Tình hình Syria gần đây cho thấy, Nga đang dọn đường để tái tăng cường sức mạnh quân sự nhưng điều đó cũng đồng nghĩa rằng, quân đội Syria không còn có thể tự đứng trên đôi chân của chính mình.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 6/6 nói rằng, Nga sẽ không kích “mạnh chưa từng có” để hỗ trợ quân đội Syria tiếp tục nắm thế chủ động ở thành phố Aleppo và ngăn không cho khu vực rơi vào tay khủng bố.
Ông Lavrov đưa ra tuyên bố chỉ một ngày sau khi thứ trưởng quốc phòng Nga nói rằng, Moscow “vẫn còn rất nhiều điều phải làm để hỗ trợ quân đội Syria”. Có những tin đồn rằng Nga đã sẵn sàng tăng cường quân sự trở lại ở Syria, ba tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút quân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov. |
“Quan điểm cho rằng Nga cần phải ‘trở lại’ Syria chỉ là ngụy biện”, ông Mark Kramer, Giám đốc Dự án về Nghiên cứu Chiến tranh Lạnh tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và khu vực Á-Âu Davis của Đại học Havard nói với Business Insider hôm 6/6.
Nhà nghiên cứu Kramer nói thêm: “Ngay cả khi ông Putin tuyên bố rằng Nga đã chấm dứt các hoạt động quân sự cách đây vài tháng, máy bay Nga vẫn thường ném bom hỗ trợ quân đội Syria, dù tần suất có giảm so với trước”.
Theo giới chuyên gia, Nga đang chuẩn bị các bước cần thiết để triển khai chiến dịch quy mô lớn ở Syria, chống lại nhiều nhóm đối lập, vốn bị quân đội chính phủ coi là khủng bố. Moscow đang đẩy mạnh nỗ lực tuyên truyền chống khủng bố, củng cố vai trò trên mặt đất thông qua các cố vấn quân sự và các nhà thầu tư nhân cũng như leo thang tần suất và quy mô không kích ở mặt trận Aleppo và tỉnh Idlib.
Hôm 4/6, cựu quan chức quân đội Nga nói rằng, Moscow “cần hành động mạnh mẽ hơn” để chống “khủng bố” ở Syria, những nhóm đối lập đã được gia hạn thời gian cân nhắc thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ bảo trợ từ cuối tháng Hai.
Báo Pháp Le Figaro đưa tin hồi đầu tháng 5 tiết lộ, Nga đã tuyển dụng “lính đánh thuê” để chiến đấu ở Syria. Tờ Al-Monitor thì nói rằng, bộ binh và lính dù Nga đã được triển khai đến cảng quân sự ở phía tây Syria, nhằm “hỗ trợ hơn 3.000 lính tình nguyện Nga được điều đến khu vực, trong nỗ lực phối hợp với quân đội Syria”.
Tần suất và mức độ không kích của Nga ở Aleppo và tỉnh Idlib đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vài ngày qua. Theo Viện Nghiên cứu về Chiến tranh, điều này đánh dấu mức độ “thay đổi nguy hiểm nhất trong các đợt không kích của Nga kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực”.
Zeina Khodr, phóng viên của tờ Al Jazeera, có trụ sở tại Doha nói: “Nga có thể đang dọn đường để chuẩn bị cho một đợt tấn công lớn nhằm vào nhóm Hồi giáo cực đoan Jabhat al-Nusra”.
Người dân Syria mang theo cờ của Al Nusra khi nhóm Hồi giáo cực đoan đánh chiếm tỉnh Idlib, Syria. |
Bằng cách này, Nga cũng gián tiếp tấn công nhiều phe đối lập Syria, những nhóm vũ trang tiếp tục liên minh với Al Nusra. “Tôi đã nhận được một số thông tin chưa kiểm chứng rằng, có một số nhóm đối lập cố tình chiếm đóng các vị trí của Al Nusra ở tiền tuyến để giúp cho nhóm khủng bố này không bị tấn công”, ông Lavrov nói trên Sputnik cuối tháng trước.
Nhiều nhóm đối lập đã lựa chọn hợp tác với Al Nusra chống lại quân đội chính phủ. Qua đó, “khai thác gót chân Achilles” trong chiến lược của Mỹ ở Syria, rằng ranh giới giữa khủng bố và phiến quân ôn hòa là hết sức mong manh.
Theo Daily Beast, hôm 3/6 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Mỹ thuyết phục các nhóm nổi dậy do họ hậu thuẫn rời khỏi các cứ điểm của al-Nusra, để máy bay Nga dễ bề phân biệt và công kích đúng mục tiêu cần thiết.
Trên thực tế, Nga-Mỹ đã thỏa thuận như vậy từ… tháng 2, nhưng vẫn chưa được cụ thể hóa bằng hành động, qua đó làm chậm tiến trình loại bỏ khủng bố.
Ông Lavrov cũng đề nghị hoãn không kích cho đến khi các nhóm nổi dậy rời khỏi vị trí do Al Nusra chiếm đóng, nhưng Mỹ lại bác đề nghị này.
Như vậy, Moscow đang lợi dụng “sự thiếu hợp tác” từ Washington và cuộc đàm phán hòa bình bị đình trện ở Geneva để tái triển khai sức mạnh quân sự.
“Đây có thể được coi là lần đầu tiên cả vai trò quân sự vào ngoại giao đều hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để Nga củng cố lòng tin. Qua đó, Moscow có thể lựa chọn giải pháp tăng cường quân sự”, theo Al-Monitor.
Nga hoàn toàn có khả năng “khôi phục lại sức mạnh quân sự ở Syria tương đương với mức độ từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016″, theo ông Kramer. Tuy vậy, điều này cũng đồng nghĩa rằng Moscow đã thừa nhận việc quân đội Syria không thể tự đứng trên đôi chân của chính mình.
Đăng Nguyễn