Hiệp ước cho phép NATO diễn tập huấn luyện trong lãnh thổ Thụy Điển phản ánh mối lo ngại của Stockholm với Moscow và là bước dạo đầu trong tiến trình gia nhập NATO.
Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc khủng hoảng miền đông Ukraine, mối quan hệ Nga-Thụy Điển ngày càng trở nên căng thẳng.
Máy bay Nga bị cáo buộc nhiều lần khiêu khích Thụy Điển trong khi một tàu ngầm nước ngoài bị nghi là của Nga, xuất hiện ngoài khơi Stockholm hay việc đóng cửa không phận nước này hồi năm ngoái.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thổi bùng lên căng thẳng bằng tuyên bố trên báo Thụy Điển Dagens Nyheter rằng, Moscow sẽ áp dụng “mọi biện pháp cần thiết” nếu như một Thụy Điển vốn trung lập quyết định gia nhập NATO.
Tàu tấn công nhanh của hải quân Thụy Điển tuần tra ở khu vực bán đảo Stockholm. |
Ngày 25/5 vừa qua, Quốc hội Thụy Điển đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn hiệp ước cho phép NATO dễ dàng tiến hành các hoạt động trong quốc gia này.
Hiệp ước này cho phép NATO có thể sử dụng lãnh thổ Thụy Điển cho các hoạt động diễn tập huấn luyện hoặc trong trường hợp xung đột xảy ra trong khu vực.
Vai trò của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine và thách thức an ninh trên biển Baltic đã buộc Stockholm phải thay đổi thái độ trung lập vốn đã duy trì trong 200 năm qua. Thỏa thuận này đẩy Thụy Điển đến gần hơn liên minh NATO hơn bao giờ hết.
“Đây là một dấu hiệu hết sức thực tế”, ông Magnus Nordenman, Giám đốc Sáng kiến An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Hội đồng Đại Tây Dương nói trên Foreign Policy (FP). “Thỏa thuận giúp làm rõ vai trò của Thụy Điển trong một cuộc khủng hoảng hoặc chiến tranh trong khu vực”.
Việc bỏ phiếu dễ dàng được thông qua với đa số phiếu thuận, nhưng tranh luận trong quốc hội Thụy Điển đã cho thấy sự khó khăn của Stockholm trong việc xây dựng quan hệ với Nga và phương Tây.
Trước thời điểm bỏ phiếu, có tin đồn rằng Đảng đối lập và Đảng Dân chủ Thụy Điển sẽ đề nghị xem xét lại dự luật, trì hoãn thêm khoảng một năm nữa. Tuy nhiên đến phút cuối cùng, Đảng Dân chủ Thụy Điển lại đồng ý ủng hộ thỏa thuận hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với NATO.
“Đây là bước tiến lớn, làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Thụy Điển và NATO”, ông Nordenman nói. “Nhưng vẫn chưa đạt đến mức để Thụy Điển gia nhập NATO. Đa số quan điểm trong nội bộ Thụy Điển vẫn còn do dự”.
Cả Thụy Điển và quốc gia láng giềng Phần Lan hiện vẫn chỉ đang xem xét việc gia nhập NATO. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Helsinki và Stockholm ngày càng xích lại gần nhau trong một liên minh quân sự và quan điểm đưa ra hết sức rõ ràng, hoặc là cả hai gia nhập NATO hoặc là không.
Tuy vậy, bước tiến để trở thành thành viên NATO là không hề dễ dàng với cả hai nước, do sức ép trong nước về quan hệ với Nga mà không khiến cho Moscow tức giận.
Tỷ lệ người dân Thụy Điển ủng hộ việc gia nhập NATO đã tăng lên trong vài năm qua nhưng nhiều người vẫn còn do dự. Thống kê năm 2015 do báo Thụy Điển Svenska Dagbladet công bố cho thấy, 41% người dân Thụy Điển ủng hộ gia nhập NATO, trong khi 39% phản đối và 20% chưa quyết định.
Đối với Phần Lan, chỉ khoảng 25% ủng hộ nước này gia nhập NATO. Theo các nhà phân tích, mặc dù tỷ lệ ủng hộ không có dấu hiệu tăng đột biến kể từ sau khủng hoảng Ukraine nhưng số người chưa quyết định đã tăng đáng kế.
“Vẫn còn nhiều tranh cãi trong nội bộ hai nước nhưng tỷ lệ người chưa quyết định tăng lênh cho thấy một dấu hiệu của sự thay đổi đang diễn ra”, ông Robbie Gramer, Phó Giám đốc Sáng kiến An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Hội đồng Đại Tây Dương nói với FP. “Đây là khúc dạo đầu cho một sự khởi đầu trở thành thành viên NATO”.
Đăng Nguyễn