Cuộc chiến mới giữa Elliott Management Corp. và gia đình Samsung hoàn toàn có thể trở thành một bước ngoặt quan trọng gây ảnh hưởng trầm trọng tới mô hình chaebol truyền thống tại Hàn Quốc.
Theo các nguồn tin nội bộ, Paul Elliott Singer, Chủ tịch của Elliott Management Corp. hiện đang tiến hành vận động kêu gọi Samsung Electronics chia tách làm đôi để “hiện đại hóa” mô hình kinh doanh, cùng lúc cho phép gia đình Lee Kun-hee/Lee Jae-yong có thể tiếp tục nắm giữ quyền thống trị tại chaebol số 1 Hàn Quốc.
Thông qua 2 công ty con Blake Capital LLC và Potter Capital LLC, Elliott Management Corp. đã đưa ra đề xuất chia tách Samsung Electronics thành một công ty kinh doanh sản xuất và một công ty holding (nắm cổ phần), đưa cả 2 công ty này lên một sàn giao dịch tại Mỹ, trả cho cổ đông một khoản cổ tức lên tới 30.000 tỷ won (tức khoảng 27 tỷ USD), đồng thời đưa thêm 3 thành viên độc lập vào Hội đồng Quản trị của Samsung Electronics.
Theo Elliottt, kế hoạch này sẽ giúp làm minh bạch quá trình kinh doanh của Samsung Electronics, đơn giản hóa mô hình sở hữu và mang đến nhiều ưu đãi thuế hơn – tất cả đều nhằm gia tăng giá trị cổ phiếu của công ty. Ngay sau khi Elliott lên tiếng công bố về kế hoạch mới, cổ phiếu của Samsung Electronics đã tăng 4,5% và đạt mức cao kỷ lục vào ngày thứ năm tuần trước ở mức 1.520 USD.
Kẻ thù mới của mô hình chaebol
Lee Jae-yong, con trai duy nhất của Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. Hiện tại, ông Lee mới chỉ nắm 0,59% cổ phần tại Samsung Electronics. |
Vào năm ngoái, Elliott đã thua cuộc sát sao khi chống lại một cuộc sáp nhập trong nội bộ Samsung được thực hiện nhằm củng cố quyền kiểm soát của “thái tử” họ Lee, Lee Jae-yong. Tuy vậy, bản đề xuất mới của Elliott có thể sẽ thu hút được sự ủng hộ của ông Lee do nhà lãnh đạo tương lai này đang rất cần tạo dấu ấn lên tập đoàn của gia đình mình trong bối cảnh các tập đoàn thế phiệt Hàn Quốc buộc phải đi theo hướng thân thiện với cổ đông hơn trước đây. Thêm nữa, dù thua cuộc trong cuộc chiến lần trước nhưng Elliott cũng đã thay đổi được suy nghĩ của rất nhiều các nhà đầu tư nhỏ tại Hàn Quốc, đối tượng vốn không hề được các doanh nghiệp nước này tôn trọng .
Giáo sư kinh tế học Wei Jiang tại Đại học Kinh doanh Columbia, một người đã theo dõi các nhà đầu tư chủ động (tự xưng là hoạt động vì lợi ích cổ đông, thường gây xáo trộn trong mô hình/chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp) lâu năm khẳng định: “Sẽ mất một khoảng thời gian để các nhà đầu tư thực sự nhận ra rằng họ cũng là chủ doanh nghiệp và họ được quyền cất tiếng nói”. Đây vẫn còn là một tư tưởng khá mới mẻ với giới đầu tư nhỏ lẻ tại Hàn Quốc, và các quỹ đầu tư chuyên “tranh đấu” đến từ Mỹ sẽ “giúp thay đổi ấn tượng của các nhà đầu tư này để họ không còn coi mình là những người bị động trong cuộc chiến này”.
Các quỹ đầu tư chủ động như Elliott từ trước đến nay ít khi tạo được thay đổi đáng kể lên các công ty Châu Á. Tại Hàn Quốc, các chaebol đã luôn sử dụng mô hình sở hữu chéo rất phức tạp để chống lại các nguồn tác động bên ngoài. Kết quả là các nhà đầu tư nước ngoài hiếm khi có thể đánh bại các ông chủ Hàn Quốc trong các chiến dịch tranh giành quyền lực.
Chiến trường mới của Elliott và Samsung cũng là mảng kinh doanh trọng yếu nhất của tập đoàn số 1 Hàn Quốc. |
Song, theo tiết lộ của một nhà lãnh đạo giấu tên tại Samsung Electronics, các yêu cầu từ phía Elliott lần này lại khá tương đồng với các thay đổi đã được Chủ tịch tương lai của Samsung cân nhắc từ lâu. Trong tuyên bố chính thức, Samsung Electronics chỉ khẳng định “sẽ cẩn thận cân nhắc các đề xuất từ cổ đông” và “sẽ quyết tâm tạo ra giá trị lâu dài, vững bền cho tất cả các bên liên quan”. Tuyên bố này cũng cho biết: “Samsung tin tưởng vào những cuộc hội thoại mở mang tính xây dựng với các nhà đầu tư với mục đích gia tăng tối đa giá trị cho cổ đông”.
Lợi ích cổ đông, lòng yêu nước và tư tưởng phân biệt chủng tộc
Trong năm nay, cổ phiếu của Samsung đã tăng 34% và đạt mức cao nhất kể từ thời điểm lên sàn giao dịch vào tháng 6/1975. Xu hướng đáng mừng này diễn ra ngay cả khi mảng điện tử của tập đoàn số 1 Hàn Quốc vẫn đang khốn đốn vì các sự cố cháy nổ liên quan tới mẫu phablet đầu bảng Galaxy Note 7. Sau khi tiến hành đợt thu hồi được cho là có trị giá khoảng 1 tỷ USD, đợt hàng Note 7 thứ hai vẫn tiếp tục mang nguy cơ cháy nổ và có khả năng sẽ buộc Samsung phải từ bỏ thương hiệu Note trong tương lai.
Mô hình chaebol đang ngày càng gặp phải sức ép mạnh mẽ từ người dân Hàn Quốc do các lo ngại về tư tưởng “gia đình trị” cũng như sự kìm kẹp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các chính phủ và các nhà đầu tư bên ngoài đã liên tục thúc ép các chaebol phải giảm mức kiểm soát vốn và thực hiện các biện pháp điều hành minh bạch hơn trước đây. Theo giáo sư Jiang, Hàn Quốc sẽ là đích đến mới của các quỹ đầu tư chủ động, vốn đã ăn hết những trái ngọt tại Mỹ vào thời điểm này. Trong khi các bộ luật kinh doanh của Hàn Quốc khá giống với Mỹ nhưng nền văn hóa của hai nước tồn tại những khác biệt rõ ràng.
Khủng hoảng 1997 khiến cho nhiều người dân Hàn Quốc mang lòng căm ghét các tổ chức tài chính nước ngoài. |
Theo giáo sư Jiang: “Ở mức độ nguyên tắc, các nhà quản lý của chaebol hiểu rằng nhiệm vụ của họ là gia tăng tối đa giá trị cổ đông. Nhưng đó không phải là cách mà họ hoạt động hàng ngày”.
Trận đấu giữa Elliott và gia đình Lee vào năm ngoái cũng là trận đấu lớn nhất, tai tiếng nhất trong giới chaebol Hàn Quốc trong những năm gần đây. Trong chiến dịch kéo dài 6 tuần, Elliott Associates LP đã nỗ lực ngăn cản quá trình sáp nhập công ty xây dựng Samsung C&T vào Cheil Industries, công ty holding chủ chốt của Lee Jae-yong. Luận điểm của Elliott trong cuộc chiến này là cái giá được Cheil Industries đưa ra quá thấp và sẽ không mang lại nhiều giá trị cho cổ đông.
Về phía mình, Samsung thực hiện một chiến dịch công chúng rầm rộ nhằm thuyết phục các cổ đông rằng bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập Samsung C&T vào Cheil Industries là để thể hiện lòng yêu nước. Một số người phản đối Elliott thậm chí còn đưa ra nhiều luận điểm bài Do Thái nhắm vào Singer. Ít nhất 3 tờ báo lớn tại Seoul đã cho đăng tải các bài viết mô tả người Do thái là “tàn nhẫn, vô lương tâm”, buộc Samsung phải lên tiếng chính thức với người tiêu dùng toàn cầu rằng đây không phải là quan điểm của hãng điện tử Hàn Quốc. Về phía mình, Elliott kích động các cổ đông C&T bằng cách nhấn mạnh rằng họ đang bị ép giá và chịu thiệt. Trong một cuộc họp cổ đông lớn, một cổ đông thậm chí còn tấn công CEO của Samsung C&T.
Cuối cùng, Samsung chấp nhận một số yêu cầu của Elliott và đạt được thắng lợi chênh lệch chỉ 3%.
Dấu ấn của “thái tử” nhà Samsung
Pau Elliott Singer: Tôi nghĩ có một vài bên liên quan muốn coi vụ việc Samsung C&T là cuộc chiến giữa người Hàn Quốc và người nước ngoài. |
Elliott đang tấn công Samsung vào đúng thời điểm tập đoàn Hàn Quốc này vẫn chưa có một nhà lãnh đạo rõ ràng. Lee Kun-hee, vị Chủ tịch huyền thoại đã đưa Samsung lên vị thế của ngày hôm nay hiện vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục sau khi bị đột quỵ vào năm 2014. Theo đúng nguyên tắc của văn hóa Hàn Quốc, Lee Jae-yong hiện vẫn chưa chính thức kế nhiệm cha mình ở vị trí Chủ tịch. Tuy vậy, “thái tử” Lee được dự kiến sẽ chính thức tham gia vào hội đồng quản trị của Samsung trong tháng này để tích cực chuẩn bị cho ngày “lên ngôi” sắp tới gần khi sức khỏe của Lee Kun-hee đang chuyển biến ngày một xấu hơn.
Nếu Lee Jae-yong muốn tái cấu trúc Samsung Electronics để giản lược mô hình chaebol truyền thống và chính thức hợp pháp hóa quyền kiểm soát của gia đình họ Lee, vị Chủ tịch tương lai của Samsung sẽ chỉ có thể thành công nếu đạt được sự đồng thuận của các nhà đầu tư nước ngoài. Kế hoạch tái cấu trúc của Elliott sẽ đòi hỏi ít nhất 2/3 số phiếu bầu và hiện tại 60% cổ đông của Samsung Electronics không phải là người Hàn Quốc.
Theo một nguồn tin nội bộ giấu tên, phần đông trong số này muốn Samsung chi trả lợi tức cao hơn. Ngoài ra, con cháu nhà họ Lee sẽ phải chi trả các khoản thuế thừa kế hàng tỷ USD khi Chủ tịch Lee qua đời – một mô hình sở hữu mới tại Samsung có thể giúp giảm tránh một khoản lớn trong số này.
Hai cha con họ Lee: Lee Jae-yong và Lee Kun-hee. |
Cuộc chiến giữa Samsung và Elliott lần này có lẽ sẽ không diễn ra gay gắt như thương vụ C&T, bởi Elliott có vẻ đã lựa chọn ra được 2 lý do có thể được tất cả các bên đồng thuận: tăng giá cổ phiếu và giúp Samsung kinh doanh hiệu quả hơn. Thêm nữa, bằng cách chia cắt Samsung Electronics thành một công ty hoạt động và một công ty nắm cổ phần, Elliott sẽ đảm bảo cho gia đình họ Lee tiếp tục giữ quyền kiểm soát tại công ty điện tử đã được ông cha của họ sáng lập vào thế kỷ trước.
Hiện tại, Lee “con” đang nắm 0,59% cổ phần tại Samsung Electronics và 17,23% cổ phần tại Samsung C&T. Samsung C&T nắm cổ phần vào khoảng 4,1% tại Samsung Electronics. Nếu Samsung Electronics thực sự tách thành một công ty sở hữu và một công ty kinh doanh, lượng cổ phiếu do ông Lee kiểm soát được dự kiến là sẽ gia tăng. Đây sẽ là một lợi thế quan trọng để Elliott có thể thuyết phục người dân Hàn Quốc vốn vẫn còn ấn tượng rất xấu với các thế lực nước ngoài sau Đại Khủng hoảng Tài chính 1997. Trong cuộc chiến chống lại thương vụ C&T, Elliott đã thất bại khi bộc lộ mục đích rõ ràng là ngăn cản Lee Jae-yong siết chặt quyền sở hữu Samsung.
Dù thất bại nhưng Elliott đã tìm ra được một vũ khí mới: các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Hàn Quốc, những người đã luôn bị coi thường vì bị cho là kém ảnh hưởng và không quan trọng. Nếu không tính đến các tổ chức đầu tư thì cổ đông thiểu số tại Samsung C&T chiếm tới gần 1/4 cổ phần. Trong cuộc chiến này, người của Elliott đã mở mắt cho các cổ đông xứ Hàn về quyền lợi và vai trò của họ. Tiếng nói của những người này đã suýt nữa giúp Elliott lật ngược thế cờ, và chắc chắn trong tương lai Samsung sẽ không dại dột lặp lại sai lầm của quá khứ.
Theo Trí thức trẻ/GenK
2016-10-10 00:56:20
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nguy-co-khien-samsung-electronics-co-the-chia-cat-lam-doi-a302084.html