ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Nguy cơ hàng Thái ‘bóp chết’ hàng Việt
Wednesday, May 4, 2016 20:42
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Hiện nay, hàng tiêu dùng của Thái Lan đã tràn ngập thị trường Việt Nam. Nguy cơ hàng Việt bị “dồn ép” càng tăng cao khi 2 hệ thống bán lẻ lớn tại Việt “về tay” người Thái.

Hàng Thái ngập tràn

Chất lượng tốt, kiểu dáng, mẫu mã khá bắt mắt và nhất là giá cả hợp lý là những ưu thế nổi trội, khiến hàng tiêu dùng Thái Lan “có đất sống” tại Việt Nam. Ngoài các cửa hàng chuyên về hàng Thái mọc lên ngày càng nhiều, len lỏi vào tận các khu dân cư, thì hàng Thái Lan còn có mặt ở hầu hết các chợ lớn nhỏ, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại…

  Nguy cơ hàng Thái 'bóp chết' hàng Việt - Ảnh 1

Những cửa hàng bán hàng Thái Lan mọc lên như nấm sau mưa.

Tại TP.HCM, trên các cung đường thời trang, mỹ phẩm như Nguyễn Trãi (quận 1), Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), các mặt hàng của Thái Lan được bày bán nhiều với mức giá bình dân, rất thu hút khách hàng.

Chị Khánh, chủ một shop thời trang trên đường Nguyễn Trãi cho biết, nếu như trước kia, quần áo bán tại khu vực này chủ yếu là hàng Trung Quốc thì hiện nay, phần nhiều đều là hàng Thái Lan. Nguồn hàng không chỉ được xách tay như trước kia, mà nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu, phân phối cho các cửa hàng, với mức giá tương đối cạnh tranh.

Tại Hà Nội, trên các tuyến phố Xuân Thủy (Cầu Giấy), Thái Hà, Thái Thịnh (Đống Đa)… hàng trăm cửa hàng đồng giá 10.000-15.000 đồng (hàng hóa xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc) hay “Made in Viet Nam” đã thay thế bằng hàng Thái.

Không những thế, tại các trung tâm thương mại, siêu thị như như Aeon Mall, Fivimart, Metro… các sản phẩm từ quần áo, giày dép đến khăn mặt, chậu, khay nhựa, dầu gội, mỹ phẩm có xuất xứ Thái Lan xuất hiện thậm chí nhiều hơn cả hàng Việt.

  Nguy cơ hàng Thái 'bóp chết' hàng Việt - Ảnh 2

Hàng Thái thu hút người tiêu dùng Việt.

Chia sẻ với CafeF, anh Nguyễn Văn Hưng, chủ cửa hàng tạp hóa tại Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội thừa nhận, khách hàng ngày càng chuộng hàng Thái. Cũng vì thế, tại cửa hàng của anh, mặt hàng có nguồn gốc Thái Lan chiếm gần 50%, số còn lại chủ yếu là hàng Trung Quốc, Việt Nam và một số ít là Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tại TP Vinh (Nghệ An) cũng đang hình thành một con phố với nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái trên đường Hồng Bàng. Tại đây, có đủ các loại hàng gia dụng như khăn giấy, bát đũa, bột giặt, nước xả vải, nồi cơ điện, máy xay sinh tố, đến hàng lương thực, thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt, gạo các loại…

Chỉ cần so sánh chất lượng cùng chủng loại một số hàng hóa ngoại nhập từ các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Malaysia, có thể thấy hàng Thái Lan “trội” hơn hẳn. Và so với nhiều mặt hàng Việt Nam, hàng Thái cũng chiếm ưu thế.

Điều này có thể lý giải vì sao các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày của Thái Lan tuy giá cả đắt hơn hàng Việt từ 10-15% nhưng được người tiêu dùng chấp nhận.

Hàng Thái đang chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam, đè chết hàng Việt và “hất cẳng” hàng “Made in China”. Điều này có thể dễ dàng nhận ra khi hệ thống cửa hàng tiện lợi chuyên đồ Thái phát triển nhanh như vũ bão trong thời gian gần đây.

Các đại gia Thái “thâu tóm” thị trường bán lẻ Việt

Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2012, Công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev của ông Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ ba Thái Lan với tổng tài sản 11,3 tỷ USD theo xếp hạng của Forbes 2014 đã chọn cách nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An – nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, rồi đến hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart (sau đó đổi tên thành B’mart – thương hiệu lâu đời của BJC).

Không dừng lại ở những hệ thống trên, giữa 2014, công ty này đã tạo bất ngờ khi công bố chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Đây được xem là vụ mua bán – sáp nhập (M&A) quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay, khi Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm 2012 – 2013 đạt hơn 690 triệu USD.

Mới đây, tin tức từ Reuters cho biết, Central Group – một tập đoàn của Thái Lan đã hoàn tất thương vụ mua Big C Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD.

  Nguy cơ hàng Thái 'bóp chết' hàng Việt - Ảnh 3

Hệ thống bán lẻ Big C Việt Nam đã rơi vào tay người Thái.

Central Group là tập đoàn gia đình nổi tiếng tại Thái Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng. Ngoài việc mở các thương hiệu Robinson ở Việt Nam, Central Group cũng đã mua lại 49% cổ phần của hệ thống điện máy Nguyễn Kim thông qua Power Buy, hệ thống điện máy lớn nhất Thái Lan.

Như vậy, hai hệ thống bán lẻ lớn là Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam đã rơi vào tay người Thái.

Theo ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Marketing Saigon Co.op, áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ sẽ ngày càng tăng trong thời gian tới. Bởi lẽ, việc doanh nghiệp Thái Lan mua lại Big C có nghĩa là người Thái sẽ “chiếm” thêm thị phần phân phối, gây áp lực cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan lên hàng Việt Nam.

Nguy cơ lâu dài

Như vậy, vừa mua xong hệ thống Metro Cash & Carry tại Việt Nam từ người Đức, người Thái mua tiếp hệ thống Big C Thái Lan từ người Pháp và dường như những thương vụ chuyển nhượng giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD của người Thái trong lĩnh vực bán lẻ chưa dừng lại.

Nhiều ý kiến cho rằng hàng hóa Thái Lan tràn vào Việt Nam là chuyện bình thường, phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, cuộc tấn công ồ ạt “thượng vàng hạ cám” của hàng hóa cũng như các hệ thống bán lẻ Thái Lan lại một lần nữa đặt doanh nghiệp Việt trước bài toán cạnh tranh sống còn ngay trên sân nhà.

Ngay tại cổng chính Siêu thị Metro, khách hàng bắt gặp một khu vực chuyên bày bán hàng hóa Thái Lan rất ấn tượng, thu hút nhiều người tham quan mua sắm. Tại đây bán đủ các mặt hàng Thái từ hàng gia dụng, quần áo đến thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm. Người Thái đã dành vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất của siêu thị này để trưng bày hàng hóa của họ.

Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ hoàn toàn, hàng chở từ Thái Lan về Hà Nội hoàn toàn giống hàng chở từ Hải Phòng về Hà Nội. Trong khi đó, một lãnh đạo trong ngành nông nghiệp cũng cho biết, thời gian tới, dân Việt sẽ mua được thịt gà tươi của Thái ở Việt Nam giống như mua ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) bởi thịt gà vận chuyển từ Thái về Việt Nam chỉ mất 4 tiếng đồng hồ.

Trước thực trạng này, doanh nghiệp, người nông dân trong nước không còn cách nào khác phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất, chủ động tìm kênh phân phối… để giữ vững và phát triển thị trường. Với rau quả ngoại ồ ạt vào Việt Nam, cơ quan chức năng cũng phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra chất lượng của các lô hàng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng .

Ông Vũ Vĩnh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ với Zing.vn: “50% thị phần bán lẻ rơi cả vào tay người Thái, thị trường bán lẻ nội địa đã “chết tới ngang vai’”.

“Tôi đã nói tới nhiều lần, khi người Thái sẽ chiếm thị phần 50% thì đừng coi thường. Cả người sản xuất và tiêu dùng trong nước sẽ trở thành người làm thuê, gia công trên chính tiềm năng, tài nguyên của đất nước mình để họ canh tác” – ông Phú chia sẻ.

Kiều Hương (T.H)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.