Mỹ vạch trần mục đích xây đảo nhân tạo phi pháp của TQ ở Biển Đông; Tòa án Philippines kêu gọi nối lại tuần tra với Mỹ ở Biển Đông… là tin tức tình hình Biển Đông ngày 12/10.
Mỹ vạch trần mục đích xây đảo nhân tạo phi pháp của TQ ở Biển Đông
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu nạo vét Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. (Ảnh: Reuters) |
Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia Mỹ (NGA) là cơ quan tình báo có nhiệm vụ thu thập, phân tích và chia sẻ tình báo địa-không gian, hỗ trợ, tư vấn Lầu Năm Góc trong chiến lược quân sự và ngoại giao mang tên “xoay trục sang châu Á”.
Ngày 11/10, tờ Atimes dẫn lời Giám đốc của NGA, ông Robert Cardillo, cho biết Bắc Kinh đang cố tìm cách che đậy những cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép tại Biển Đông.
Tòa án Philippines kêu gọi nối lại tuần tra với Mỹ ở Biển Đông
Binh sỹ Mỹ và Philippines tham gia cuộc tập trận chung PHIBLEX tại thị trấn Capas, tỉnh Tarlac, phía bắc Manila, Philippines ngày 10/10 vừa qua. (Ảnh: EPA) |
Theo Vietnam+, vài ngày sau khi Philippines chính thức tuyên bố ngừng các cuộc tập trận và tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông, ngày 11/10, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonia Carpio đã lên tiếng kêu gọi nối lại các hoạt động tuần tra chung để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở vùng biển đang có tranh chấp này.
Trang mạng Inquirer dẫn lời Thẩm phán cấp cao Carpio phát biểu tại lễ bế mạc cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines mang tên “PHIBLEX 33,” cho rằng Tổng thống Rodrigo Duterte cần thấy vai trò quan trọng của Mỹ ở Biển Đông và cần phải tiếp tục các hoạt động tuần tra chung giữa Philippines và Mỹ ở vùng biển này.
Ông Carpio là khách mời danh dự trong buổi lễ bế mạc cuộc tập trận PHIBLEX 33.
Cuộc tập trận này bắt đầu từ ngày 4/10 vừa qua được tiến hành tại một số khu vực trên đảo Luzon và tỉnh Palawan của Philippines, với sự tham gia của khoảng 2.000 binh sỹ Mỹ và Philippines. Cuộc tập trận đã kết thúc sớm hơn một ngày so với kế hoạch. Lý do được đưa ra là toàn bộ các nội dung tập trận chính đã hoàn thành.
Chuyên gia Mỹ: Nguy cơ tranh chấp nguồn lợi thủy sản tại Biển Đông
Theo Vietnam+, ngày 10/10, chuyên gia cấp cao của Viện Mỹ-châu Á James Borton và giáo sư Đại học Harvard Tạ Văn Tài đã có bài phân tích, đăng trên trang tin Geopolitical Monitor, về nguy cơ tranh chấp nguồn lợi thủy sản tại Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.
Theo bài viết, đã gần 3 tháng, kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại LaHaye đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” tại Biển Đông, Philippines đã có chiến thắng vang dội và Trung Quốc đã phải hứng chịu sự thất bại bẽ bàng về mặt pháp lý.
Rõ ràng, Trung Quốc không có chút cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lịch sử đối với “đường chín đoạn” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông. Thêm vào đó, Trung Quốc cần tôn trọng và không can thiệp vào quyền chủ quyền đối với nguồn thủy sản và tài nguyên biển trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước.
Hiện các nước ASEAN, trong đó có Philippines và Việt Nam, quan ngại rằng các yếu tố nguy hiểm nhất trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông không chỉ là các hoạt động xây đảo nhân tạo, các tuyên bố chủ quyền hoặc các mối đe dọa tới sự tự do hàng hải, mà là các hoạt động cạnh tranh khốc liệt đối với các nguồn lợi thủy sản vốn đang bị cạn kiệt nhanh chóng.
Trong bối cảnh có nhiều quan ngại về các tranh chấp nguồn lợi thủy sản xuyên quốc gia, các chuyên gia pháp lý cho rằng Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính là cơ sở để giải quyết vấn đề này, nhất là Điều 116 và 118 của UNCLOS về bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh của các đại dương.
Mặc dù quyết định mang tính bước ngoặt của PCA không thể giải quyết các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ đối với thực thể, cụ thể là với các đảo đá tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên quyết định này sẽ tác động gián tiếp đến các đặc tính của các thực thể tại Biển Đông, vì những lý giải của phán quyết về các thực thể này sẽ tạo cơ sở thuận lợi để các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.
Hiện nay, nguy cơ tranh chấp các nguồn lợi thủy sản tại Biển Đông đang hiện hữu và vô cùng nguy hiểm. Trong bối cảnh Biển Đông vẫn còn nhiều phức tạp, Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực bảo vệ chủ quyền tại vùng biển này trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời giữ nguyên tuyên bố và không ngừng chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
D.T (Tổng hợp)
2016-10-12 13:24:08
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-1210-a302440.html