Quan hệ giữa Moscow và Ankara đang ấm dần, khác hẳn tình hình căng thẳng trong thời gian vừa qua, điều đó khiến Mỹ và phương Tây “mất cảnh giác”.
Chuyên gia Nga tin rằng Moscow và Ankara đang gửi một thông điệp “đa phương tới Mỹ và phương Tây, báo hiệu rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thiết lập quan hệ đồng minh kinh tế và chính trị, duy trì ảnh hưởng của hai “kỳ thủ” trên bàn cờ Syria.
Ông Erdogan và ông Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc hôm 4/9 vừa qua. (Ảnh: Reuters) |
Tình hình Syria đang thay đổi nhanh chóng khi Moscow và Ankara trở lại tiếp tục hợp tác chính trị, quân sự và kinh tế, Stanislav Tarasov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông-Caucasus nhận định trong một bài viết trên tờ báo Nga Regnum.
Chỉ mới đây, Nga và Iran phản đối sự can thiệp của Ankara vào xung đột Syria và đe dọa sẽ đối đầu với những nỗ lực đó của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Washington từ lâu cũng do dự cho Thổ Nhĩ Kỳ hành động tại Syria, bởi Mỹ lo rằng xung đột của Ankara với Moscow và Tehran có thể khuấy động một cuộc chiến khu vực quy mô lớn liên quan tới một thành viên của NATO.
Tuy nhiên, khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch mang tên “Khiên Euphrates” tại Syria thì cả Iran và Nga và Washington đều không có động thái gì nhằm ngăn cản những hành động quân sự của Ankara.
Tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định rằng chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ “không phải một cái gì đó bất ngờ” đối với điện Kremlin.
“Chúng tôi hiểu rằng điều gì đang xảy ra và sự việc sẽ dẫn tới đâu”, trang web Kremlin.ru dẫn lời ông Putin nói.
Ông Tarasov cho biết có nguồn tin khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán kế hoạch với Moscow, Tehran và Washington trước khi tiến hành chiến dịch tấn công; tuy nhiên, thông tin Ankara có hợp tác quân sự với Nga và Mỹ hay không vẫn chưa được làm rõ. Nhưng không thể phủ nhận rằng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các “đấu thủ địa chính trị” khác gồm Nga, Mỹ và Iran, Tarasov nhấn mạnh.
Thật vậy, Washington gần đây đã đề nghị Ankara cùng tiến hành hoạt động quân sự chung nhằm tái chiếm Raqqa tại Syria từ tay những chiến binh thánh chiến Hồi giáo IS. Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan nói rằng Ankara không thấy vấn đề gì từ việc chấp nhận lời đề nghị của Mỹ.
“Raqqa là một trung tâm quan trọng đối với IS. Tổng thống Mỹ Barack Obama đặc biệt muốn làm một điều gì đó với Thổ Nhĩ Kỳ về Raqqa. Chúng tôi đã nói với ông ấy rằng đây không phải là vấn đề của chúng ta. Những gì có thể được thực hiện ở đó sẽ trở nên rõ ràng hơn sau các cuộc đàm phán”, Hurriyet Daily News dẫn lời ông Erdogan nói.
Cùng lúc đó, trên đài truyền hình Nga NTV, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin tiết lộ rằng ông Erdogan đã bàn thảo về thỏa thuận ngừng bắn tại Aleppo với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama tại hội nghị G20 ở Trung Quốc.
“Sau cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga, ông Erdogan đã chủ trì hai cuộc gặp khác với ông Putin và Obama… Ankara đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía hai nhà lãnh đạo (Nga và Mỹ) trong nỗ lực nhằm loại bỏ nguy cơ khủng bố khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria”, ông Kalin nói trên NTV.
Ông Kalin cho biết thêm, trước khi diễn ra G20, ông Erdogan đã có cuộc hội đàm qua điện thoại với ông Putin và đề nghị ông tạo điều kiện để thực hiện thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo trước khi diễn ra lễ Hiến sinh của đạo Hồi, sẽ bắt đầu vào ngày 12/9.
Ông Tarasov nhấn mạnh rằng mối quan hệ xoay hoàn toàn 180 độ của Nga-Thổ đã khiến cộng đồng quốc tế và các nước phương Tây mất cảnh giác.
Ngoài việc nối lại đàm phán về Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng “phá băng” nhiều dự án năng lượng và tiếp tục quan hệ thương mại đã bị gián đoạn sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga vào tháng 11/2015 trên không phận Syria.
“Về mặt chiến thuật, ông Putin và Erdogan đang gửi một thông điệp đa phương tới Mỹ và Liên minh châu Âu EU, chứng minh rằng họ có những lựa chọn thay thế trong bối cảnh Nga đang bị trừng phạt và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khả năng nhận trừng phạt từ phương Tây”, ông Tarasov nhận định.
Tuy nhiên, ông cho biết, ở cấp độ chiến lược, vẫn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, đặc biệt là cách tiếp cận của các quốc gia đối với giải pháp cho khủng hoảng Syria và tương lai của đất nước này.
Trong mọi trường hợp, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã chứng minh cho phương Tây thấy rằng họ đang theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại thực dụng và duy trì những đấu thủ có ảnh hưởng ở Trung Đông.
Danh Tuyên
2016-09-07 23:08:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/phuong-tay-hot-hoang-vi-quan-he-nga-tho-xoay-180-do-a257387.html