Khắp các kệ hàng tại siêu thị Big C, hầu hết các sản phẩm ngoại đang chiếm lĩnh tại đây. Đâu đó một số khu vực nhỏ chỉ còn thấp thoáng vài thương hiệu Việt.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Đưa Tin, tại các kệ hàng tại chuỗi siêu thị Big C TP.HCM, phần lớn các sản phẩm trưng bày là hàng ngoại. Điều này khiến người tiêu dùng liên tưởng mình đang đi “lạc” vào một siêu thị tại nước ngoài chứ không phải siêu thị tại Việt Nam.
Nhắc lại sự kiện gây bão dư luận là việc thông tin siêu thị này tăng mức chiết khấu. Để chuẩn bị cho các hợp đồng mới, vào tầm tháng 3-4/2016, các siêu thị có gửi thư đến doanh nghiệp cung cấp đề xuất tăng chiết khấu. Hệ thống siêu thị Big C đưa ra mức đề xuất tăng thêm chiết khấu 4,25% – 5% khiến hầu hết doanh nghiệp thấy khó khăn trong việc cân đối để vẫn hợp tác với Big C nhưng vẫn có thể “sống sót”. Nói cách khác, nếu mức chiết khấu này được áp dụng, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp nông sản thực phẩm Việt Nam có nguy cơ phải rút hàng khỏi kệ tại hệ thống siêu thị Big C bởi không đủ lợi nhuận để sinh tồn.
Trong một công văn gửi lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C hồi cuối tháng 4/2016, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đánh giá, mức chiết khấu mà Big C đòi tăng trong năm 2016 quá cao khiến doanh nghiệp cầm chắc lỗ.
Theo VASEP, ngoài chi phí chiết khấu trên doanh thu sản phẩm, nhà cung cấp còn phải chịu hàng loạt chi phí khác cho siêu thị như mở điểm bán mới, kỷ niệm ngày thành lập, chi phí cho thương lượng chung, vận chuyển, chương trình khuyến mãi…
Không những vậy, siêu thị còn khoán “tỷ lệ hàng hư hỏng” thường là 1%, đôi khi hàng hỏng không phải do nhà cung cấp, nhân viên siêu thị cũng ép doanh nghiệp phải đổi hàng khác, nếu không thì không đặt đơn hàng mới. Như vậy, nhà cung cấp vừa phải chiết khấu 1% mà vẫn phải chịu mọi hư hỏng.
Big C đưa ra mức chiết khấu cao cộng với việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan đang “đổ bộ” về Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp lẫn chuyên gia kinh tế nghi ngại việc tiến hàng tăng chiết khấu của Big C nhằm mục tiêu loại bỏ những nhà cung cấp Việt Nam. Việc tăng chiết khấu cũng khiến người bán hàng hạ giá bán đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Giá thành sản phẩm sẽ mặc nhiên lôi kéo được người tiêu dùng đến mua sắm, tăng cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Về lâu dài, doanh nghiệp trong nước sẽ dễ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm và trở thành “người làm công” cho đối tác ngoại.
Một số hình ảnh được ghi nhận tại siêu thị:
Các nhãn hàng bánh Thái, Lào. |
Hàng Việt dường như rất ít thấy. |
Sau đợt tổng tiến công của nhiều doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng Thái Lan, dường như các siêu thị tại Việt Nam là mục tiêu của họ. |
Không chỉ mặt hàng bánh, nước ngọt, trái cây cũng được Big C chú trọng đồ ngoại. |
Các loại táo Mỹ. |
Người dùng Việt phân vân khi quá ít lựa chọn cho hàng Việt Nam. |
Nhiều mặt hàng vẫn chưa bổ sung lên kệ. |
Đình Đình