Ông Htin Kyaw, trợ thủ thân cận của bà Aung San Suu Kyi, đã trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar kể từ năm 1960 sau khi giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa lịch sử.
Ông Htin Kyaw, trợ thủ thân cận của bà Aung San Suu Kyi, đã trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar kể từ năm 1960 sau khi giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Truyền thông Myanmar cho biết, ông Htin Kyaw (69 tuổi) đã giành được 360/652 phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu ngày 15/3, đánh bại hai ứng cử viên gồm tướng về hưu Myint Swe (213 phiếu, người do quân đội đề cử) và ông Henry Van Thio (79 phiếu, cũng của Đảng NLD).
Htin Kyaw (69 tuổi) đã giành được 360/652 phiếu bầu trong cuộc bỏ phiếu ngày 15/3. |
Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ trở thành Tổng thống Myanmar và đánh dấu sự chấm dứt sự cầm quyền của chính phủ quân sự tồn tại trong hơn nửa thế kỷ qua.
Theo tờ Channel News Asia của Singapore, nhiều người Myanmar đã vỡ òa trong nước mắt khi biết kết quả của cuộc bỏ phiếu.
Nhiều tin nhắn chúc mừng cũng đã được chia sẻ trên các trang mạng xã hội bày tỏ sự ủng hộ đối với tân Tổng thống.
Ông Htin Kyaw là con của nhà thơ, học giả nổi tiếng Min Thu Wun và con rể của U Lwin, đồng sáng lập Đảng NLD.
Ông cũng là một đồng minh tin cậy của bà Aung San Suu Kyi, người luôn bên cạnh bà kể cả lúc khó khăn lẫn khi dẫn dắt Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) tới chiến thắng bầu cử lịch sử.
Giới truyền thông mô tả Tân Tổng thống Myanmar là người phong cách trầm tĩnh, mềm mỏng và có uy tín rất cao vì đức tính trung thành, trung thực, có trình độ học vấn cao và từng theo học tại châu Âu.
Chiến thắng của ông Htin Kyaw được xem là một tin mừng đối với tiến trình cải cách theo dân chủ của Myanmar, tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo con đường này vẫn còn rất nhiều thách thức.
Một số nhóm lợi ích (quan chức chính quyền kết hợp với doanh nhân) vẫn phản đối quyết liệt các chính sách cải cách vì lợi ích riêng của họ.
Ông Bo Kyi, thư ký Hội Tương trợ tù chính trị Myanmar, thì cho rằng Tổng thống mới sẽ “không có nhiều quyền hạn” vì ông không thể quyết định về các vấn đề an ninh. Tổng tư lệnh quân đội mới là người có quyền nhất trong vấn đề này.
Sau khi tân tổng thống Myanmar nhậm chức, chắc chắn quân đội sẽ tiếp tục duy trì quyền hạn nhất định trong guồng máy mới vận hành, ông nói thêm.
Nhà phân tích Tridivesh Singh Maini ở Học viện Quan hệ quốc tế Jindal (Ấn Độ), cho rằng cách tốt nhất để phát huy dân chủ ở Myanmar là hợp tác trong công việc nhưng không nhất thiết phải quỵ lụy quân đội.
Cho đến thời điểm này, bà Suu Kyi đã giữ thái độ hết sức hòa giải và sẵn sàng tham vấn quân đội khi cần thiết.
Hoàng Hải