TQ xây phi pháp hải đăng thứ 5 ở Trường Sa; ‘Cuộc chiến tàu ngầm’ dưới đáy Biển Đông;Trước phán quyết của PCA, TQ tự nhận là nạn nhân… là những tin tức tình hình Biển Đông mới nhất 24h qua.
Trung Quốc xây phi pháp hải đăng thứ 5 ở Trường Sa
Tin tức từ China Daily hôm 10/7 cho biết, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng phi pháp 5 ngọn hải đăng trên 5 thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép tại Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam…
Ngọn hải đăng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Xu Bi thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: China News) |
Lo lắng vì PCA, Đại sứ Trung Quốc ‘chuyển nghề’ sang viết báo?
Trong 2 tháng qua, đã có hàng chục bài báo của các đại sứ Trung Quốc được đăng tải trên khắp thế giới lên tiếng về Biển Đông và vụ kiện PCA. Một động thái được cho là vô cùng kỳ lạ…
‘Cuộc chiến tàu ngầm’ và sự cạnh tranh ẩn sâu dưới đáy Biển Đông
Trong khi thế giới tập trung vào phán quyết sắp tới của Tòa Trọng Tài, ẩn sâu dưới đáy Biển Đông đang diễn ra cuộc chiến ngầm trong việc tăng cường năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc…
Trung Quốc tham vọng tăng cường năng lực răn đe hạt nhân bằng tàu ngầm. |
Sau phán quyết, nước nào sẽ kiểm soát thương mại ở Biển Đông?
Sau phán quyết PCA, hoặc là Trung Quốc, hoặc là Mỹ sẽ là nước có lợi thế kiểm soát lưu lượng thương mại 1,5 nghìn tỷ USD/năm ở Biển Đông?..
Tàu hải quân Thái Lan bắn 3 tàu cá Việt Nam, một lái tàu mất tích
Phóng viên TTXVN tại Thái Lan dẫn nguồn Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết vào lúc 14h ngày 8/7 xảy ra một vụ tàu hải quân Thái Lan nổ súng vào nhóm ba tàu cá Việt Nam, có biển đăng ký của tỉnh Bến Tre, đánh bắt trên vùng biển Thái Lan, làm hai ngư dân bị thương, một lái tàu mất tích trên biển. Hai tàu cá va chạm với tàu hải quân Thái Lan và bị chìm.
Hai ngư dân bị thương là Nguyễn Văn Tèo, 28 tuổi, và Nguyễn Văn Linh, 25 tuổi, đều quê ở Bến Tre. Anh Nguyễn Văn Tèo bị thương ở chân phải còn anh Nguyễn Văn Linh bị thương ở bả vai.
Cả hai ngư dân đã được phía Thái Lan đưa vào bờ bằng máy bay trực thăng và đang bị giam tại căn cứ Vùng 2, Hải quân Thái Lan.
Dự kiến ngày 11/7, các ngư dân này phải ra hầu tòa và có thể bị khép vào tội xâm nhập và đánh bắt cá trái phép.
Ông Nguyễn Hải Ngọc, Bí thư thứ nhất phụ trách bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam, khẳng định hành động bắn vào tàu cá nước ngoài vi phạm lãnh hải là trái với luật pháp và thông lệ quốc tế.
5 thẩm phán định đoạt vụ kiện Biển Đông
Ban trọng tài xét xử vụ kiện Biển Đông gồm các thẩm phán, chuyên gia về luật biển và luật quốc tế, trong đó có 4 người châu Âu và một người Ghana.
Sau khi Philippines nộp đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào tháng 1/2013, ban trọng tài gồm 5 người cho vụ kiện này được thành lập để xét xử. Philippines và Trung Quốc mỗi bên có quyền chọn một thẩm phán, còn chủ tịch Tòa Quốc tế về Luật biển (ITLOS) chọn ba người.
Philippines chọn ông Rudiger Wolfrum làm thành viên trong ban thẩm phán, còn Trung Quốc khăng khăng từ chối tham gia vào vụ kiện, tự chối bỏ quyền chọn thẩm phán, buộc chủ tịch ITLOS khi đó là ông Shunji Yanai, một công dân Nhật Bản, phải chọn thay cho Trung Quốc.
Thẩm phán Thomas A. Mensah sinh năm 1932 tại Ghana, ông có bằng tiến sĩ tại trường luật của Đại học Yale, Mỹ. Ông từng giảng dạy ở nhiều trường như Đại học Ghana, Đại học Hàng hải Thế giới ở Thụy Điển, Đại học Leiden ở Hà Lan, và Đại học Hawaii ở Mỹ. Ông cũng từng là cố vấn đặc biệt về luật môi trường cho một chương trình của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Ông Mensah từng giữ chức chủ tịch Tòa Quốc tế về Luật biển năm 1996-1999. Ông hiện là phó chủ tịch Tổ chức Luật biển Quốc tế. Ông là chủ tịch của ban trọng tài trong vụ kiện về vấn đề Biển Đông.
Thẩm phán Jean-Pierre Cot, sinh năm 1937 ở Thụy Sĩ, là giáo sư luật quốc tế và thẩm phán tại Tòa Quốc tế về Luật Biển. Ông có bằng tiến sĩ luật tại Đại học Sorbonne ở Pháp và từng giảng dạy luật ở Đại học Amiens và Đại học Paris I. Ông là thành viên của Nghị viện châu Âu năm 1978-1979 và 1984-1999. Ông là thành viên Tòa Quốc tế về Luật biển từ năm 2002.
Thẩm phán Stanislaw Pawlak sinh năm 1933 tại Ba Lan. Ông có bằng tiến sĩ tại Đại học Warsaw và từng đảm nhận nhiều vị trí trong Bộ ngoại giao Ba Lan.
Ông xuất bản nhiều cuốn sách và viết nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học về luật quốc tế, luật biển, và mối quan hệ quốc tế khi xét đến các hoạt động của Liên Hợp Quốc. Ông cũng nghiên cứu cả chính sách đối ngoại của Nhật, Mỹ và Trung Quốc. Ông là thành viên của Tòa Quốc tế về Luật biển từ năm 2005.
Giáo sư Alred H.A. Soons sinh năm 1948, có bằng tiến sĩ từ Đại học Utrecht, Hà Lan. Ông từng đảm đương nhiều vị trí trong chính phủ Hà Lan và giảng dạy luật quốc tế tại Đại học Utrecht. Ông hiện là thành viên của Cơ quan tư vấn Các chuyên gia về Luật Biển thuộc Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC/ABE-LOS), và đồng giám đốc của Viện Luật và Chính sách Đại dương Rhodes.
Thẩm phán Rudiger Wolfrum, sinh năm 1941 tại Đức, là tiến sĩ về luật quốc tế và từng giảng dạy tại Đại học Heidelberg. Ông là thẩm phán tại Tòa Quốc tế về Luật Biển kể từ năm 1996, và từng là chủ tịch tòa năm 2005-2008.
Campuchia quyết không tham gia tuyên bố chung ASEAN về vụ kiện Biển Đông
Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen khẳng định sẽ không có chuyện Campuchia tham gia vào bất kỳ tuyên bố chung nào của ASEAN liên quan đến vụ kiện Biển Đông, cho rằng vụ kiện mang động cơ chính trị.
Báo Khmer Times ngày 10/7 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Campuchia cho rằng Thủ tướng nước này, ông Hun Sen đã thể hiện rõ quan điểm của Campuchia trước đó rồi và không muốn liên quan đến vụ kiện kể trên, cho rằng vụ này là Philippines kiện Trung Quốc nên không liên quan đến ASEAN. Ông Hun Sen cũng cho rằng vụ kiện mang động cơ chính trị và một số nước quyền lực đã vận động ASEAN ủng hộ phán quyết của PCA.
“Tuy nhiên, trong tư cách là bạn của cả 2 bên trong vụ kiện và với mong muốn duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông, Campuchia kêu gọi Philippines và Trung Quốc tiếp tục giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Campuchia nêu.
Trung Quốc cản việc bàn về Biển Đông ở ASEM
Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu ngày 11/7 nói rằng vấn đề Biển Đông không nên được đưa ra bàn tại hội nghị thượng đỉnh ASEM vào cuối tuần này.
Reuters dẫn lời ông Khổng nói rằng việc bàn luận vấn đề Biển Đông tại ASEM diễn ra vào ngày 15 và 16/7 tới tại Mông Cổ sẽ không được chào đón. Ông Khổng nói: “Hội nghị thượng đỉnh ASEM không phải là nơi phù hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông. Chương trình nghị sự theo kế hoạch sẽ không bàn tới vấn đề này và cũng không nên đưa vấn đề này ra”.
Các nhà ngoại giao Bắc Kinh có liên quan tới việc chuẩn bị cho hội nghị ASEM khẳng định rằng chắc chắn vấn đề Biển Đông sẽ được nêu ra tại hội nghị này. Theo Reuters, ASEM sẽ là cuộc họp liên khu vực quan trọng nhất sau sự kiện tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng nếu xảy ra căng thẳng ở Biển Đông là vì các nước ngoài khu vực đã can thiệp cũng như phô trương sức mạnh tại đây. Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ về căng thẳng trên Biển Đông khi Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.
Trước phán quyết của PCA, Trung Quốc tự nhận là… nạn nhân
Trên trang nhất Nhân dân Nhật báo ngày 11/7 đăng bài xã luận, trong đó Trung Quốc tự nhận là “nạn nhân” bị Mỹ “đổ cho tiếng ác”.
Bài xã luận đăng trên trang nhất của tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc buộc tội Washington đã lợi dụng vụ kiện của Philippines để ngăn cản đà trỗi dậy của Bắc Kinh nhằm bảo toàn thế bá chủ trong khu vực của Mỹ.
Bài xã luận bác bỏ tính hợp pháp của phiên tòa PCA, chỉ trích Mỹ với luận điệu rằng: “Một số người hy vọng bôi nhọ Trung Quốc bằng cách làm đảo lộn mọi việc và xới tung rắc rối, biến những nạn nhân thực sự thành những kẻ tội đồ”.
Bài báo này cũng ngang ngược khẳng định: “Hiển nhiên là trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc rõ ràng không phải thủ phạm mà là nạn nhân”.
Hội nghề cá VN phản đối việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Hội Nghề cá Việt Nam vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông, Bộ Ngoại giao và Ban đối ngoại Trung ương để phản đối phía Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Hội nghề cá VN đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp phản đối mạnh hành động của các tàu Trung Quốc, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ngư dân; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam đang khai thác thủy hải sản trên biển.
Kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân Việt Nam yên tâm ra khơi bám biển sản xuất.
Hà Yên (T/h)