Chi hàng chục tỉ đồng, thậm chí đến 40 – 50 tỉ đồng cho một siêu xe nhưng hầu hết những chiếc xe này khi về Việt Nam lại “đắp chiếu” trong nhà nhiều hơn là đi trên đường.
Đua nhau sắm siêu xe… về “đắp chiếu”
Nhưng mỗi khi xe gặp sự cố hay có vấn đề gì thì chủ nhân của nó cũng hết sức khổ sở vì thiếu đồ thay thế. Hiện nay không ít đại gia có tâm lý mua xe để cho “bằng người” chứ không phải để sử dụng.
Đầu năm 2016, thông tin về mấy chiếc xe sang có giá 30 – 40 tỉ đồng về Hà Nội chưa lắng xuống thì tại TP.HCM, liên tiếp các xe sang cũng cập cảng. Sau 3 chiếc Ferrari 448 GTB về đến TP.HCM với giá đã bao gồm thuế lên tới khoảng 17 tỉ đồng đã được chủ nhân rước về thì một đại gia tên T.H.P. khiến dư luận dậy sóng với việc chi 25 tỉ đồng để tậu con Bentley Mulsanne Speed phiên bản 2016.
Chiếc Lamborghini Huracan thứ 5 trong tổng số 9 chiếc có mặt tại Việt Nam đã gặp tai nạn vào ngày 3/3 vừa qua trên cao tốc TP.HCM – Long Thành, ước tính chi phí sửa xe khoảng gần 1 tỉ đồng. |
Nếu như các tay chơi lắm tiền nhiều của, chơi xe đặt từ nước ngoài thì một số đại gia lại chọn xe sản xuất cho thị trường Việt Nam. Một đại gia khác ở Sài thành cũng vừa sở hữu chiếc Mercedes-AMG S65 với giá gần 13 tỉ đồng. Đây là chiếc thứ 5 mà Mercedes đã bán được tại thị trường Việt Nam đối với dòng xe này.
Việc xe sang về Việt Nam không còn là chuyện hiếm, kể cả những siêu xe có giá lên đến vài chục tỉ đồng. Chuyện dư luận ta quan tâm hiện nay chính là chủ nhân đưa xe về Việt Nam để làm gì, việc “nuôi, hầu” nó như thế nào? Bởi đây là một tài sản khổng lồ, chỉ cần mất gương hay xước sát nhẹ cũng phải chi cả chục thậm chí trăm triệu đồng để sửa.
Một thực tế cho thấy, xe sang về Việt Nam thường làm cảnh và “đắp chiếu” là chính. Đó là nhận định của những người am hiểu về dòng xe này. Ông Đ.T.H. từng sắm con Mercedes-Maybach S600 trị giá gần 10 tỉ đồng nhưng chủ yếu là để “làm hàng” trong một tiệm vàng trước cửa nhà tại TP.HCM.
“Đi ra đường thì sợ mất cắp từ gương chiếu hậu cho tới biển số xe. Rồi thêm nỗi sợ trầy xước thường trực vì đường TP.HCM hết sức chật chội. Thêm nữa, ý thức tham gia giao thông của người dân Việt Nam rất kém. Họ có thể rẽ ngang ngay trước đầu xe, luồn lách bất cứ chỗ nào có thể.
Xe sang đi ra đường… không phải đầu cũng phải tai, nên để nhà cho lành. Khi nào cần thiết lắm mới mang ra đi”, đại gia H. nói.
Gánh nhiều chi phí khủng
Bên cạnh việc bị mất đồ hay trầy xước thì xe hư hỏng do va chạm là chuyện thường gặp.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Hữu Toàn, chủ gara xe Toàn ở quận 5, TPHCM cho biết: “Mới đây, một nữ đại gia phải thuê xe cứu hộ đưa chiếc BMW i8 giá khoảng gần 10 tỉ đồng đến gara của tôi để sữa chữa. Chị này cho biết, đi trên đường và ngoặt lái thì va vào con lươn quá cao, bị kẹt cứng tại đây.
Tuy nhiên, về đến gara, xe bị hỏng nhiều chi tiết mà đồ thì tôi tìm khắp Sài Gòn và gọi cho các đồng nghiệp ở Hà Nội cũng không có. Thế là chị này đành phải đặt hàng ở hãng bên nước ngoài. Đợi đồ nhập về, xe phải ngâm tại gara mấy tháng trời”.
Chuyên gia về xe ôtô Nguyễn Thành Vinh (quận 3, TP.HCM) cho rằng, các siêu xe thường không thiết kế cho đặc thù giao thông và khí hậu tại Việt Nam. Bởi đa phần các siêu xe này được thiết kế cho thị trường châu Âu, Mỹ, các nước Trung Đông là chính. Ở đó đường tốt nên xe thường được thiết kế gầm thấp. Còn tại Việt Nam, chất lượng đường kém, hay có ổ gà, là những mối nguy hiểm của siêu xe”.
Thực tế, tại TP.HCM có rất nhiều siêu xe nhưng rất ít khi thấy tham gia lưu thông trên đường. |
Ông Vinh cho biết thêm: “Đó là chưa kể đến việc xe thường xuyên phải leo lên vỉa hè. Ở Việt Nam, khoảng cách giữa đường và vỉa hè rất cao. Khi lên, xuống vỉa hè, xe thường bị đụng làm hỏng hóc dẫn đến móp méo, trầy xước.
Bên cạnh đó, khí hậu tại Việt Nam rất thất thường, trong khi nhiều chi tiết của xe không được thiết kế theo khí hậu nhiệt đới cho nên nó dễ bị hư hỏng. Một khi hư hỏng những chi tiết này, thường chủ nhân phải đặt hàng tại hãng nước ngoài, chứ ở Việt Nam thì hoàn toàn không có”.
Sắm siêu xe để rồi phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, và “gánh” thêm nhiều chi phí khủng khác trong quá trình sử dụng, bảo dưỡng. Thế nhưng, trào lưu này không vì thế mà dừng lại. Nhiều đại gia vẫn thi nhau mua xe, thuê hẳn người để “hầu” xe như… ông hoàng, bà tướng.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Nguyễn Minh Thông, viện Khoa học xã hội Nam Bộ phân tích: “Việc sắm xe siêu sang tại Việt Nam đang là mốt của một số người lắm tiền, nhiều của. Họ thường thể hiện mình là dân chơi đẳng cấp và điều đó cũng được thể hiện qua các chi tiết của chiếc xe.
Thậm chí, tên của họ, rồi hình tượng con rồng được chạm khắc tinh vi trước đầu xe, trên vô lăng… Nhiều ông chủ của các doanh nghiệp muốn đánh bóng thương hiệu của mình bằng xe sang. Khi đó, thương hiệu của họ cũng được dán lên chiếc xe, khiến ai nhìn cũng phải trầm trồ”.
TS Thông chia sẻ: “Chơi xe sang, siêu sang là quyền của mỗi người, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, ở Việt Nam hoặc một số nước mới nổi, người ta mới quá chú tâm vào việc chơi xe sang. Bởi một điều dễ thấy là những người giàu trên thế giới có uy tín họ ít khi chơi xe sang mà thay vào đó họ thường dùng số tiền của mình kiếm được để làm việc khác.
Ví như tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft và là một trong những người giàu nhất hành tinh, tuy có hẳn một bộ sưu tập xe nhưng đó chỉ là dòng Porsche. Trong đó, đáng chú ý nhất là chiếc 959 Coupe đời 1988, thuộc dòng khá hiếm. Tại thời điểm mua, chiếc xe này cũng chỉ có giá khoảng trên 200 ngàn USD (tương đương hơn 4,4 tỉ đồng)”.
Hay như tỷ phú Larry Page, nhà đồng sáng lập của Google, ngoài việc sở hữu một chiếc xe đạp điện, một chiếc Toyota Prius thì ông cũng có siêu xe nhưng đó là chiếc xe điện Tesla Roadster với giá 109 ngàn USD (tương đương 2,4 tỉ đồng mà thôi.
Trong khi đó, họ đã làm rất nhiều việc có ích. Ví như Bill Gate thì hẳn nhiều người đã biết, ông đã cam kết hiến gần như toàn bộ tài sản của mình để làm việc thiện. “Vì thế tôi cho rằng, các đại gia Việt Nam chỉ cần bỏ ra một ít, bằng 1/10 tài sản của họ để làm việc thiện nguyện thì sẽ hay hơn rất nhiều”, TS. Thông nói..
Chi 10 ngàn tỉ mua siêu xe Theo một thống kê của cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2015, các đại gia Việt Nam đã chi ra khoảng 10 ngàn tỉ đồng (tương đương1/2 tỉ USD) để sắm 130 xe sang, có giá từ 7-50 tỉ đồng/chiếc. Với dòng xe siêu sang, thương hiệu Rolls Royce có 7 chiếc, trong đó có 3 chiếc Rolls Royce Phantom, giá rẻ nhất khoảng 30 tỉ đồng và đắt nhất tới gần 50 tỉ đồng/chiếc; cùng với 4 chiếc Rolls Royce Ghost có giá từ 17-20 tỉ đồng/chiếc. Thương hiệu Bentley tiêu thụ 4 chiếc, trong đó bản Musanne Speed 2016 có giá khoảng 25 tỉ đồng/chiếc. |
Thanh Tùng