Dưới bàn tay tài hoa của kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha, tuyến đường Hồ Xuân Hương (thị xã Sầm Sơn) sẽ lột xác thành con đường ven biển kiểu mẫu, không gian ven biển điển hình, đẹp bậc nhất.
“Tận mắt” ngắm kỳ quan trước giờ G
Có mặt tại Sầm Sơn những ngày cuối tháng 2/2016, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi diện mạo biển Sầm Sơn mùa đông đẹp đến ngỡ ngàng với bãi cát dài, thoải rộng đón những con sóng bạc tung trắng xoá. “Mùa hè người chen người, thêm vào đó các kiot ven biển choán gần hết tầm nhìn nên biển Sầm Sơn trông chật hẹp và không khỏi nhếch nhác. Mùa này người tắm biển không có, các kiot đã được giải phóng đã trả lại vẻ đẹp vốn có của biển Sầm Sơn”, anh Vũ Tiến Biển, sinh năm 1989, người xã Quảng Cư, Sầm Sơn (Thanh Hoá), lái xe điện chở chúng tôi đi dọc con đường ven biển Hồ Xuân Hương lý giải.
Ảnh 3D phối cảnh một đoạn đường bờ biển Sầm Sơn trong hơn 1 tháng nữa. |
Quả thật, hình ảnh mới mẻ này của biển Sầm Sơn đến từ tầm nhìn không bị choán lấp từ đường Hồ Xuân Hương. Tuyến đường dài 3,5 km từ khu vực Resort Vạn Chài đến chân đền Độc Cước vốn dĩ rất sầm uất trong 3 tháng mùa hè giờ đang trong giai đoạn chỉnh trang để trở thành con đường ven biển đẹp bậc nhất Việt Nam với không gian biển do kiến trúc sư nổi tiếng người Tây Ban Nha kiến tạo.
Trong cái gió ào ạt thổi từ biển lạnh cóng, những tốp công nhân của nhà thầu FLC đang hăng say, miệt mài làm việc. Diện mạo con đường mới đã dần hiển hiện, các phân khu chức năng như quảng trường tâm linh, công viên biển, quảng trường biển, vườn hoa bốn mùa, quảng trường nhạc nước, SeaClub, khu vui chơi trẻ em… cũng bắt đầu mọc lên.
“Chúng tôi không chỉ kiến tạo một con đường ven biển mà còn tạo dựng một không gian biển kiểu mẫu, đầu tiên ở Việt Nam với các phân khu chức năng phục vụ du khách và người dân theo quy chuẩn không gian biển quốc tế”, ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, “chỉ huy trưởng” trên công trường xây dựng không gian ven biển đường Hồ Xuân Hương tự tin khẳng định.
Cuộc “lột xác” ngoạn mục cho du lịch Sầm Sơn
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, chúng tôi được biết, Dự án không gian ven biển đường Hồ Xuân Hương là tâm huyết của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá, song qua nhiều lần lựa chọn các phương án và nhà thầu vẫn không “đi đến chung kết” cho tới tháng 10/2015, tỉnh Thanh Hoá đã “bị thuyết phục” bởi phương án hợp lý của Tập đoàn FLC – nhà đầu tư lớn nhất tại tỉnh – hiện là chủ đầu tư khu du lịch 5 sao FLC Sầm Sơn và khu công nghiệp FLC Hoàng Long cùng nhiều dự án khác.
Ông Đặng Tất Thắng, Phó TGĐ Tập đoàn FLC xác nhận, đơn vị này đã lập quy hoạch và được lựa chọn là nhà thầu thực hiện dự án, theo hình thức BOT. Tổng kinh phí thực hiện dự án theo công bố là 250 tỷ đồng.
Để “lột xác” cho con đường Hồ Xuân Hương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, vận động và có cơ chế hỗ trợ hợp tình, hợp lý cho các hộ kinh doanh kiot cũ trên tuyến đường và giao mặt bằng sạch cho nhà thầu chỉ trong vòng 1 tháng.
FLC đã góp phần thay đổi diện mạo du lịch biển Sầm Sơn. |
“Sau khi được giao mặt bằng, chúng tôi đã làm việc không quản ngày đêm và với tiến độ này, đầu tháng 4/2016, dự án sẽ cơ bản hoàn thành và đi vào sử dụng”, ông Thắng cho biết và thông tin thêm: sau khi hoàn thành, FLC sẽ đảm trách phần quản lý, đảm bảo vệ sinh trên bãi biển cũng như tuyến đường, người dân và khách du lịch được tắm biển và sử dụng các công trình công cộng, các tiện ích trong không gian ven biển miễn phí.
“Vậy đổi lại FLC được khai thác những gì”? trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Đặng Tất Thắng chân thành chia sẻ “chúng tôi chỉ khai thác 15 điểm hubway (bán cà phê phục vụ du khách và nhân dân) và 20 điểm tắm tráng”. Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của phóng viên trước phương án đầu tư “bỏ bạc tỷ đổi tiền cắc”, ông Thắng cười: “hiệu quả đầu tư đúng là không cao song đổi lại biển Sầm Sơn sẽ đẹp hơn, du lịch Sầm Sơn sẽ hấp dẫn du khách hơn, không còn là du lịch một mùa mà là bốn mùa. Khi ấy, khu du lịch FLC Sầm Sơn của chúng tôi cũng không còn đơn độc, kiểu “khu nhà giàu cô đơn”.
Cũng theo ông Đặng Tất Thắng thì sở dĩ FLC “trúng thầu” là do phương án tối ưu và doanh nghiệp này xác định ngay từ đầu rằng “không đặt lợi nhuận lên trên hết mà đặt mục tiêu hàng đầu là góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch Thanh Hoá.” “Quan điểm của nhà đầu tư FLC chúng tôi khi đầu tư vào Thanh Hoá là không chỉ đầu tư vào dự án của mình mà còn muốn đầu tư vào hạ tầng của tỉnh, khi xung quanh tốt lên thì dự án của chúng tôi cũng tốt hơn”, ông Thắng nói.
Thay lời kết
Tất cả các vùng du lịch biển của nước ta từ Đà Nẵng, Nha Trang tới Vũng Tàu đều từng trải qua giai đoạn cải tạo để có được con đường ven biển đẹp như hiện nay và Sầm Sơn có lợi thế của người đi sau để kiến tạo một mô hình mới, đầu tiên, đẹp hơn, hiện đại hơn những con đường đi trước.
Và cũng như bất cứ sự thay đổi nào, dự án cũng từng có những ý kiến trái chiều, những người dân buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh, dẹp những kiot quen thuộc để nhường chỗ cho mô hình văn minh hơn, những bãi cá, bến thuyền nằm trong bãi tắm của du khách cũng buộc phải di dời sang nơi khác để nhường chỗ cho bãi tắm văn minh, sạch đẹp. Ở góc độ nào đó, Sầm Sơn sẽ đẹp hơn lên nhờ sự hy sinh thầm lặng của những mô hình cũ cho sự phát triển mới và trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như nhà đầu tư là đào tạo lại nhân lực để người dân chuyển đổi công việc phù hợp. “Chúng tôi đã và đang làm tốt việc này”, ông Thắng nói với nhóm phóng viên lúc chia tay và chỉ cho chúng tôi thấy những nhân viên của khu du lịch FLC Sầm Sơn là người bản địa đang mỗi người mỗi việc với gương mặt tươi tắn, trách nhiệm, say mê với công việc mới…
Tháng 4 này, Sầm Sơn sẽ khoác lên mình bộ cánh mới và những người con của làng chài như anh chàng tên Vũ Tiến Biển cũng đã “lên bờ” để thành nhân viên của khu du lịch FLC Sầm Sơn. “Nếu không có FLC thì thanh niên chúng em hầu hết sẽ lập nghiệp xa quê, đi Nam hoặc xuất khẩu lao động. Có thêm dự án mới, thanh niên chúng em sẽ không còn phải tha phương cầu thực”, cô gái Đặng Thị Thanh, sống cách con đường Hồ Xuân Hương một sải tay giờ là nhân viên bộ phận mua hàng của khách sạn FLC Hotel Sầm Sơn cũng thành thực chia sẻ.
“Cái được” của những nhà đầu tư như FLC, thiết nghĩ, còn ở những “giá trị cộng thêm” nhân văn như thế…
Ngân Hà