết thêm, để chứng tỏ sức mạnh của mình, các công ty thường ép, đe dọa các nhân viên mới để chứng minh giá trị của họ.
Hồi tháng 10, khảo sát trong cuốn sách Trắng đầu tiên của Nhật Bản về “karoshi” cho thấy 22,7% trong số 1743 công ty được khảo sát đã bắt nhân viên làm thêm hơn 80 giờ trong một tháng. “Trong vụ tự tử của Takahashi, cô đã bị bắt làm thêm 105 giờ trong tháng 10/2015 và rơi vào trầm cảm nghiêm trọng sau đó”, luật sư gia đình cung cấp thông tin.
Hiện theo thông tin mới nhất, công ty Dentsu có thể đối mặt với việc bị truy tố hình sự do cái chết của Takahashi. Giám đốc nhân sự của công ty cho hay: “Công ty sẽ giảm giới hạn giờ làm thêm hàng tháng từ 70 giờ xuống 65 giờ trong một tháng. Hãng đang phối hợp với nhà chức trách để giải quyết vụ việc”.
Bộ trưởng Lao động Yasuhisa Shiozaki khẳng định: “Sau cái chết của nữ lao động Nhật Bản vừa qua, chúng tôi sẽ tăng cường theo dõi việc thực hiện làm thêm giờ của các công ty và Bộ sẽ quyết định hình phạt đối với Dentsu dựa trên kết quả của cuộc điều tra. Một luật mới áp đặt các giới hạn pháp lý đối với giờ làm thêm cũng có thể được ban hành”.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã sửa đổi Luật Lao động để yêu cầu các công ty cần thay đổi giờ làm việc ít đi, song các nhà phê bình nói rằng, cải cách này dựa quá nhiều vào việc các công ty tự quy định. “Nhiều công ty hy vọng nhân viên trẻ làm việc nhiều giờ để học các kỹ năng mới. Các công ty đã cắt giảm chi phí lao động từ những năm 1990, làm tăng gánh nặng công việc lên mỗi cá nhân”, Yasuko Oshima, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Mizuho chuyên về chính sách lao động bình luận.
Trường hợp tự tử của Takahashi không phải là lần đầu tiên tại công ty Dentsu. Năm 2000, công ty này đã bị tòa án tối cao tuyên phạt và phải chịu trách nhiệm đối với vụ tự tử của một nam nhân viên vì thời gian làm việc quá mức đã đẩy nam nhân viên vào tình trạng trầm cảm.
Phương Anh
2016-11-16 20:56:28
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nu-nhan-vien-nhat-tu-van-vi-bi-lam-them-gio-qua-suc-a306598.html