Thông tin về chiếc trực thăng bí ẩn xuất hiện ở điện Kremli cuối năm 2015 được dư luận quan tâm. Mi-35MS được coi là trực thăng tốc độ cao giúp Nga đột phá lên tầm cao mới trong công nghệ khí động học
Cuối năm 2015, một số người tỏ ra ngỡ ngàng khi thấy chiếc trực thăng quân sự tối mật Mi-35MS của quân đội Nga xuất hiện ở điện Kremlin, Moscow.
Cho tới nay, rất nhiều thông tin về chiếc trực thăng bí ẩn này vẫn đang được dư luận quan tâm. Mi-35MS được coi là trực thăng tốc độ cao giúp Nga đột phá lên tầm cao mới trong công nghệ khí động học và hệ thống điện tử.
Trực thăng tốc độ của tương lai
Chuyên gia phân tích Quốc phòng Tyler Rogoway của chuyên trang vũ khí Foxtrot Alpha nhận định: “Được sản xuất bởi công ty trực thăng nổi tiếng Rostvertol, Nga đã sử dụng mẫu trực thăng Mi-24K Hind làm nền tảng để phát triển mẫu trực thăng tốc độ cao tương lai (PSV) – Mi-35MS.
“Cha đẻ” dòng trực thăng Mi đã thiết kế rút gọn cấu hình trực thăng tấn công hai phi công sang thiết kế công nghệ chỉ cần một phi công lái.
Bề ngoài của Mi-35MS không có nhiều thay đổi so với Mi-35M, ngoại trừ điểm khác biệt ở mũi máy bay, hệ thống radar, cảm biến đã chiếm chỗ của khẩu pháo tự động 23mm.
Đặc biệt, với thiết kế chủ yếu mang nhiệm vụ vận tải quân sự, Mi- 35MS đã thực sự đạt được hiệu suất bay cao và khả năng cơ động so với các dòng Mi trước đây của Nga”.
Hình ảnh của trực thăng MI-35MS được chụp hồi cuối năm ngoái. |
Nhiều công nghệ mới đã được tích hợp vào Mi-35MS để mang lại đột phá trong việc điều chỉnh tốc độ bay gồm các thiết kế cánh quạt làm bằng sợi thủy tinh và cánh đuôi hình chữ X. Hai cánh quạt được thiết kế đầu cong nhằm mục đích cải thiện vận tốc và tăng sự ổn định khi bay ở tốc độ cao.
Thiết kế cánh quạt này giúp Mi-35MS đạt vận tốc 357–359km/h, hơn 30% so với tốc độ Mi-24/35 Hind mà vẫn mang một số lượng lớn tên lửa. Bộ Quốc phòng Nga hy vọng, với việc sử dụng công nghệ mới này, trực thăng Nga sẽ đạt tốc độ tối đa 400km/h, phá vỡ kỷ lục 333km/h của các dòng trực thăng truyền thống.
Các chuyên gia quân sự cũng nhận định, Mi-35MS sử dụng động cơ Klimov VK-2500 công suất 2.400 mã lực, vốn được sử dụng trên các dòng trực thăng tấn công tối tân nhất của Nga hiện nay như KA-50 Cá mập đen , KA-52 Cá sấu và Mi-28 Kẻ hủy diệt.
Nga cũng cho cải tiến hệ thống điện tử khi tích hợp buồng lái có khả năng nhìn ban đêm và một thiết bị dẫn đường vệ tinh GLONASS/GPS. Bộ phận cảm biến cũng nâng cấp giúp cho trực thăng quân sự tối mật Mi-35MS có thể quan sát ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết.
Tuy nhiên, Mi-35MS không được trang bị hệ thống vũ khí. Ở vị trí thường dùng để treo rocket và tên lửa là các bình nhiên liệu dùng cho chuyến bay dài và bộ phận cảnh báo tên lửa khi có nguy hiểm. Ở phần đầu trực thăng, dưới buồng lái vốn là nơi gắn súng máy được trang bị một radar lớn với hệ thống liên lạc được đặt dọc theo khung máy bay.
Cũng theo một số nguồn tin, Mi-35MS được đánh giá là một trực thăng đa năng khi sử dụng nhiều trong việc chở các quan chức cấp cao của quân đội Nga. Cabin Mi-35MS có nội thất hiện đại và sang trọng, nhưng chỉ có thể chứa được tối đa 5 người.
Một hệ thống điện tử mới cũng được thử nghiệm trên chiếc trực thăng độc đáo này, trong đó có hệ thống thiết kế mở kiểu mô-đun (hệ thống mở giúp cải thiện an toàn bay và giảm thiểu đáng kể chi phí sản xuất) do hãng KERT của Nga phát triển.
Trực thăng Mi-35MS được cho là điểm khởi đầu và sẽ là một giải pháp nâng cấp hợp lý cho các phi đội trực thăng hiện nay của Nga, tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự nhận định, chiếc trực thăng này khó có thể tạo nên bước đột phá như kỳ vọng của bộ Quốc phòng Nga.
S-97 Raider, “đối thủ” tốc độ với Mi-35MS của Nga
Trang mạng Foxtrot Alpha cũng nhận định: “Các nhà sản xuất vũ khí Nga luôn muốn thực hiện những dự án dài hạn nhằm gia tăng tốc độ cho trực thăng. Các hãng sản xuất trực thăng MIL và Kamov phải bắt kịp công nghệ cánh quạt đẩy và công nghệ cánh xoay tương tự như trên trực thăng S-97 Raider hay V-280 Valor của Mỹ”.
Cận cảnh trực thăng trinh sát vũ trang siêu tốc S-97 Raider của Mỹ. |
Trực thăng S-97 Raider được phát triển bởi công ty Sikorsky với nguyên mẫu trực thăng vũ trang siêu tốc. Mỹ tuyên bố, chiếc trực thăng này sẽ là đột phá về tốc độ và đạt tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối. Không giống như Mi-35MS, S- 97 Raider sẽ được cung cấp cho lực lượng vũ trang Mỹ phục vụ chiến đấu trong tương lai.
Thiết kế cánh quạt đồng trục kết hợp động cơ đẩy phía sau sẽ giúp trực thăng S-97 đạt được tốc độ thử nghiệm lên tới 220 dặm/h (tương đương 407km/h), tức nhanh hơn khoảng 92km/h so với tốc độ lớn nhất của các trực thăng thông thường hiện nay.
Cùng đạt tốc độ cao nhưng Mi-35MS không hề “nhái lại” thiết kế của S-97 Raider khi sử dụng chất liệu cánh quạt làm bằng sợi thủy tinh với thiết kế đầu cong. Với khả năng bay như vậy, S-97 Raider vẫn thực sự là một “đối thủ” tốc độ với chiếc trực thăng tối mật của Nga.
Bên cạnh đó, nói về chức năng thì S-97 Raider được đánh giá đa năng không kém trực thăng quân sự tối mật của Nga. Trực thăng tốc độ của Mỹ có khả năng mang một loạt các vũ khí như tên lửa Hellfire, rocket 2,75 inch, cũng như 1 khẩu súng máy cỡ nòng 7,62mm.
Ngoài ra, khoang lái còn có 6 chỗ ngồi, bên cạnh đó là khoang chứa nhiên liệu phụ và đạn dược. S-97 không cần tiếp nhiên liệu. Khả năng hoạt động Raider có thể thực hiện nhiệm vụ trong gần 3 giờ liên tục trên một phạm vi hơn 373 dặm mà
Chuyên trang vũ khí quân sự Army Technology nhận định, S-97 Raider nhanh hơn hầu hết các loại trực thăng thông thường trên thế giới, bởi phần cánh quạt cân bằng với đuôi của nó đã được thay thế bằng một cánh quạt đẩy, kết hợp với thiết kế cánh quạt nâng đồng trục, giúp trực thăng có thể bay với tốc độ nhanh hơn.
Mỹ đã chi ra hàng triệu USD cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ máy bay siêu tốc của ngành công nghiệp hàng không Mỹ nhằm ra đời S-97 Raider.
Về phía Nga, hiện nay đang chịu sức ép lớn về kinh tế với các lệnh trừng phạt, cấm vận từ phương Tây. Nếu bộ Quốc phòng Nga quyết tâm theo đuổi dự án Mi-35MS, chiếc trực thăng tốc độ cao này có thể mang lại nhiều giá trị. Nó sẽ giúp Nga rút ngắn thời gian nâng cấp, cải tiến các trực thăng hiện nay và phát triển một loại trực thăng tốc độ cao hoàn toàn mới.
Bản thân sự ra đời của Mi-35MS cũng khiến các khách hàng mua trực thăng trên thế giới ưa chuộng hơn khi sử dụng vận hành dễ dàng, tiết kiệm, tích hợp ít chức năng mà vẫn đạt được tốc độ khủng như một máy bay chiến đấu.
Mi- 35MS đã tạo khác biệt so với các thế hệ trực thăng Mi trước đây khi có bước đột phá về công nghệ, Nga đã từng bước hoàn thiện và cho ra đời các thế hệ máy bay tiên tiến phục vụ nhiều mục đích khác nhau để bắt kịp xu thế thế giới.
Phương Anh (Theo Army Technology, Foxtrot Alpha)