Nguồn: Entreptreneur.com
Dịch giả: ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan
Nhiều người trong chúng ta ngộ nhận rằng làm việc chăm chỉ đồng nghĩa với hiệu quả công việc cao. Chỉ một vài người nhận ra rằng hiệu quả công việc cao đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo hơn và nghĩ ra những cách thức thông minh hơn để hoàn thành công việc. Nhưng rất ít người nhận ra một chân lý: Rằng để thành công thực sự, chúng ta không chỉ phải làm việc một cách chăm chỉ và thông minh hơn, mà chúng ta còn phải dũng cảm hơn.
Nhiều công trình nghiên cứu và các cuộc khảo sát gần đây cho thấy rằng nhân tố quyết định thành công thời hiện đại không còn là sự chăm chỉ, cũng chẳng còn là sự thông minh như những quan điểm truyền thống, mà đó chính là Lòng Can Đảm. Cả sự thông minh lẫn chăm chỉ đều xếp sau tinh thần can đảm và dũng cảm trên con đường mình đã chọn.
Tất cả chúng ta đều có 24 giờ trong một ngày như nhau, và ngày nay, tất cả chúng ta đều có điều kiện tiếp xúc với những công cụ nâng cao hiệu quả công việc như nhau. Do vậy, nhân tố quyết định thiểu số những người thành công và làm việc hiệu quả thực sự trong số chúng ta chính là Lòng Can Đảm.
.
Sự chăm chỉ chưa bao giờ là phẩm chất “vô địch thiên hạ” như chúng ta thường tưởng!
Phần lớn chúng ta tưởng rằng làm việc chăm chỉ hơn đồng nghĩa với hiệu quả công việc cao hơn bởi nó là phẩm chất dễ nhìn thấy và dễ đánh giá nhất. Chúng ta cho rằng chỉ cần dành nhiều thời gian hơn cho công việc, hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn – điều này không sai, ở một mức độ nào đó. Tuy vậy, lối tư duy này sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập về lâu dài.
Đầu tiên, khoa học đã chứng minh chúng ta làm việc năng suất nhất chỉ trong vòng từ hai đến bốn giờ mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu được thực hiện trên những cá nhân xuất chúng thuộc các lĩnh vực kinh doanh và sáng tạo đã chỉ ra rằng chúng ta đạt phong độ cao nhất vào những thời điểm cố định trong ngày. Trong vòng hai đến bốn tiếng đó, năng suất mà chúng ta đạt được có thể tương đương 10 đến 20 giờ làm việc trong tuần ở nhịp độ bình thường. Ngoài khoảng thời gian này ra, chúng ta luôn làm việc dưới sức. Những lúc này, chúng ta vẫn có thể hoàn thành được những công việc mang tính chất bàn giấy, nhưng khó lòng làm được những phần việc đòi hỏi sự tư duy sáng tạo cao.
Kế đến, việc chúng ta liên tục làm việc trong nhiều giờ hơn bình thường có thể dẫn đến tình trạng “năng suất tiêu cực.” Một tác giả viết sách nọ chia sẻ rằng anh ta từng phạm phải sai lầm này trong cuốn sách đầu tay của mình. Với suy nghĩ viết nhiều hơn sẽ hiệu quả hơn, anh ta cố gắng ngày hôm sau phải viết ra được nhiều dòng hơn ngày hôm trước. Nhưng cứ sau một mốc thời gian nhất định (thường là sau hai tiếng làm việc), những từ ngữ anh ta viết ra không còn chất lượng nữa, và chúng gây ảnh hưởng đến giá trị của toàn bộ tác phẩm.
Làm nhiều giờ hơn không hề đồng nghĩa với hiệu quả công việc cao hơn. Như trong trường hợp của người tác giả viết sách kia, bạn ráng sức làm việc thêm một tiếng ngày hôm nay nghĩa là ngày mai, bạn sẽ phải mất thêm một tiếng vô ích chỉ để xóa hết những con chữ kém chất lượng mình đã bày ra trong khoảng thời gian làm việc dưới sức và làm lại.
Một công trình nghiên cứu của Đại học Stanford và nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh trải nghiệm của tác giả viết sách đó là thật, và tôi tin là nhiều người trong chúng ta – kể cả tôi – đã nhiều lần rơi vào tình trạng “năng suất tiêu cực” đó. Chúng ta làm việc dưới sức và tạo ra “Năng suất tiêu cực” từ 30 đến 60 giờ mỗi tuần. Con số chính xác thay đổi tùy từng người, bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau liên quan đến cơ địa và lối sống như chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và thói quen vận động thể chất,…
Việc đọc sách và lĩnh hội các bí quyết và mẹo mục sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn!
Để thành công, chúng ta không chỉ phải chăm chỉ, mà còn phải làm việc một cách thông minh. Có hai cách giúp bạn làm được điều này.
Thứ nhất, chúng ta có thể học hỏi những bí quyết và phương pháp làm việc của những bậc tiền bối, những đàn anh đàn chị trong lĩnh vực của mình. Nhân loại mất đến hàng trăm năm để thai nghén, cho ra đời và phát triển lĩnh vực marketing. Ngày nay, chúng ta chỉ cần dành một tháng để đọc và lĩnh hội những cuốn sách marketing quan trọng nhất thời hiện đại là đã có thể sở hữu được những tri thức mà các bậc tiền bối đã mất đến hàng trăm năm để có được.
Đọc sách chỉ là khởi đầu của việc học hỏi và rèn luyện bản thân. Sách cung cấp cho chúng ta những kiến thức rõ ràng, cụ thể và đã được hệ thống hóa – những thông tin và dữ liệu có thể được diễn đạt một cách dễ hiểu bằng ngôn ngữ thông dụng. Tuy nhiên, sách không thể chia sẻ cho bạn những “tri thức ngầm” (tacit knowledge) – những kiến thức và kinh nghiệm không thể được diễn đạt bằng lời nói hay ngôn ngữ, mà chúng ta chỉ có thể lĩnh hội được chúng thông qua quá trình hành động và thực hành những gì mình đã đọc.
Ví dụ: Bạn hoàn toàn có thể một chuyên gia về lý thuyết quảng cáo và marketing chỉ bằng cách đọc và thông thạo hết những cuốn sách quan trọng viết về chúng. Tuy vậy, bạn trở thành một nhà quảng cáo hoặc copywriter chuyên nghiệp với thu nhập cao khi và chỉ khi bạn trải qua quá trình khổ luyện và thực hành những kiến thức mình đã đọc thông qua những bài viết, những đơn hàng, dự án hoặc chiến dịch quảng cáo thực sự. Quá trình luyện tập viết thực sự sẽ cho bạn những tri thức và kinh nghiệm hiệu quả và tối ưu cho riêng bạn mà không một cuốn sách hay tài liệu nào có thể chia sẻ được cho bạn. Chỉ những nhà quảng cáo và copywriter lĩnh hội được cả kiến thức lý thuyết trong sách vở và “tri thức ngầm” thu được từ quá trình luyện tập và hành nghề thực sự mới có thể trở nên xuất chúng và gặt hái thành công lớn trong sự nghiệp!
Thứ hai, chúng ta có thể làm việc thông minh hơn bằng cách sưu tập và ứng dụng những chiến lược, chiến thuật, bí quyết, bí kíp và mẹo mục trong lĩnh vực của mình. Thống kê cho thấy 104% những kiến thức chúng ta đọc được từ những quyển sách về nâng cao hiệu quả làm việc đều liên quan đến những điều này. Các bí quyết, bí kíp và mẹo mục là những thủ thuật gia tăng hiệu quả mà bạn có thể học, thực hành và gặt hái kết quả một cách nhanh chóng mà không mất nhiều thời gian và công sức. Tất cả chúng ta đều yêu thích chúng!
Sử dụng thủ thuật hay chiêu trò không có gì sai, bởi chúng quả thực có tác dụng nâng cao hiệu quả công việc. Tuy vậy, hãy nhớ rằng chúng chỉ là một phần rất nhỏ của tất cả những gì bạn cần để thành công. Chiêu trò và thủ thuật không bao giờ có thể thay thế nỗ lực lao động thực sự và nghiêm túc.
Đến đây, câu hỏi đặt ra là: Vừa chăm chỉ vừa thông minh trong mọi việc mình làm đã đủ để giúp chúng ta gặt hái thành công?
Bậc thầy về quản trị Peter Drucker từng nói rằng,
“Muốn có năng suất, hãy làm việc đúng cách.
Muốn có hiệu quả, hãy làm đúng việc.”
Tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu hàng trăm người vừa chăm chỉ vừa thông minh trong công việc của mình, nhưng những kết quả họ gặt hái được vẫn chưa tương xứng với khả năng và nỗ lực xuất sắc mà họ có.
Làm thế nào để “làm đúng việc” trước khi biết “làm việc đó đúng cách”?
Câu trả lời chính là…
.
Lòng Can Đảm – bí quyết của mọi bí quyết thành công
Can đảm và dũng cảm chính là phẩm chất của những người anh hùng, là nhân tố giúp phân biệt Người Thành Công với người bình thường.
Chỉ có Người Can Đảm mới dám hành động. Và cũng chỉ có Lòng Can Đảm mới giúp chúng ta làm đúng việc: tìm thấy công việc phù hợp nhất với bản thân và tỏa sáng với nó!
Nhiều người trong chúng ta không đủ can đảm hành động vì ước mơ của mình bởi họ nhầm lẫn giữa rủi ro thực và rủi ro “ảo” – những mối nguy do sự lo lắng thái quá của con người gây ra. Mỗi khi nhận thấy quyết định nào đó có quá nhiều rủi ro, chúng ta ngay lập tức phán rằng, “Điều này bất khả thi.” Điều này khiến chúng ta sợ hãi và co cụm. Thay vì tập trung nghiên cứu vấn đề và tìm ra giải pháp cho nó, chúng ta lảng tránh nó bằng cách phân tán sự quan tâm của bản thân đến nhiều thứ linh tinh khác.
Phản ứng này của chúng ta được di truyền từ tổ tiên loài người thời xa xưa, thời đại mà con người còn phải sinh tồn trong môi trường hoang dã, và việc đưa ra quyết định sai lầm có thể dẫn đến kết cuộc bi thảm. Khi bạn chẳng may bị thú dữ phát hiện và truy đuổi, quyết định đúng đắn sẽ giúp bạn sống sót, trong khi một chút sai lầm có thể khiến bạn mất mạng.
Tổ tiên của chúng ta đã làm những điều họ nên làm để sống sót và sinh tồn giữa môi trường tự nhiên khắc nghiệt: hoặc chọn đúng, hoặc phải chết! Tuy vậy, thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay không còn như thế nữa. Tin tôi đi, việc phạm sai lầm trên con đường hiện thực hóa ước mơ chính đáng của bản thân không khiến bạn mất mát nhiều như những gì bạn nghĩ (trừ phi bạn thuộc loại người sĩ diện với cái tôi cao ngất trời, dễ bị tổn thương vì những chuyện nhỏ nhặt. Và kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc đề cao cái tôi là kẻ thù của thành công.)
Nhiều người bao biện rằng họ không thể tập trung vào một việc duy nhất bởi lẽ trong đầu họ có quá nhiều ý tưởng và những mối quan tâm khác nhau. Kỳ thực, đây là một hiện tượng hết sức bình thường của bộ não con người – và vì nó bình thường, làm sao mà nó có thể kinh khủng đến mức khiến bạn mất tập trung với những việc quan trọng nhất của cuộc đời bạn cơ chứ? Tất cả chúng ta đều thích nhiều món ăn khác nhau, và mỗi khi ngồi vào bàn ăn nhà hàng, chúng ta luôn có thể chọn được vài món ưng ý bất kể thực đơn cầu kỳ phức tạp thế nào. Những người thành công nhất không chỉ làm được điều này trên bàn ăn, mà họ thực hành nó hiệu quả trong mọi việc của cuộc sống.
Một khi bạn phân tán mối quan tâm của mình cho quá nhiều việc khác nhau, bạn sẽ mất nhiều thời gian và công sức một cách vô ích mà chẳng làm được việc nào cho ra hồn. Nó tương tự như việc bạn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người – kết quả là bạn chẳng có một mối quan hệ nào thực sự thân thiết hay trung thành đủ để họ thật lòng giúp đỡ bạn đến nơi đến chốn, trong khi nguy cơ mất lòng tất cả thì luôn luôn hiện hữu.
Chúng ta cần chấp nhận sự thật rằng ôm đồm nhiều thứ cùng một lúc chính là chìa khóa dẫn đến… Thất Bại! Và việc chúng ta cứ mãi lảng tránh và trì hoãn để chờ đợi thứ mà chúng ta gọi là “thời điểm hoàn hảo nhất” sẽ khiến chúng ta đánh mất biết bao nhiêu cơ hội tốt để hành động, trong khi “thời điểm hoàn hảo nhất” đã được giới khoa học lẫn thực tế chứng minh là không-có-thật.
Hãy can đảm ra quyết định: Tập trung vào một công việc phù hợp nhất với sở thích và điều kiện của bản thân để gặt hái thành công dễ dàng hơn (Nếu bạn vẫn muốn ôm đồm nhiều việc một lúc, vừa muốn được thứ này vừa muốn cả thứ kia mà thái độ với thứ nào cũng nửa vời, hãy sẵn sàng tâm thế đón nhận thất bại!).
Để làm việc hiệu quả và gặt hái thành công sớm hơn, hãy ghi nhớ thứ tự sắp xếp các nguồn lực của chúng ta như sau: 1- Lòng Can Đảm, 2- Làm Việc Thông Minh và 3- Sự Chăm Chỉ.
.
~ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế (Master of International Business)
Giám đốc công ty phát hành sách Con Đường Tri Thức
Website: http://conduongtrithuc2015.wordpress.com
.
2016-11-01 11:13:08
Nguồn: https://phannguyenkhanhdan.wordpress.com/2016/11/02/cong-thuc-dich-thuc-cua-thanh-cong/