Iran có thể không đứng đằng sau vụ tấn công tàu khu trục USS Mason của Mỹ ở Yemen. Trên thực tế Tehran đang cần sự chú ý từ Washington nhiều hơn là gây ra xung đột.
Sự bất đồng giữa Mỹ và Iran tại Yemen có thể leo thang trở thành xung đột sau khi Hải quân Mỹ phóng tên lửa đáp trả vào lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn hôm 13/10.
Ngay lập tức đã có báo cáo cho thấy Iran gửi thêm tàu chiến tới vùng biển ngoài khơi Yemen.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mason của Mỹ hoạt động ngoài khơi bờ biển Yemen, |
Động thái của Iran dường như là một lời thách thức trực tiếp cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ và Ả Rập Saudi. Giới quan sát lo ngại chiến trường Yemen sẽ thêm phần căng thẳng
Tuy nhiên bình luận viên Dina Esfandiary từ Reuters nhận định, dù Iran sẽ không bỏ qua một cơ hội cảnh cáo đối thủ trong khu vực, nhưng nước này không hề muốn đi tới một thế đối đầu công khai với Mỹ tại Yemen.
Trước đó, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mason của Mỹ neo gần eo biển Bab al-Mandab đã bị hai tên lửa tấn công. Các tên lửa được phóng từ lãnh thổ do phiến quân Houthi kiểm soát ở phía bắc Yemen. Mặc dù chưa rõ bên tấn công là ai cùng với việc Houthi từ chối nhận trách nhiệm, Mỹ vẫn phản ứng lại bằng các tên lửa hành trình Tomahawk. Hãng tin Tasnim ngay sau đó báo cáo về việc Iran triển khai các tàu chiến tới Yemen như một động thái đáp trả Washington.
Mặc dù vậy, phía Tehran tuyên bố đây là hành động tăng cường đối phó nạn cướp biển tại Vịnh Aden, và yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi khu vực. Điều rõ ràng là ý muốn tránh đối đầu trực tiếp với lực lượng Mỹ.
Dina Esfandiary cho rằng Tehran không muốn bị mắc kẹt tại Yemen – đặc biệt là tại thời điểm khi Iran cảm thấy đã thành công trong việc chứng minh bản thân là một đối tác khu vực khả thi hơn đối với Mỹ.
Washington đang xem xét việc có tiếp tục hỗ trợ cho Ả Rập Saudi hay không sau khi Riyadh thừa nhận đã ném bom mà không tránh các mục tiêu dân sự. Có tổng cộng 140 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào một đám tang tại thủ đô Sana’a ngày 8/10.
Ả Rập Saudi đánh bom vào một đám tang ở Sanaa, thủ đô Yemen khiến hơn một trăm người thiệt mạng. |
Chờ đợi quyết định của Mỹ là những gì Iran muốn ngay lúc này thay vì tấn công các tàu Mỹ bằng tên lửa, điều có thể khiến quan hệ Iran và Mỹ ở Yemen đổ vỡ.
Trên thực tế Houthi có thể đã tấn công tàu của Mỹ mà không thông qua sự đồng ý của Iran. Và bản thân Tehran cũng bất ngờ vì điều này.
Sau tất cả, mối quan hệ bảo trợ của Tehran với Houthi không giống những gì người ta thường giả định.
Tính chất mối quan hệ của nhóm phiến quân này với Iran không giống với Hezbollah ở Lebanon. Thay vào đó, Houthis tương tự như các phong trào Hamas của Palestine – lực lượng nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ Iran mà không nhận lệnh trực tiếp. Hồi tháng 9/2014, Houthis đã bỏ qua lời kêu gọi của Iran về việc kiềm chế trước khi tiếp quản thủ đô Sanaa của Yemen.
Hơn nữa, Yemen không phải là một ưu tiên đối với Iran. Nước này quan tâm hơn đến người láng giềng Iraq, nơi có chung sợi dây liên kết về tôn giáo, thương mại và lợi ích chính trị. Bên cạnh đó còn có Syria, vùng đệm giúp Tehran liên kết với Hezbollah và Địa Trung Hải.
Do vậy, chính sách Yemen của Tehran bị buông lỏng và thiếu mục tiêu.
Iran luôn hạn chế bày tỏ sự ủng hộ và cung cấp một số vật tư nguyên liệu cho các phiến quân Houthi. Nhưng khi sự can thiệp của Ả Rập Saudi vào Yemen được đẩy mạnh, Iran thấy rằng đây là “cơ hội chi phí thấp” có thể gây ra sự phiền toái cho đối thủ.
Washington, về phần mình, rất muốn rút ra khỏi vị trí hậu trường của Ả Rập Saudi khi nhìn thấy viễn cảnh cuộc xung đột sẽ còn kéo dài tại nơi đây.
Mỹ cũng không muốn quay sang gần gũi với Iran hơn tại Yemen. Điều này không khác gì việc từ bỏ đồng minh Ả Rập thân thiết.
Washington cũng biết rằng trong khi Tehran không phù hợp với mục đích của Mỹ, quốc gia này đã thể hiện tầm ảnh hưởng có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong khu vực.
Mặc dù hàng loạt lời kêu gọi ngừng bắn đã được đưa ra, cuộc chiến ở Yemen tiếp tục. Nhưng cho đến nay, Tehran và Washington đã hạn chế sự tham gia của mình. Các cuộc tấn công tên lửa sẽ không thể tiếp tục leo thang, bởi đây sẽ là nguy cơ kéo cả hai quốc gia tiến sâu hơn vào cuộc xung đột.
Quốc Vinh
2016-10-24 00:00:19
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/iran-dung-sau-vu-tan-cong-ten-lua-nham-vao-tau-my-o-yemen-a303860.html