Giữa lúc nghề chạm bạc Đồng Xâm rơi vào suy thoái đến tan nát thì anh thanh niên Đặng Văn Tuất (Lê Lợi – Kiến Xương – Thái Bình) lại nung nấu quyết tâm làm giàu…
Đồng Xâm là một làng nghề có sức sống kì lạ. Trong khi cơn bão thị trường cuốn bay nhiều làng nghề thì Đồng Xâm lại xuyên qua cơn bão ấy, vững vàng đi lên như một ngoại biệt. Trải qua hơn 500 năm “vật đổi sao dời”, nghề chạm bạc hiện nay ở Đồng Xâm tuy đã có phần thưa thớt, nhưng tiếng búa tiếng khò vẫn rộn rã trong nhiều hộ gia đình. Lớp nghệ nhân trẻ đã tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông. Nhiều người thành tỷ phú.
Làng nghề Đồng Xâm nay trải rộng ra ba xã Hồng Thái, Lê Lợi, Trà Giang (Kiến Xương – Thái Bình) không chỉ có tôn chỉ và mục đích của một làng nghề đích thực mà nhiều năm nay, đã được khẳng định thương hiệu.
Từ hai bàn tay trắng đến doanh thu chục tỷ
Chúng tôi tìm đến nhà anh Đặng Văn Tuất (45 tuổi, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) vào buổi sáng giữa đông. Trong bộ đồ lao động giản dị, anh Tuất không có dáng vẻ của một ông chủ. Dù, theo giới thiệu của anh Lê Văn Hiển – Phó chủ tịch xã Lê Lợi, anh Tuất hiện là một tỷ phú của làng nghề, thu nhập mỗi năm ngót nghét… chục tỷ.
Hai thợ chạm đang hoàn thành bức “Bát mã tung hoành” nổi tiếng. |
“Hầu như mọi hộ ở làng đều biết chạm bạc. Nhà ít nhất cũng chạm vài chục sản phẩm mỗi năm”, anh Tuất mở đầu câu chuyện. Theo anh, nghề chạm bạc Đồng Xâm có từ rất lâu đời, trải bao biến cố thăng trầm, nay khởi sắc trở lại. “Nghe các cụ kể tổ nghề là ông Nguyễn Văn Lâu. Từ khi tổ truyền nghề cũng ngót nghét 600 năm”, anh nói.
Thấm đẫm từng tiếng đục tiếng đẽo từ thuở cha sinh mẹ dưỡng, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Tuất đã nung nấu ý định “phải làm gì đó”. Gần chục năm trước, sau quãng thời gian đi làm thợ thuê, tích cóp được chút vốn liếng, anh Tuất quyết định đứng ra mở xưởng.
Tạo lập con đường riêng, dù đã ý thức đầy đủ sự vất vả, anh Tuất vẫn không khỏi “choáng” trước chồng chất khó khăn ập đến. Giữa buổi kinh tế khủng hoảng, nhiều làng nghề đi vào ngõ cụt, Đồng Xâm cũng không ngoại lệ. Thay đổi thị trường tác động trực tiếp đến ý thức hệ của người làm nghề, đòi hỏi phải có bước đột phá để thích ứng.
Gian nan thử thách lòng người. Càng khó, càng quyết tâm. Anh Tuất ngày đêm suy nghĩ tìm hướng đi. Chị Nguyễn Thị Bé (41 tuổi), vợ anh Tuất kể: “Đêm nào anh cũng chong đèn tính tính toán toán, ghi chép đến khuya. Trời chưa sáng đã xách xe đi, có khi muộn mới về”. Anh Tuất cười nói: “Không vậy, sao có hệ thống hàng trăm gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm từ Bắc tới Nam như giờ!”
Anh Đặng Văn Tuất đang giới thiệu sản phẩm truyền thống cho khách. |
Thành công đôi khi bắt đầu từ những điều giản dị và sự quyết tâm cao độ. Ông Lê Văn Hiển – Phó chủ tịch xã Lê Lợi nhận xét: “Anh Tuất là người đầy quyết tâm và nhạy cảm với thị trường”. Theo lí giải của anh Hiển thì anh Tuất nỗ lực đi lên từ hai bàn tay trắng. Từng có thời gian làm công cho người khác, sau vài năm mạnh dạn mở xưởng, nay cơ sở của anh Tuất đã vươn lên tốp đầu trong làng.
Những người trong cuộc gắn bó với anh Tuất từ ngày đầu nói thêm rằng thành công của anh hôm nay có công lớn ở người cha đã quá cố. “Cha tôi là một người giỏi nghề, chúng tôi học được từ ông sự say mê và các bí quyết làm nghề”, bà Đặng Thị Thái (56 tuổi) chị gái anh Tuất nói. Bà Đặng Thị Đào (một người chị khác của ông Tuất) vừa bước sang tuổi 52 song đã có gần 40 năm theo nghề cho hay “chạm bạc có kỹ thuật hết sức phức tạp, nên người làng luôn giữ bí mật nghề. Trước đây, một số thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo chỉ được truyền lại theo kiểu cha truyền con nối”.
Bà Đặng Thị Thái và Đặng Thị Đào đang vẽ màu. |
Cả bà Thái và bà Đào trước đây đi chạm thuê cho người khác, song từ khi em trai mở xưởng thì cùng về trợ giúp em. “Cơ sở của tôi hiện có 20 thợ làm thường xuyên và gần chục thợ làm thời vụ. Thu nhập hàng năm khoảng gần chục tỷ, lương trung bình thợ dao động từ 3,4–4 triệu/tháng” – anh Tuất nói.
“Tôi không phải là người có học vấn cao, cũng không phải là người giỏi nghề nhất làng.Thành công đến chỉ vì tôi luôn nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm với nghiệp tổ nghiệp tông”, anh Tuất chia sẻ.
Trăn trở đạo nghề
Nghệ nhân Lê Văn Giới (58 tuổi, Hồng Thái – Kiến Xương) kể lịch sử thăng trầm làng nghề bằng giọng điệu tự hào xen tiếng thở dài tiếc nuối. “Cuộc đời tôi gắn với làng này, với nghề này. Thấy làng nghề phát đạt, thợ chạm bạc sống sung túc thì mừng lắm, song cũng nuối tiếc khi nhiều nét cổ truyền bị mai một”, ông Giới nói.
Điều nuối tiếc nhất của ông Lê Văn Giới là giờ đây làng nghề đang bị thị trường hóa. Nguyên nhân do làm dịch vụ đơn giản, nhanh nhưng lãi cao gấp nhiều lần so với việc chăm chú chế tác đồ trang sức. “Kỹ thuật chạm, một số công đoạn có thể làm máy nhưng làm máy thì sản phẩm nào cũng giống sản phẩm nào, còn chạm tay thì mỗi sản phẩm có dáng vẻ khác nhau, tuy chậm song có hồn vía mình trong đó”, ông Giới chia sẻ.
Nghệ nhân Lê Văn Giới bên lò nấu bạc của gia đình. |
Kinh nghiệm của ông Giới để tạo ra những sản phẩm tinh xảo, có một không hai là “khi chạm bạc, mình ít nghĩ đến chuyện khác, luôn đặt trọn ý tưởng, tâm trạng vào sáng tạo sản phẩm”.
Cũng từng trăn trở nhiều về nghề song anh Đặng Văn Tuất cho rằng nghề chạm bạc gắn với lửa lò với dùi, đinh, búa… Làng nghề làm sao duy trì nếu lửa lò tắt, thiếu tiếng khò tiếng đục?“ Thực tế, đã có những thời kỳ, nghề chạm bạc đi vào quên lãng, bếp lò nghề lạnh tanh, tiếng lanh canh của đe búa cũng thưa thớt”, anh Tuất kể.
Chính vì thế, theo anh Tuất, để gìn giữ và phát triển làng nghề, người nghệ nhân hôm nay cũng phải có những thay đổi cho phù hợp.Tuy nhiên, sự thay đổi chỉ là bề mặt và vừa đủ để thích ứng. “Chúng tôi cố gắng giữ lề thói tổ tiên, không phô trương thương hiệu thái quá, cứ âm thầm làm việc nghiêm cẩn thì nghề mới không bỏ mình” – Anh Tuất khẳng định.
Anh Lê Văn Hiển – Phó chủ tịch xã Lê Lợi cho biết hiện nay làng nghề Đồng Xâm có gần 200 tổ hợp sản xuất, thu hút khoảng 2.000 lao động làm nghề chuyên nghiệp. Thu nhập từ nghề chạm bạc chiếm trên 60% tổng thu nhập của địa phương. Sản phẩm làng nghề đã có mặt ở hầu khắp các địa phương trong nước và nhiều nước trên thế giới. |
Hoàng Hưng