Cả nước có trên 1.500 doanh nghiệp và cơ sở tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng năm gần 1,7 tỷ USD.
Ngành thủ công mỹ nghệ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người nghèo ở vùng nông thôn và miền núi, đồng thời cũng là ngành hàng xuất khẩu đem lại giá trị cao cho đất nước.
Cả nước có trên 1.500 doanh nghiệp và cơ sở tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, tạo thu nhập cho gần 1,5 triệu lao động và đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng năm gần 1,7 tỷ USD.
Ông Lê Bá Ngọc – Đại diện Vietcraft giới thiệu về các hoạt động của dự án. |
Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, hợp chuẩn các quy định quốc tế đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với các doanh nghiêp nói chung và các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nói riêng. Trong khuôn khổ chương trình “Hỗ trợ Hiệp hội Doanh nghiệp Hoạt động Hiệu quả vì sự Phát triển Năng động và Toàn diện tại Việt Nam” được tài trợ bởi Chính phủ Úc và quản lý bởi Quỹ Châu Á, sau hơn một năm thực hiện dự án, Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm đánh giá nhu cầu hợp chuẩn của các doanh nghiệp Việt Nam, nhu cầu hợp chuẩn của các nhà nhập khẩu quốc tế để từ đó xây dựng các tài liệu hướng dẫn thiết thực nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động đào tạo, tư vấn về các quy định hợp chuẩn để nâng cao nhận thức và hỗ trợ việc thực hiện hợp chuẩn tại các doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát đối với 100 khách nhập khẩu quốc tế trong khuôn khổ dự án, hầu hết các nhà nhập khẩu khẳng định rằng trong 5 năm tới họ sẽ làm việc với ngày càng nhiều các nhà cung cấp tuân thủ các quy định hợp chuẩn, bao gồm hợp chuẩn về chất lượng, hợp chuẩn về xã hội, hợp chuẩn về môi trường và hợp chuẩn về an ninh.
Có đến 100% khách hàng khẳng định rằng trong 5 năm tới ít nhất 30% các nhà cung cấp của họ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về hợp chuẩn, 75% khách hàng đòi hỏi ít nhất 50% các nhà cung cấp của họ phải đáp ứng được các yêu cầu về hợp chuẩn.
Đây thực sự là một thay đổi mang tính chiến lược mà các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cần đáp ứng để duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Dự án cũng hỗ trợ Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn ngành cho 3 nhóm ngành chủ yếu là mây tre lá, gốm sứ và sơn mài.
Đến nay, đã có 350 doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin hợp chuẩn ngành, đồng thời cũng có 25 doanh nghiệp được hướng dẫn trực tiếp để áp dụng các tiêu chuẩn ngành nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhà nhập khẩu quốc tế.
Dự án đang tiếp tục triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ngành phát triển các thiết kế mới hợp chuẩn và kết nối các doanh nghiệp này với khách hàng quốc tế trước khi tổng kết các bài học kinh nghiệm để đề xuất các chính sách phù hợp về chuẩn ngành.
Hoàng Hà