Vì sản xuất cho các đối tượng di cư bất hợp pháp nên những loại áo phao này thường được chế màu đen, xám… để không bị phát hiện ở trên biển.
Theo hãng tin BBC, một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phát hiện bán những chiếc áo phao cứu sinh giả cho những người tị nạn buộc phải vượt biển.
Các loại áo phao giả do công ty Thổ Nhĩ Kỳ (chưa được tiết lộ danh tính) được làm từ các vật liệu không đúng quy chuẩn, một khi bị thấm nước nó sẽ khiến cho trọng lượng nặng hơn và nạn nhân dễ bị chìm.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã đột nhập và khám xét xưởng sản xuất của công ty nói trên tại thành phố cảng Izmir, nơi được xem là điểm khởi đầu cho những người di cư muốn hướng tới châu Âu.
Những công nhân của công ty này đã bị bắt quả tang trong khi đang tiến hành nhồi những chiếc áo phao cứu sinh bằng các vật liệu tạp nham, dễ thấm nước thay vì vật liệu có khả năng đảm bảo khả năng nổi cho những người đeo chúng.
Theo BBC, khoảng 1.200 chiếc áo phao đã bị tịch thu trong cuộc đột kích của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáng chú ý, 2 trong số các công nhân ở công ty này lại có 2 bé gái người Syria.
Izmir là thành phố cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ nơi nhiều người Syria muốn đến để chuẩn bị cho hành trình di cư sang châu Âu.
Nếu muốn rời đến châu Âu, những người Syria buộc phải làm việc để có thể có tiền trả cho những đầu lậu phụ trách việc vận chuyển người bất hợp pháp.
Theo BBC, một chiếc áo phao cứu sinh đúng chuẩn sẽ mất khoảng 150 USD chi phí để sản xuất, trong khi đó một chiếc áo dởm chỉ tốn 15 USD nhưng khả năng nổi là không cao, không lâu.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà người di cư vẫn phải sử dụng chúng.
Hơn nữa, vì sản xuất cho các đối tượng di cư bất hợp pháp nên những loại áo phao này thường được chế màu đen, xám… để không bị phát hiện ở trên biển.
Chính điều này cũng góp phần gia tăng khả năng thiệt mạng do những người di cư ngoài lý do phải dùng các sản phẩm không đạt chất lượng.
Hòa Bình