Sở dĩ học sinh học không ra gì vì giáo viên dạy không ra gì
Thursday, June 23, 2016 19:35
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Thật không ngờ thằng oắt con nhà hàng xóm mới sang Mĩ du học có hai tháng rưỡi mà đã được “tẩy não” triệt để như thế này, hi hi…. Trong lần hai mẹ con nó chát chít với nhau vừa rồi, có đoạn như sau:
- Em Mơ hôm nay bị cô giáo mắng.
- Làm sao mà em bị cô giáo mắng hả mẹ?
- Em làm bài bị sai.
- Tại sao cô lại có quyền mắng em khi em làm sai bài hả mẹ? Cô chỉ có quyền mắng em khi em không làm bài thôi chứ. Nhiệm vụ của cô giáo là phải dạy cho em hiểu bài để em từ sau làm bài không bị sai nữa chứ không phải là mắng em.
- Thế bài kiểm tra vừa rồi của con được bao nhiêu điểm?
- Con được …. điểm.
- Thế điểm của các bạn ở lớp con như thế nào?
- Sao mẹ lại hỏi thế? Mẹ biết điểm của con là đủ rồi, sao lại phải hỏi điểm của các bạn khác làm gì. Các bạn Mĩ luôn bảo với con là mỗi người có thế mạnh riêng, đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Điều quan trọng nhất và đáng quan tâm nhất là mình hôm nay có gì khác với ngày hôm qua, có gì tốt hơn, tiến bộ hơn ngày hôm qua. Mẹ nhớ rồi chứ, từ sau mẹ đừng có hỏi như thế nữa đấy nhé.
Nghe mẹ nó kể lại mà mình sung sướng vỗ đùi cười ha hả. Mấy câu đơn giản của một thằng nhóc tì vừa chân ướt chân ráo nghển cổ thò mặt vào nền giáo dục Mĩ, xã hội Mĩ chắc chắn sẽ làm không ít giáo viên và phụ huynh xứ này ngáo ngơ. Mình cứ ước gì các giáo viên Việt Nam được tống đi “tẩy não” hết cho “sạch”, he he…. Ở Việt Nam, trò học mà chưa hiểu thì chắc chắn chỉ do trò ngu dốt chứ quyết không phải do giáo viên dạy không ra gì, hi hi….
Thằng con mình và đa phần các bạn cùng lớp nó có môn giáo viên giảng trên lớp chịu chết không hiểu chút gì, ngồi nghe giảng mà như đập đầu vào tường. Hội phụ huynh phản ánh lại qua cô giáo chủ nhiệm đề nghị giáo viên thay đổi phương pháp cho trò dễ hiểu bài thì cả lớp được nghe giáo viên tuyên bố hùng hồn “Tôi dạy thế đấy, các anh chị cố mà theo”. Nghe thằng con kể lại mà uất nghẹn họng. Ừ thì có ngu mới phải đi học. Tất nhiên con mụ mẹ của thằng con giai mình cũng chẳng ngu dại gì mà đi đối đầu với giáo viên của con nên đành dùng chiêu “giải cứu” con bằng gia sư. Thật nực cười, chỉ sau mấy buổi học với gia sư, mọi thứ tưởng không thể nhằn nổi trên lớp bỗng trở nên sáng tỏ như ban ngày. Bái phục cậu gia sư của con sát đất luôn.
Giờ thì mình hiểu tại sao bọn Tây nó lại tổng kết ra bài học “Không có học trò dốt, chỉ có giáo viên tồi”. Chính mình, trong một lần đi giang hồ trời Tây vào tháng 10.2004, đã sa chân lỡ bước ngã uỵch vào một cuộc hội thảo quốc tế hầm hố với vài chục nước tham gia (với chủ đề “Kết quả của chương trình PISA và những vấn đề đặt ra cho các nhà Lý luận dạy học chuyên ngành”), và cũng đã từng choáng suýt chết với một nhận định tổng kết khá gây sốc trong hội thảo này: Sở dĩ học sinh học không ra gì vì giáo viên dạy không ra gì. Sở dĩ giáo viên dạy không ra gì vì năng lực giảng dạy của họ không ra gì và sở dĩ năng lực giảng dạy của họ không ra gì do khi còn học ngành sư phạm, họ đã không được trang bị tốt các kiến thức và kĩ năng ở môn Lý luận dạy học chuyên ngành. Tóm lại, nói như Tây thì học sinh không có lỗi gì hết cả, ha ha…
Điều này xem ra thật là khó hiểu và không thể chấp nhận được đối với lối suy nghĩ phổ biến của dân Việt, nhất là của giáo viên Việt. Nếu học sinh không hiểu bài thì cầm chắc là do học sinh ngu chứ nhất quyết không phải do giáo viên dạy không ra gì, hi hi… trong khi đó các bác Tây lại cứ khăng khăng bảo đó là do giáo viên. Chẳng hạn như ở Đức, báo chí dám tru tréo ầm ầm, rít lên ò ò chỉ trích “nhà trường làm học sinh ngu đi” sau khi kết quả khảo sát đánh giá của Chương trình PISA năm 2000 cho thấy học sinh Đức đứng ở thứ hạng thấp, dưới mức trung bình chung của OECD). Hoặc như ở Mĩ còn có cái đạo luật rõ hay (No child left behind act), trong đó có điều khoản qui định nếu các học sinh không hiểu bài, giáo viên phải có trách nhiệm phụ đạo (không lấy tiền) đến chừng nào học sinh hiểu bài thì thôi.
Kết quả PISA đã gây nên những tranh cãi về chính trị và vẽ nên hình ảnh về chất lượng giáo dục của hệ thống nhà trường. Đây là ví dụ từ một tờ báo Đức – tờ Die Woche sau khi kết quả PISA 2000 được công bố
Mà cái ông Hồ Ngọc Đại nhà ta xem ra suy nghĩ cũng giống Tây phết. Ông ấy bảo với ông Nông Đức Mạnh (lúc ông Mạnh còn làm TBT) thế này: “Anh Mạnh ạ, giáo dục rất đơn giản. Chỉ có mấy chữ anh với tôi chia nhau. Có 4 chữ: Anh là “Ai cũng được học”. Còn tôi là “Ai cũng học được”. Đi học mà không học được thì đi làm gì? Cho nên, đã đi học thì phải học được và việc đó là việc của nghiệp vụ sư phạm. Nghiệp vụ sư phạm phải xử lý, ai đã đi học thì phải học được.” Đọc mấy câu trên của ông Đại mà thấy sướng. Ở Việt Nam chắc cũng chẳng có mấy ai nghĩ được như ông Đại.
Vui thật, chỉ mấy câu nói trong lúc chát chít của một thằng học trò mới dính chút hơi hám Mĩ mà không hiểu sao làm mình có cảm giác như cái tát (he he…) vào cả cái nền giáo dục nước nhà với hai cái tội lớn: chuyên quyền, độc đoán và háo thành tích, háo danh.
Chắc hiếm ở đâu mà giáo viên thiếu kiên nhẫn và ít biết lắng nghe như giáo viên Việt Nam. Không ít giáo viên tự cho mình cái quyền áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình vào học trò. Suốt cả dịp hè vừa rồi mình chỉ lọ mọ làm nhõn có một việc cỏn con (có lẽ mọi người lại cười bảo mình dở hơi đây, he he…), đó là bày cho các giáo viên biết cách nở nụ cười thân thiện, biết cách lắng nghe, biết cách khích lệ, động viên và khen ngợi học trò.
Có ai đó đã “mạnh dạn tổng kết” thành tích lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam là đã đào tạo nên những “Tầng lớp trí thức có trí nhớ tốt”. Còn mình, mình thấy nền giáo dục Việt Nam đã đạt được hai kì tích cực kì vĩ đại, đó là:
1. Đánh cắp tuổi thơ của trẻ em
Tuổi thơ, sự hồn nhiên của lũ trẻ con xứ này đã bị đánh cắp và thay vào đó là những chuỗi tháng ngày vật vã với hàng đống bài tập và hàng mớ lý thuyết suông rồi cũng không biết dùng để làm gì. Chưa vào lớp một đã phải biết làm tính và đọc thông viết thạo, đi học về hôm nào cũng được cô giáo giao cho một tờ A4 kín bưng những chữ là chữ, với lời dặn dò bên dưới “Đề nghị phụ huynh kèm con đọc trơn tru từ 5 đến 7 lần”, he he… Bố khỉ, nếu đã đọc thông viết thạo rồi thì còn sinh ra lớp một làm cái vẹo gì nữa. Nói trắng phớ ra là các cô giáo lớp một đã nghễu nghện, chễm chệ đứng trên vai phụ huynh và học sinh.
Rồi gi gỉ gì gi cái củ tỉ củ tì gì cũng phải học thuộc lòng. Học thuộc lòng từ những khái niệm trong môn Giáo dục công dân cho đến những bài học về món Canh cua và Thịt kho tàu (trong môn Công nghệ lớp 6). Học thuộc lòng nhiều đến nỗi ăn vào máu thịt, bởi thế đến tận nửa thế kỉ tuổi đội trên đầu rồi mà mình đến giờ vẫn còn thuộc làu làu những bài tập đọc từ hồi học Vỡ lòng thời chiến tranh Giôn-xơn, he he…(những bài tập đọc mình thề là chẳng có cái giá trị mẹ gì về văn chương, nghệ thuật).
Tuy nhiên, ở thời mình, trẻ con còn được vui chơi tẹt ga, tới bến. Có lẽ chưa bao giờ trẻ con Việt Nam khổ như thời nay, tuy miếng cơm manh áo đã tươm tất hơn rất nhiều. Ngoài cái gánh nặng bài vở (một tiết Sử 45 phút nhồi đến 5 cuộc khởi nghĩa, trong đó có 2 cuộc chính, 3 cuộc phụ, he he…), chúng còn phải oằn mình để gánh cái sự kì vọng, cái sĩ diện, lắm khi rất hão, của nhà trường, của cha mẹ, dòng họ (he he… có lẽ cũng không ngoa khi nói hiếm có dân xứ nào háo danh như cái dân xứ này).
Thêm nữa, hàng ngày còn xòe ra trước mặt không biết bao nhiêu thứ cạm bẫy và cám dỗ đầy ma lực bên ngoài xã hội (không đâu trên trái đất này mà ngay trước cổng các trường học dăng dăng hàng dãy những cửa hàng game online như ở Việt Nam. Đến người lớn còn khó thoát khỏi những cám dỗ đó nữa là trẻ con). Có lần, nhìn ông con vật vã với đống bài vở môn Lịch sử, mình trót dại mở miệng bảo sao con không dùng lược đồ tư duy mà học cho nhanh, chưa dứt câu thì ông con đã chồm lên nhả giọng căm hờn “Ôi giời ơi, quên cái Lược đồ tư duy của mẹ đi cho nhanh. Cô Sử lớp con cái gì cũng bắt nhớ tất, từng trận đánh phải nhớ xem ông nào ngồi ở đâu, hô những câu gì, trận đánh diễn ra thế nào, kết thúc trận đánh có bao nhiêu thằng bị thương ở tay phải, bao nhiêu thằng bị thương ở tay trái, bao nhiêu thằng bị thương ở chân phải, bao nhiêu thằng bị thương ở chân trái, bao nhiêu thằng bị thương ở đầu,… Mẹ có nhớ được không hả?”. Nghe ông con hú lên một tràng như vậy mình thộn mặt ra và dịu giọng hỏi “Thế có phải nhớ bao nhiêu thằng bị thương ở CHIM không?”, ha ha…
2. Đào tạo ra những lớp người “tự lừa dối mình và lừa dối lẫn nhau”
Dối trá đã là căn bệnh trầm kha của xã hội này. Thực ra cũng chẳng biết cội nguồn sự dối trá bắt đầu từ đâu, từ xã hội hay từ giáo dục. Trên, dưới đâu đâu ai cũng tự lừa dối mình và lừa dối lẫn nhau bằng những thành tích chiến công được cân đong đo đếm qua những chỉ tiêu, những thành tích, những danh hiệu thi đua rởm rít. Sự hợm hĩnh, háo danh làm con người ta trở nên dối trá. Nực cười nhất là khi ngài tổng tư lệnh giáo dục Nguyễn Thiện Nhân cao hứng hô to “Nói không với tiêu cực trong thi cử” thì không ít trường đang có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 100% bỗng chui tọt xuống không còn phần trăm nào. Bác Nhân ngáo ngơ, xã hội ngơ ngáo, không nhẽ lại đẩy lũ trẻ ra đường làm tệ nạn xã hội nên lại loay hoay tìm cách lùa cả lũ vào chuồng.
Mấy năm sau, hoặc giả ngài tổng tư lệnh Nhân do quan lộ đã đủ thênh thang, hoặc giả do ngài mỏi miệng nên hô thều thào, không quyết liệt nữa mà mèo lại hoàn mèo, trường nào trường ấy lại quay về với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao ngất ngưởng như cũ. Chối nhất là ngay sau đó, người phát ngôn của Bộ Giáo dục nịnh thối, hú lên ông ổng trên báo chí là mấy năm qua giáo dục Việt Nam (ý nói là nhờ nhiệm kì của ngài Nhân) đã khởi sắc, đã đẩy lùi được một bước tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, hi hi… Đọc mà cười rũ. Học trò cao học của mình khắp nơi kể “kiểu gì cũng phải cho chúng nó (học trò) lên lớp hết, thi đỗ hết, không có cấp trên họ lại khỏ cho lõm đầu ra ấy”, he he…. Quan chức còn khối người ngồi nhầm ghế thì chuyện học trò ngồi nhầm cấp (chứ không chỉ nhầm lớp) xem ra cũng là “chuyện không có gì mà ầm ĩ thế”, hi hi…
Mà cũng chẳng hiểu từ bao giờ mà đào tạo bậc cao học ở Việt Nam cho ra lò toàn học trò xuất sắc, luận văn nào cũng chín phẩy bảy, chín phẩy tám, chín phẩy chín,… cứ như cha Lại Văn Sâm ngày xưa chấm chương trình “SV 96” trên truyền hình. Có đồng nghiệp còn rỉ tai bảo mình, chấm nới tay tí nhé chứ bây giờ đứa nào chỉ được 9,5 thì có mà khóc như bố nó chết, hí hí….
Những chuyện kiểu này có mà kể một ngàn lẻ một đêm cũng không hết, he he…
Diễn đàn Otofun
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo