NgƯỜi NÔng DÂn KhÔng TỬ TẾ Hay NgƯỜi TiÊu DÙng “muỐn GÌ ĐƯỢc NẤy”?
Thursday, December 3, 2015 0:39
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Notes : Loạt bài này được viết dựa trên những thông tin thực tế mà tôi thu nhận được. Những quan điểm chia sẻ là của riêng cá nhân tôi. Nếu các bạn muốn chia sẻ quan điểm, tôi sẵn lòng lắng nghe và tranh luận, tuy nhiên mong mọi người hãy giữ “văn hóa tranh luận”- tranh luận để xây dựng vì mục đích tôi viết ra đây là để chia sẻ thông tin, để mọi người hiểu hơn về thực trạng hiện nay và cùng chung tay trong khả năng có thể để thực phẩm ngày một lành, sạch hơn.
Những yếu tố tôi đưa ra trong bài này, tạm thời lược bỏ vai trò quản lý của nhà nước.
Bài số 1 : Người nông dân không tử tế hay người tiêu dùng “muốn gì được nấy” ?
Hôm nay trên hành trình đi tìm người trồng rau theo tiêu chí của Xanhshop – nơi tôi đang làm việc, tôi đã gặp anh. Cuộc nói chuyện chóng vánh trong chưa tròn 45 phút nhưng đã thay đổi tận gốc rễ quan điểm của tôi về thực tế vì sao nông sản, thực phẩm hiện nay “không an toàn” và đâu là nguyên nhân thực sự ?
Tôi đã đi thăm rất nhiều vườn rau, vườn trái cây. Ở mỗi nơi tôi đều thấy ngoài diện tích canh tác để bán ra thị trường, mỗi hộ đều dành 1 khoảnh đất nhỏ cách ly hẳn với diện tích trên để trồng rau ăn cho gia đình. Hỏi ra thì trên đó họ không không sử dụng phân, thuốc gì hết. Diện tích còn lại thì ngoài những phân và thuốc được cho phép ra còn vô số những thứ thuốc “thần kỳ” khác có thể được sử dụng. Những “thần dược cho nông sản” này là gì, sử dụng và kết quả như thế nào thì tôi sẽ chia sẻ trong bài viết sau.
Dù cho là sử dụng phân, thuốc được cho phép nhưng không tuân thủ thời gian cách ly trước thu hoạch hay là sử dụng các loại “thần dược” trên mặc dù biết chúng cực kỳ độc hại với sức khỏe người tiêu dùng, tôi đã luôn cho đó là sự KHÔNG TỬ TẾ, nặng hơn là ĐỘC ÁC. Và mặc dù cũng hiểu rằng người nông dân cần phải tồn tại, nhưng con người lí tưởng trong tôi CHƯA BAO GIỜ CHẤP NHẬN lí do trên để bào chữa cho việc họ đang trực tiếp giết người, chỉ có điều không giết ngay và luôn thôi.
Phải nói thêm rằng, tôi đã đi làm ở công ty phân phối thực phẩm tự nhiên được gần nửa năm nay. Sếp tôi đã luôn nói với chúng tôi và khách hàng rằng với ĐÔI ĐŨA và MỖI BỮA ĂN HÀNG NGÀY, chúng ta có quyền lựa chọn và bỏ phiếu cho những gì chúng ta ăn. Tôi đã nghĩ là mình hiểu hết câu nói ấy nhưng thực ra bây giờ tôi nhận ra lúc ấy tôi chỉ hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen, hiểu như tôi thì vấn đề sẽ vẫn nằm đó và không bao giờ biến chuyển gì đáng kể cả. Tôi vẫn hoàn toàn tin rằng tình trạng thực phẩm không an toàn, thậm chí rất nguy hiểm hiện nay gốc rễ đến từ những người sản xuất không có lương tâm. Muốn thay đổi hoàn toàn điều đó, tôi đã đơn giản nghĩ rằng CHỈ CẦN CHÚNG TA CÓ NHỮNG NGƯỜI SẢN XUẤT TỬ TẾ.
Nhưng hôm nay, tôi nhận ra rằng có những những người sản xuất tử tế là chưa đủ, họa chăng chúng ta chỉ có thể làm tốt hơn được 1 phần rất rất nhỏ – như phần nổi của 1 tảng băng trôi vậy. Như vậy chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa làm gì được phần gốc.
Cái duyên thường đưa đẩy những người chung chí hướng hoặc ít nhất là muốn chung chí hướng gặp nhau.
Anh – một người nông dân còn rất trẻ, tôi không hỏi tuổi anh nhưng tôi đoán anh trẻ hơn tôi, đã lập gia đình và có con – tôi nói vậy để các bạn hiểu rằng anh có gánh nặng tài chính gia đình phải đảm bảo. Mặc áo sơ mi xanh đã sờn và quần bộ đội, anh đi nhanh từ vườn dưa leo về khi chúng tôi đến. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là nụ cười tươi, khuôn mặt rất sáng và …rất nồng nhiệt, cởi mở.
Bằng chứng là với lượng thông tin khổng lồ mà anh trao đổi trong vòng 45 phút ấy, tôi chỉ có cơ hội để xen vào một vài câu hỏi trong câu chuyện của anh, rồi thì sau đó tròn mắt, há miệng và thốt ra các từ cảm thán gọn gàng nhất mà tôi có thể tìm thấy được trong vốn từ vựng của tôi. Khi đọc hết loạt bài của tôi, có lẽ các bạn sẽ hiểu vì sao tôi lại có những biểu cảm không mấy gì làm “kín đáo” như vậy grin emoticon . Xin nói luôn rằng đây không phải là một cuộc phỏng vấn hay điều tra gì hết. Những thông tin và chia sẻ của anh đến với tôi hoàn toàn ngoài dự tính. Anh nói hăng say và liền mạch đến nỗi mà 5 phút sau khi bắt đầu câu chuyện tôi đã bắt đầu rủa thầm mình vì đã không mang theo máy ghi âm, đầu tôi căng ra cố gắng ghi nhớ hết những gì anh chia sẻ.
Tôi sẽ xẻ nhỏ những chủ đề / vấn đề trong câu chuyện của anh để viết. Vì nếu không có lẽ tôi sẽ bị rối loạn hết cả (với cái trí nhớ phi thường con cá vàng của tôi, ôi !!!)
Anh chia sẻ rằng thời gian trước anh có trồng rau theo hướng hữu cơ, vì anh thực sự yêu thích trồng trọt và cũng không mong muốn tiếp xúc với hóa chất độc hại. Anh đã làm và kết quả là gì ? Năng suất thấp hơn thì đã đành, nhưng rau quả trồng tự nhiên phần nhiều bề ngoài xù xì xấu xí chứ không được bóng láng, căng mượt xinh đẹp >> lái buôn họ không vừa mắt nên không thu mua cho anh. Anh trực tiếp đem những sản phẩm này ra chợ thì người tiêu dùng cũng không lựa chọn nông sản của anh.
Cuối cùng anh cũng bán hết số nông sản đó, nhưng với mức giá vô cùng bèo bọt. Và có một điều không được dự đoán là trong lòng anh lúc đó dâng lên một cảm giác VÔ CÙNG XẤU HỔ với những nhà vườn khác vì sản phẩm của anh xấu xí và èo uột.
Con đường trồng rau sạch của anh đến đó tạm thời khép lại, anh quay trở lại với phân với thuốc và cũng sử dụng các loại “thần dược” như ai để có thể làm ra những sản phẩm “vừa mắt lái buôn” và “vừa lòng khách hàng”. Chung quy lại là anh và gia đình vẫn cần phải sống.
Trước khi anh về đến, mẹ anh đã kịp chia sẻ với tôi là ngoài làm rau ra anh còn làm cán bộ ở xã, thường xuyên đi học các lớp tập huấn về trồng rau củ quả. Lúc sau trong câu chuyện anh có khẳng định điều này lại với tôi, nhưng anh nói “đi học vậy thôi, nhưng ở đây không ai áp dụng cả”.
Anh trồng dưa leo “thâm thâm canh” (đã 5 năm lien tục trên cùng 1 mảnh đất, 1 vụ dưa leo “bình thường” chỉ kéo dài gần 2 tháng rưỡi). Sau khi kể cho tôi nghe về một loạt những loại “thuốc thần kỳ” được sử dụng trên nhiều loại nông sản khác nhau, tôi mạnh dạn hỏi “vậy trên cây dưa leo của anh, lái buôn nói phải dùng thuốc gì thì họ mới thu mua?” Cùng với một động tác tay rất dứt khoát, anh nói “dùng thuốc gì cũng được, miễn là nó bóng đẹp”. Tôi tiếp tục “vậy thì anh sử dụng những thuốc nào, em tò mò quá?” (nói xong câu này tôi mới thấy mình vừa vô duyên, vừa khẳng định cái sự “không kín đáo” ở trên, ôi tôi ơi !).
Nhưng hình như anh không hề để ý đến cái sự bất nhã của tôi, anh vẫn tiếp tục bằng một giọng rất nhiệt tình và cuốn hút “Thuốc trừ sâu ngày nào chả phải phun xịt”, ngoài ra muốn rút ngắn ½ thời gian sinh trưởng của trái dưa leo chỉ cần ra bất cứ 1 cửa hàng thuốc BVTV nào nói bán cho một viên “béo phì” to bằng ngón tay cái, đem về pha trong 16l nước, xịt thẳng vào trái dưa leo trên giàn. 1 viên “béo phì” dùng được cho 1000m2.
Quá băn khoăn tôi hỏi lại “xịt xuống gốc hay là xịt vô trái hả anh?” “xịt thẳng vô trái chứ xịt xuống gốc tác dụng gì ?” anh cười vào cái sự ngây thơ của tôi. Sau đó thì tôi hỏi thêm và được biết rằng cái viên “béo phì kì diệu” đó giá chỉ có 5000vnd. Anh giải thích thêm, người nông dân dùng thuốc này để nhanh thu hoạch khi nông sản được giá, còn nếu giá thấp thì “cứ để từ từ chứ tội gì phun”.
Sau những chuỗi câu chuyện dài tựa hồ như không có kết thúc về các loại thuốc của anh mà tôi xin chia sẻ chi tiết trong bài viết sau. Mỗi lần dừng lại anh đều nói rằng không phải là vì anh không biết nó độc, anh phun xịt nó hàng ngày anh sẽ là người bị nhiễm đầu tiên và nhiều nhất. Nhưng anh vẫn phải làm, “không thì lái buôn không mua”.
Khi biết tôi làm ở một công ty rau sạch và công ty tôi luôn cố gắng thay đổi nhận thức của khách hàng ăn “mùa nào thức nấy”, “thực phẩm chứ không phải thị phẩm”, anh đã rất nhiều lần trong cuộc nói chuyện dừng lại nhìn thẳng tôi bằng ánh mắt rất sáng và nói với tôi rất tha thiết rằng đúng thế – thay đổi nhận thức của khách hàng mới chính là điều đầu tiên phải làm. Rằng anh biết rằng làm như thế là trái với lương tâm, đạo đức. Lúc này tôi ngỡ như mình đang ở trong một vòng tròn mà đầu, giữa và cuối câu chuyện đều là điều anh muốn nói “ĐÓ LÀ NHỮNG ĐIỀU THẬT SỰ ANH KHÔNG MUỐN LÀM”.
Nhưng Ý MUỐN CỦA KHÁCH HÀNG là ý muốn của thượng đế, vậy nên thương lái phải làm theo ý muốn của thượng đế bằng mọi giá. Người nông dân nếu đứng ra khỏi cái dòng cuốn ma mị đó, HỌ CHẮC CHẮN KHÔNG SỐNG ĐƯỢC.
Tôi không nói rằng ý muốn của người tiêu dùng chỉ là sản phẩm đẹp mắt, nhưng không an toàn và kém chất lượng. Nhưng hỡi ơi, độc hại hay không và có chất lượng hay không thì lại là thứ mà họ không thể kiểm định bằng mắt thường được. Thế nên mặc nhiên là ý muốn của họ đã được cái chuỗi cung ứng hiện nay thực thi với mục đích chỉ nhằm thỏa mãn thị giác của họ. Thế nhưng đáng buồn là phần nhiều trong số họ không nhận ra điều đó.
Đó là những điều tôi đã nhìn ra trong cuộc nói chuyện với anh, thực tế là cái dòng cuốn ma quỷ từ ý muốn của khách hàng đến việc chi phối việc làm của người nông dân kinh khủng và khắc nghiệt hơn tôi tưởng nhiều. Nó vượt ra ngoài tầm của khái niệm TỬ TẾ mà lâu nay tôi vẫn tâm niệm. Và trong tôi bây giờ đang có 1 cuộc đấu tranh phân định vậy những người nông dân đó có tử tế hay không ???
Câu trả lời cuối cùng của tôi vẫn là KHÔNG. Nhưng tôi KHÔNG CÒN KẾT TỘI MỘT MÌNH HỌ NỮA. Tôi cũng nhận ra rằng muốn thay đổi tận gốc, nếu chúng ta muốn có một môi trường thực phẩm lành, sạch – người tiêu dùng phải là những người đầu tiên cần thay đổi. Họ phải học cách tiêu dùng theo mùa, thuận theo tự nhiên (chứ không cần là phải là TRẮNG & SÁNG và v.v.. vì đâu phải thứ gì từ bản chất cũng thuận theo ý muốn của con người chúng ta). Và quan trọng không kém là họ phải sẵn lòng trả một mức giá hợp lí cho người nông dân xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra. Họ cũng đáng được tôn vinh và sống tử tế (theo đúng nghĩa) như bất cứ một ngành nghề nào khác.
Khi những người nông dân có thể sống tử tế, đàng hoàng được với những sản phẩm của họ. Họ có thể lựa chọn, còn hiện nay theo tôi hiểu – họ không có quyền lựa chọn.
Đột nhiên tôi nhớ lại một câu nói của Tristan Lecomte (người sáng lập Eco Alter, công ty hàng đầu của Pháp về thương mại công bằng / Commerce équitable / Fair trade ) rằng “những người nông dân hạnh phúc sản xuất ra những nông sản ngon hơn”, tôi hoàn toàn cho rằng điều này đúng (Đây là một trong những nhân vật còn sống bằng xương bằng thịt trong cuốn “80 người thay đổi thế giới” mà sếp Hang Mai cho mượn)
Ngày mai lên công ty tôi sẽ thành thật nói với sếp rằng cho ĐẾN TẬN HÔM NAY TÔI MỚI THỰC SỰ HIỂU VÀ NHÌN RÕ RÀNG HƠN CON ĐƯỜNG CHÚNG TÔI ĐANG ĐI.
Nghề chọn người, đúng như sếp tôi đã nói. Tôi đã chọn và sẽ luôn chọn đi theo con đường này. Đơn giản là vì ở đây, tôi rất hạnh phúc.
Còn các bạn, những người bạn của tôi, nếu các bạn đồng ý với quan điểm mới của tôi, mỗi người đều có thể ngay từ bây giờ thay đổi cách tiêu dùng và nhìn nhận về thực phẩm. Hãy bắt đầu từ chính bản thân bạn, vì sức khỏe của bạn và những người bạn yêu thương.
Sau đó, nếu bạn muốn ủng hộ chúng tôi, hãy trở thành 1 sứ giả cho sự thay đổi.
Tôi có một lòng tin chưa bao giờ tắt về sức mạnh của con người (dù cho đôi lần bị lừa đảo nặng chỉ còn le lói grin emoticon ). Nhưng tôi tin rằng, cùng với nhau, chúng ta sẽ làm được điều đó. Với lòng thật tâm thương yêu nhà vườn, tôi hi vọng một ngày không xa, họ không còn phải làm trái với lương tâm nữa, rằng họ cũng sẽ được quyền sống trong một môi trường lành và sạch.
Cám ơn các bạn đã đọc hết và chia sẻ bài viết đầu tiên dài lê thê trong nhật ký “Đi tìm rau sạch” của tôi (mặc dù đã cố gắng ngắn gọn súc tích hết sức ))
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo