Đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật là chìa khóa để bảo tồn lực lượng duy trì khả năng chiến đấu chống lại các đợt tấn công sau của đối phương.
Sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật đã kéo theo sự phát triển của các loại vũ khí công nghệ cao với khả năng tấn công xa hơn, chính xác hơn. Trong các vũ khí công nghệ cao đang thịnh hành trên thế giới thì tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật được xem là vũ khí nguy hiểm nhất.
Những năm gần đây, quân đội Trung Quốc thực hiện quá trình hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt. Rất nhiều vũ khí công nghệ cao đã gia nhập quân đội nước này, trong đó có tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Trung Quốc trang bị hơn 1.500 tên lửa đạn đạo chiến thuật DF-11 và DF-1.
Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, Trung Quốc đang có ít nhất 1.500 tên lửa đạn đạo chiến thuật DF-11 và DF-15.
Theo trang missilethreat.com, tên lửa DF-11 có tầm bắn từ 280-350km, mang đầu đạn nặng 500-800km. Riêng phiên bản DF-31A có tầm bắn được nâng lên khoảng 500km, tuy nhiên, theo một số nguồn tin, tầm bắn của DF-31A có thể lên tới 825km. Trong khi đó, DF-15 có tầm bắn 600km, mang đầu đạn nặng 500-750kg, phiên bản DF-15A có tầm bắn 900km.
Phần lớn số tên lửa này đang được triển khai dọc theo eo biển Đài Loan nhưng hoàn toàn có thể triển khai đến những khu vực khác khi cần thiết.
Với tầm bắn xa và được trang bị công nghệ dẫn hướng hiện đại với độ chính xác tương đối cao, DF-11 và DF-15 không chỉ là mối đe dọa đối với Đài Loan mà còn cả đối với những quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Nếu được triển khai gần các tỉnh biên giới Việt Nam, tên lửa có tầm bắn đến tận các mục tiêu ở khu vực Bắc Trung bộ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã phát triển thành công và đưa vào hoạt động một số lượng chưa xác định tên lửa hành trình tấn công mặt đất DH-10 và CJ-10, với tầm bắn từ 1.500-2.500km, có nguồn nói DH-10 có tầm bắn tới 4.000km. Những loại tên lửa này có tầm bắn vươn tới tận Nam Trung bộ của Việt Nam.
Đặc biệt, tên lửa hành trình CJ-10 còn được trang bị cho máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc.
Theo một bản báo cáo nghiên cứu quốc phòng Trung Quốc trên tạp chí Kanwa Defense Review (trụ sở tại Canada), nếu Bắc Kinh triển khai H-6K ở đảo Hải Nam thì không những thủ đô Manila của Philippines, Kuala Lumpur của Malaysia, mà toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đều sẽ bị đe dọa.
Bài toán đánh chặn tên lửa cho Việt Nam
Những kinh nghiệm chiến trường hiện đại cho thấy, đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật là chìa khóa để bảo tồn lực lượng duy trì khả năng chiến đấu chống lại các đợt tấn công sau của đối phương.
Tên lửa hành trình CJ-10 trên máy bay ném bom H-6K có thể đe dọa phần lớn lãnh thổ Việt Nam.
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất mặc dù rất nguy hiểm nhưng nó có điểm yếu là tốc độ chậm, trần bay thấp nên rất dễ bị bắn hạ. Tên lửa đạn đạo chiến thuật tuy có tốc độ nhanh hơn nhưng vẫn có thể đánh chặn bằng các hệ thống phòng không hiện đại.
Đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật thực sự là bài toán khó đối với Việt Nam. Hiện nay, trong kho vũ khí của Việt Nam chưa có nhiều loại có khả năng đảm đương nhiệm vụ đánh chặn tên lửa, đặc biệt là tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Với tên lửa hành trình tấn công mặt đất, vũ khí đầu tiên có thể đánh chặn là pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 23mm. Đây là một pháo phòng không tốc độ cao, nó được trang bị 4 pháo 2A7 23mm với tốc độ bắn 1.000 viên/phút/khẩu. 4 khẩu kết hợp với nhau sẽ cho tốc độ bắn lến đến 4.000 viên/phút.
Tổ hợp tên lửa phòng không tự hành 9K35 Strela-10 của Việt Nam là quá mỏng để hóa giải mối đe dọa từ tên lửa hành trình.
ZSU-23-4 được trang bị tích hợp radar điều khiển hỏa lực kết hợp với tốc độ bắn nhanh tạo nên màn đạn dày đặc để tiêu diệt mục tiêu. Tuy nhiên, ZSU-23-4 có phạm vi tác chiến với các mục tiêu đường không chỉ khoảng 2,5km.
Với nhiệm vụ đánh chặn tên lửa hành trình, hiệu suất tác chiến của hệ thống không cao. Mặt khác, khoảng cách 2,5km là quá ngắn để loại bỏ hết mối đe dọa từ tên lửa hành trình.
Loại vũ khí tiếp theo có thể đánh chặn là tên lửa phòng không vác vai 9K32 Strela (Việt Nam gọi là A-72), 9K38 Igla (A-87). Tên lửa được trang bị đầu dò hồng ngoại bị động, có thể bám theo mọi mục tiêu tỏa nhiệt. Tuy nhiên, tầm bắn của A-72 tương đối hạn chế chỉ khoảng 2,5km. Mặt khác, hiệu suất tác chiến của loại tên lửa này phụ thuộc vào kỹ năng của xạ thủ nên hiệu quả không cao.
Hệ thống vũ khí có khả năng nhất trong việc đánh chặn tên lửa hành trình của Việt Nam là tổ hợp tên lửa phòng không tự hành 9K35 Strela-10. Tuy nhiên, để tối ưu hiệu quả đánh chặn, vẫn nên cân nhắc thêm các phương án khác.
Để hóa giải mối đe dọa từ tên lửa hành trình, Việt Nam có thể cân nhắc hệ thống phòng không tích hợp Pantsir-S1 của Nga. Hệ thống này được mạnh danh là “khắc tinh” của tên lửa hành trình. Pantsir-S1 được trang bị 2 pháo bắn nhanh 2A38M 30mm với tốc độ bắn 2.500 viên/phút cùng 12 tên lửa siêu thanh 57E6.
Pantsir-S1 được trang bị tích hợp radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực trên cùng một hệ thống cùng khả năng cơ động cao có thể vô hiệu hóa mọi loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất hiện nay trong phạm vi 20km với tầm cao 15km.
Với hiệu suất tiêu diệt mục tiêu từ 70-95%, sự có mặt của hệ thống Pantsir-S1 có thể làm giảm hiệu suất của tên lửa hành trình ở tỷ lệ tương ứng. Pantsir-S1 cùng với các hệ thống phòng không sẵn có sẽ hóa giải bài toán đánh chặn tên lửa hành trình của Việt Nam.
Buk-M2E, Pantsir-S1, S-400 Triumf là những hệ thống vũ khí có thể hóa giải bài toán đánh chặn tên lửa của Việt Nam.
Với tên lửa đạn đạo chiến thuật, việc đánh chặn khó khăn hơn do tên lửa có tốc độ tái nhập bầu khí quyển tương đối cao. Hệ thống S-300 của Việt Nam có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa đạn đạo tầm trung nhưng lực lượng S-300 là quá mỏng để đảm đương nhiệm vụ này.
Để giải bài toán đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, một hệ thống phòng không phù hợp với Việt Nam là Buk-M2E. Đây là hệ thống phòng không tầm trung di động, được trang bị đạn tên lửa 9M317ME để tấn công các mục tiêu có tốc độ cao như tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Buk-M2E có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi 45km với tầm cao 32km. Các thử nghiệm tại Nga cho thấy, Buk-M2E có xác suất đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật từ 60-70%.
Xa hơn nữa, Việt Nam có thể tính đến giải pháp đầu tư hệ thống phòng không tầm siêu xa S-400 Triumf. Hệ thống này được thiết kế với khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu đường không trong phạm vi tới 400km. Hiện nay, S-400 Triumf đang là thành phần chủ chốt trong hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga.
Bên cạnh đầu tư các vũ khí đánh chặn, lực lượng radar cảnh báo sớm tên lửa là thành phần cực kỳ quan trọng. Nếu không thể phát hiện sớm việc phóng tên lửa thì mọi nỗ lực đánh chặn đều trở nên vô nghĩa. Hiện tại, đài radar 55Zh6UE NEBO-UE của Việt Nam có thể hoạt động như một hệ thống cảnh báo sớm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Tuy nhiên, để thiết lập một hệ thống đánh chặn chuyên nghiệp hơn, Việt Nam có thể đầu tư hệ thống radar cảnh báo sớm EL/M-2080 Green Pine của Israel kết hợp với S-300, tương tự như việc Hàn Quốc đang sử dụng radar EL/M-2080 kết hợp với PAC-2 Patriot tạo thành hệ thống đánh chặn riêng của họ.
Theo Trí thức trẻ
2016-09-23 00:24:42
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chien-luoc-danh-chan-ten-lua-cho-viet-nam-a121644.html