Từ 15/7 đến 15/10, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) đã thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược mỹ phẩm, TPCN.
Thực phẩm chức năng nhái, giả tuồn từ Trung Quốc
Từ đó, cơ quan chức năng thu nộp ngân sách nhà nước 22,319 tỷ đồng, trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,803 tỷ đồng, trị giá hàng hóa, tang vật tịch thu chưa tiêu hủy 14,895 tỷ đồng. Ban chỉ đạo 389 đã đưa ra khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.
Trước thực trạng này, ngày 29/12, Báo Lao Động phối hợp cùng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) tổ chức Hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng TPCN”.
Tại hội thảo, ông Trần Hùng,Văn phòng Ban chỉ đạo 389 băn khoăn: Hiện nay, tôi thấy không có ngành nào phát triển nhanh như ngành thực phẩm chức năng. Hàng ngàn doanh nghiệp tham gia sản xuất thực phẩm chức năng và khi sản xuất tràn lan, thì vấn đề hàng giả, hàng nhái tôi cho là rất bất cập.
TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. |
Thực tiễn đấu tranh cho thấy, các đối tượng vi phạm đã làm giả ra một loạt các mặt hàng bởi tình trạng nhập nhèm nhãn mác diễn ra phổ biến. Tại vùng biên giới phía Bắc, đối tượng vi phạm hoạt động theo con đường hàng xé nhỏ.
Chúng tôi vào trại giam, tra hỏi âm mưu, phương thức, thủ đoạn thì họ nói các đối tượng Trung Quốc đưa hàng cho bán, một số con buôn nhập những viên nang, nén vào Việt Nam tách riêng để nếu các cơ quan chức năng phát hiện thì khó xử lý hình sự.
Cũng theo ông Hùng, các đối tượng này tiến hành gia công nhãn mác ở trong nước và nước ngoài, chia hàng nhỏ lẻ ở các vùng ráp gianh, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Các đối tượng đưa đến các khu vắng vẻ, tối tăm để dán thủ công thành những lọ, nhãn mác của những thương hiệu nổi tiếng, rồi đưa từng ít một lưu thông ra thị trường với giá chiết khấu rất cao. Và chỉ với những thương hiệu lớn người ta mới biết được đâu là hàng giả hàng thật.
Vạch rõ những mánh khóe tinh vi của những kẻ làm giả thực phẩm chức năng, TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nói: Để che mắt các cơ quan chức năng, các đối tượng thường tập kết hàng về kho là các địa điểm hẻo lánh ít người qua lại, chú ý hay như nhà riêng tại các khu vực đông dân cư. Khi tìm được khách tiêu thụ, các đối tượng mới dán nhãn mác giả và hoàn thiện sản phẩm. Trong các vụ việc mà lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, các đối tượng này còn tinh vi hơn khi sử dụng các loại tem chống hàng giả giống hệt sản phẩm chính hãng nhằm lừa dối người tiêu dung, thu lợi bất chính.
Sản phẩm mà các đối tượng thường làm giả là các loại TPCN thương hiệu uy tín đang được quảng cáo nhiều, nhất là các sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ như sữa ong chúa, nhau thai cừu, viên uống làm đẹp da… nhập ngoại từ các nước có nền y, dược phẩm phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Úc…
Doanh nghiệp chân chính méo mặt vì hàng ăn theo
Theo khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, năm 2015, Việt Nam có hơn 3.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước chiếm hơn 60%, nhập khẩu hơn 30%.Số người trưởng thành sử dụng TPCN hiện nay tại thành phố Hà Nội là khoảng 63%, tại TP.HCM khoảng 43%.
Tuy nhiên, nạn hàng giả, nhái lưu thông trên thị trường đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín và sự sống còn của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đây là những doanh nghiệp đã mất rất nhiều công sức, tiền của để xây dựng thương hiệu, còn người tiêu dùng thì luôn hoang mang lo lắng vì phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn về sức khoẻ.
TPCN bị làm giả. |
Trăn trở về điều này, Ths.Ds Phan Văn Hiệu, Chủ Tịch HĐQT công ty Dược mỹ phẩm CVI nói: Trong 2 năm qua, chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu CumarGold – sản phẩm đột phá từ tinh chất nghệ vàng, đem lại một sản phẩm có chất lượng cao cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và ung bướu từ việc chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Hoá học – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công Nghệ Việt Nam.
Đây là kết tinh trí tuệ Việt, là thành quả của hàng chục năm nghiên cứu của các nhà khoa học, cũng như từ nguồn vốn đầu tư lớn của nhà nước cho mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ vào nâng cao giá trị thảo dược truyền thống. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm ra thị trường, những sản phẩm lấy thương hiệu và nhãn mác gần giống CumarGold, với những thông tin về công dụng tương tự đã lên đến con số vài chục.
Đây đều là những doanh nghiệp đã nhập khẩu hoặc sản xuất nguyên liệu Nano Curcumin từ Trung Quốc, Ấn Độ có chất lượng thấp để đưa ra thị trường, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Chúng tôi chịu rất nhiều tổn thất, người tiêu dùng cũng rất hoang mang trước nhiều sản phẩm na ná nhau.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, ông Hiệu chia sẻ: “Nên chăng Cục ATTP cần quy định rõ yêu cầu bắt buộc tên TPCN khi công bố phải được bảo hộ, hoặc không vi phạm quyền bảo hộ của các sản phẩm đã đăng ký.
Chúng tôi mong muốn Cục ATTP sớm áp dụng quy định chặt chẽ về điều kiện sản xuất TPCN theo tiêu chuẩn GMP, kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu từ nguồn nguyên liệu đầu vào phải đạt chuẩn và công bố tiêu chuẩn rõ ràng, nhằm phân biệt về hàm lượng dược chất chính và các tiêu chuẩn nguyên liệu trong hồ sơ công bố sản phẩm.
Toàn văn hồ sơ công bố sản phẩm của các doanh nghiệp cần được công bố lên mạng để các doanh nghiệp các cơ quan quản lý, báo chí, người tiêu dùng có thể giám sát lẫn nhau. Đây sẽ là kênh thông tin rất hữu hiệu giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát hiện ra toàn bộ thông tin của các sản phẩm giả hoặc ăn theo, từ đó có biện pháp bảo vệ”.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng thừa nhận, giá các loại thực phẩm chức năng đang bị thả nổi. Trên thực tế, giá thực phẩm chức năng do doanh nghiệp tự đăng ký và sau khi đã nằm trên các quầy hàng, lại do người bán quyết định giá.
Mặc dù đã có không ít cảnh báo của cơ quan chức năng về thực phẩm chức năng giả, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn “mắc bẫy” các cơ sở kinh doanh với những chiêu thức quảng cáo thổi phồng về công dụng sản phẩm…
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm TPCN, cục An toàn thực phẩm cũng đã có nhiều giải pháp.
Ông Phong nhấn mạnh: “TPCN trước khi quảng cáo phải được cơ quan y tế thẩm định nội dung quảng cáo, các cơ quan phát hành quảng cáo và doanh nghiệp có sản phẩm TPCN chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã thẩm định.
Sản phẩm phải được cơ quan quản lý thực phẩm của nước sản xuất cho phép; phải có phiếu kiểm nghiệm của phòng kiểm nghiệm được cơ quan nước ngoài hoặc Việt Nam công nhận; TPCN muốn đưa vào Việt Nam thì phải được một công ty tại Việt Nam có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn; cũng phải đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm xem có đạt tiêu chuẩn hay không đều đặn 6 tháng 1 lần”.
Và để chọn được TPCN chất lượng, TS Nguyễn Thanh Phong tư vấn người tiêu dùng khi lựa chọn mua cần dùng đúng, không nghe đồn thổi, mua những sản phẩm có đầy đủ nhãn mác và được Cục ATTP cấp phép.
Theo Vietnamnet