Gần 50 triệu người đang trải qua cuộc sống không khác gì nô lệ trong xã hội hiện đại trên toàn thế giới.
Cuối tháng 5, IB Times dẫn báo cáo Nô lệ toàn cầu 2016 (Global Slavery Index) của nhóm tổ chức nhân quyền Walk Free tại Australia cho hay, hiện có gần 46 triệu người đang trải qua cuộc sống như nô lệ tại 167 nước trên thế giới.
Báo cáo trên được hình thành sau quá trình phỏng vấn khoảng 42.000 nạn nhân là lao động khổ sai ở 25 quốc gia. Nhiều mảnh đời sinh ra đã chịu thân phận nhỏ bé, bị lợi dụng trong các hoạt động bắt cóc, bán dâm hoặc bị bóc lột vì nợ nần chồng chất…
Một thanh niên thoát khỏi chiến dịch giải thoát lao động bị bóc lột tại Ấn Độ từ năm cậu 6 tuổi. Ảnh: BBC |
BBC dẫn thống kê về một số ngành nghề có tỉ lệ bóc lột lao động cao nhất trên thế giới như đánh cá, các cánh đồng trồng cần sa trái phép, kinh doanh làm móng, mại dâm, ăn xin, lao động khổ sai trong các gia đình…
Đứng đầu danh sách các quốc gia có tỉ lệ người dân sống như nô lệ thời hiện đại là Ấn Độ (18,4 triệu người). Theo sau đó là Trung Quốc (3,4 triệu nô lệ), Pakistan (2,1 triệu), Bangladesk (1,5 triệu) và Uzbekistan (1,2 triệu).
Ấn Độ được ghi nhận là quốc gia đi đầu với các biện pháp ngăn ngừa tình trạng nô lệ, đem lại hiệu quả tích cực. Cụ thể, chính quyền New Delhi vừa qua đã công bố dự luật chống buôn lậu người, những nạn nhân của tệ nạn này sẽ được đối xử công bằng hơn thay vì bị coi là tội phạm.
Theo sau tinh thần tích cực này là chính phủ các nước Hà Lan, Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Australia nỗ lực ngăn chặn bảo vệ quyền lao động của con người.
Anh và Mỹ đã giới thiệu dự luật cho tình trạng nô lệ thời hiện đại vào năm 2015, bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào có hành vi bóc lột lao động trẻ em trong quá trình sản xuất kinh doanh đều có nguy cơ chịu án tù chung thân.
Bên cạnh đó, báo cáo Nô lệ toàn cầu 2016 cũng chỉ trích các chính quyền có ít động thái nhằm ngăn ngừa vấn đề nô lệ bao gồm Triều Tiên, Iran, Eritrea, Equatorial Guinea, Hong Kong…
Phương Hà