Đã có nhiều thông tin xác thực về việc các nước Đông và Trung Âu bán vũ khí “gián tiếp” cho các nhóm vũ trang cực đoan đang chiến đấu ở Syria. Nhưng tại sao Liên minh châu Âu lại… không mấy bận tâm?
Chuyên gia chính trị người Đức Alexander Rahr cùng nhiều nhà báo giàu kinh nghiệm ở châu Âu và Nga đã có những phân tích đáng chú ý về việc tại sao châu Âu “ngó lơ” hành vi bán vũ khí của các thành viên cho một số nước Trung Đông bị cho là hỗ trợ cho các nhóm vũ trang cực đoan đang chiến đấu ở Syria.
Trước đó, Mạng Báo cáo Điều tra Balkan (BIRN) và Dự án Báo cáo Tham nhũng và Tội ác Có tổ chức (OCCRP) đã chỉ ra những hành vi bán vũ khí nói trên. Song theo chuyên gia Rahr, truyền thông Tây Âu lại cố tình “kiềm chế” để không đăng tải hoặc khai thác sâu vấn đề này.
“Chúng ta có thể đoán là sẽ không có scandal nào ở đây cả. Vấn đề đó sẽ không được khai thác rộng rãi ở phương Tây. Đây là chuyện thường hay xảy ra, khi xuất hiện những thông tin không mấy hay ho phủ bóng tối lên NATO hay các thành viên mới của EU. Bởi vậy, đôi khi tôi nghĩ rằng, những ‘lính mới’ được phép làm bất kỳ điều gì họ muốn”, chuyên gia Rahr bày tỏ.
Có bao nhiêu vũ khí được các nhóm cực đoan Syria sử dụng đến từ hợp đồng mua bán quân sự của những nước thành viên EU? Ảnh: Flick |
Theo những thông tin được công bố hồi tháng 7, các quốc gia châu Âu gồm Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Slovakia, Serbia và Romania đã chuyển nhiều lô vũ khí trị giá 1,3 triệu USD cho các quốc gia ở Trung Đông, gồm Saudi Arabia, Jordan, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, một phần trong loạt vũ khí này lại được chuyển tới tay các nhóm Hồi giáo cực đoan và phe phái vũ trang đối lập đang chiến đấu ở Syria và Yemen, hai quốc gia đang bị tàn phá vì những cuộc chiến có sự tác động từ nước ngoài.
Theo các nhà nghiên cứu, những quốc gia ở Đông Âu và Trung Âu đã thông qua các giấy phép xuất khẩu vũ khí từ năm 2012, bất chấp những bằng chứng rõ ràng cho thấy vũ khí của họ bị giao vào tay các nhóm vũ trang ở Syria và Yemen vốn bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trầm trọng và hành động rất tàn bạo.
Thế nhưng, nhiều tờ báo và các hãng tin tức ở những quốc gia xuất khẩu vũ khí lại tỏ ra khá “hờ hững” với thông tin được nêu ra.
Cây bút người Séc Jiří Just của báo Aktualne chỉ ra rằng, truyền thông của Cộng hòa Séc chỉ đưa thông tin “ngắn gọn”, với một vài bức hình và video, “nhưng nói chung, chẳng ai ở Séc biết về điều đó cả. Không ai nói gì về nó”.
“Mọi người sẽ quan tâm hơn tới vấn đề bán vũ khí đó nếu họ thấy những thông tin cụ thể và đáng tin cậy hơn. Tóm lại, xã hội Séc đã bỏ qua vấn đề này”, nhà báo Just chỉ rõ.
Theo cây bút trên, anh hy vọng Liên minh châu Âu sẽ mở một cuộc điều tra đối với vấn đề này, và giới chức châu Âu sẽ thực hiện thật nghiêm túc. “Cá nhân tôi nghĩ rằng nó thật là sai trái và xấu xí”, nhà báo Jiří Just bày tỏ.
Được “dán nhãn” là… ôn hòa, nhiều nhóm vũ trang cực đoan đối lập ở Syria thỏa sức nhận vũ khí hỗ trợ và gây ra những tội ác phi nhân tính. Ảnh: Young Diplomats |
Một nguồn tin của Liên minh châu Âu tiết lộ với hãng tin Ria Novosti của Nga rằng, EU đã biết thông tin về cuộc điều tra đường đi của vũ khí từ các nước thành viên, và hiện Brussels “đang nghiên cứu”.
Trong khi đó, một nhà báo kỳ cựu khác là Fyodor Lukyanov – người phụ trách mảng nghiên cứu của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai – nói rằng một trong những lý do khiến thông tin vụ việc không tạo nên “bão dư luận” là vì ở nhiều nước phương Tây, dư luận cho rằng không có gì sai khi chính phủ của họ bán vũ khí cho nhóm phiến quân Syria “được cho là ôn hòa”.
“Chẳng ai có thể nói được rằng nhóm nào là ôn hòa, còn nhóm nào không, ở Syria. Tất cả mọi thứ đều hết sức phức tạp, mơ hồ và khó hiểu”, ông Lukyanov chỉ ra điểm mâu thuẫn.
Tương tự như chuyên gia chính trị người Đức Alexander Rahr, ông Lukyanov tin rằng kể cả EU có tiến hành điều tra theo hình thức nào chăng nữa, thì cũng sẽ không có quốc gia thành viên nào phải chịu hậu quả, vì EU chắc chắn sẽ chỉ “ngó lơ”.
Từ vấn đề trên, người viết cũng xin nhắc lại rằng, bản thân Mỹ và phương Tây đã nhiều lần thể hiện thái độ “cưng chiều” đối với các nhóm phiến quân mà họ chống lưng ở Syria.
Trong khi Washington và Brussels lên án Nga cung cấp vũ khí và nhân lực cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad thì họ lại làm điều tương tự cho các nhóm phiên quân được gắn mác “ôn hòa”. Trên thực tế, đã có nhiều báo cáo từ các tổ chức độc lập cho rằng nhiều nhóm “ôn hòa” như vậy đã có các hành vi ngược đãi, tấn công thường dân Syria và gây ra nhiều tội ác vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Với tư tưởng chống Nga và ủng hộ Mỹ, không quá khó hiểu khi EU luôn đề ra các giá trị về nhân quyền, đạo đức xã hội để thành viên noi theo, nhưng lại “mặc kệ” một số nước mới gia nhập bán vũ khí cho phe đối lập Syria.
Dù sao, thông tin trái chiều từ các tổ chức độc lập về vụ bán vũ khí nói trên cũng góp phần quan trọng giúp nhiều người hiểu rằng, châu Âu không phải là một “hình mẫu” hoàn hảo như họ vẫn mô tả.
Trung Hiếu
2016-08-11 16:32:06