ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Trăn trở của anh nông dân ‘hâm’ chế máy cấy gây ‘sốt’
Sunday, November 15, 2015 17:57
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Tác giả chiếc máy cấy siêu tốc không dùng động cơ, anh Trần Đại Nghĩa, kể với Người Đưa Tin toàn bộ quá trình “thai nghén”, “sinh nở” và dự định về tương lai chiếc máy đặc biệt này.


  Trăn trở của anh nông dân 'hâm' chế máy cấy gây 'sốt' - Ảnh 1

Anh Trần Đại Nghĩa (áo xanh) tác giả máy cấy. Ảnh H.Hưng

Tiếng lành đồn nhanh

Tháng 11 năm ngoái, anh nông dân 45 tuổi Trần Đại Nghĩa khiến những người hàng xóm vốn chỉ quen cấy lúa bằng tay một phen bất ngờ khi hạ đồng chiếc máy tự chế, sau 30 phút đã cấy xong gần sào ruộng.

Khi đó, mục tiêu của anh Nghĩa chỉ là có một cái gì đó có thể thay thế sức người, giúp vợ con anh bớt khổ. Từ bao đời nay, những người phụ nữ quê anh cứ một nắng hai sương, dù mùa đông giá buốt hay mùa hè nắng lửa, phải ngâm chân dưới đồng cấy từng khóm lúa. Chiếc máy cấy ra đời từ đó, với những thanh thép ống, miếng tôn mà bất cứ ai cũng có thể mua được tại các cửa hàng vật liệu xây dựng.

Tiếng lành đồn nhanh như điện, vài ngày sau khi thử nghiệm thành công chiếc máy cấy tự chế, tin về việc anh nông dân “một cục” Trần Đại Nghĩa chế máy có khả năng cấy vài mẫu một ngày, thẳng đều tăm tắp lan đi khắp nơi. Người ta đổ về tham quan và… đặt hàng. Anh Trần Đại Nghĩa cho biết, tuy không hề có ý định thương mại hóa sản phẩm song trước “sức ép” từ quá nhiều lời đề nghị, anh quyết định thương mại hóa sản phẩm.

Tháng 3 năm nay, chiếc máy cấy đầu tiên xuất xưởng và đến thời điểm hiện tại, 1000 chiếc máy tương tự đã được bán. Hiện các đơn hàng vẫn ào ào đổ về. Nhiều nhà phát minh cũng như nhiều hãng chế tạo máy móc nông cụ, có lẽ, cũng chỉ mong bán được chừng ấy sản phẩm, trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

  Trăn trở của anh nông dân 'hâm' chế máy cấy gây 'sốt' - Ảnh 2

Mỗi máy cấy có trọng lượng khoảng 24kg, một giây cấy được 4 khóm lúa, 1 giờ cấy 1 sào Bắc Bộ, giá thành dao động 4 – 5 triệu . Ảnh H.Hưng

Từ một phát hiện

“Không có thứ thành công nào tự đến,” anh Nghĩa chia sẻ với Người Đưa Tin về sự khởi đầu “cơn địa chấn” mà mình vừa tạo ra. “Cuối 2014, mình cho ra đời chiếc máy cấy đầu tiên nhưng nó là kết quả của một quá trình nghiền ngẫm, phân tích, tổng hợp lâu dài. Mà sự bắt đầu lại hoàn toàn tình cờ.”

Có được học một lớp trung cấp điện ở tuổi thanh niên, nhưng Trần Đại Nghĩa, thay vì tìm việc ở quê hay một tỉnh nào trong nước lại quyết định đi xuất khẩu lao động dạng tu nghiệp sinh tại Hàn Quốc. Đó là khoảng những năm 2001 – 2005.

Vốn quen quan sát xâu chuỗi sự việc, sự kiện và tự đúc rút cho mình những kết luận nên ngay khi đến Hàn Quốc, Nghĩa đã phát hiện ra nhiều khác biệt giữa hai quốc gia. Một ngày, anh lang thang ra vùng ngoại ô, thấy những người nông dân Hàn Quốc trồng lúa bằng những chiếc máy cấy to lớn, hiện đại. Máy chạy băng băng, nhả ra từng hàng lúa thẳng dài đều tăm tắp. Cả cánh đồng rộng lớn chỉ một lát đã phủ xanh xanh lúa mới. Anh Nghĩa thích lắm, vội về lấy máy ảnh ra chụp lại, và đêm ấy, anh gần như không ngủ, hình ảnh chiếc máy cấy xứ Hàn cứ ẩn hiện trong đầu.

Năm 2005, anh Nghĩa về nước, giấc mơ chế máy cấy vẫn trăn trở đè nặng trong đầu. Ý tưởng đã manh nha và dần định hình. Song khi đi kiếm các chi tiết máy, động cơ để thực hiện thiết kế thì anh hoàn toàn thất vọng: không có động cơ nào phù hợp ý tưởng thiết kế của anh. Trước sức ép của cuộc sống, anh Nghĩa quyết định gác lại ước mơ, dồn vốn liếng mua xe chạy taxi.

Cuộc sống dần dễ thở hơn, chạy taxi đang kiếm được được thì đùng cái, Trần Đại Nghĩa quyết định bán xe về cấy ruộng. “Nhiều người nói tôi hâm, ôm vô-lăng chả sướng lại thích vác cuốc,” – anh Nghĩa nói. Đáp lại những thắc mắc khó hiểu của bà con, anh Nghĩa chỉ cười. Câu trả lời anh đã có trong lòng, song chưa thể nói ra lúc này, phải đợi khi có thành quả nói người ta mới tin.

Trực tiếp gánh mạ ra đồng, chăng dây cấy lúa tuy có vất vả song giúp cho việc nghiên cứu chế tạo máy cấy của anh Nghĩa những phát hiện vô cùng thú vị và hữu ích. Thứ nữa, anh cũng có thêm thời gian mày mò, thử nghiệm. Kỳ cạch được một thời gian thì bà con phát hiện việc anh chế tạo máy, song họ cũng không biết là máy gì, hỏi thì anh Nghĩa nói đùa: đó là máy làm “sướng đàn bà, khổ đàn ông.”

“Lần thử nghiệm đầu tiên là dưới lòng sông,” anh Nghĩa nói. “Do bùn non nên ngập đến đầu gối, vậy mà máy cấy ngon ơ. Từ đó, mình rút ra kết luận, mặt ruộng nào cũng có thể cấy được, miễn mạ gieo đạt yêu cầu, ” anh Nghĩa nói thêm. Theo anh Nghĩa, chiếc máy đầu tiên anh đã phải dỡ ra lắp lại nhiều lần. Hai khâu khó nhất là làm sao để máy nổi trên mặt ruộng nhẹ nhất có thể và cò mổ mạ, gieo vừa tầm yêu cầu phát triển của cây non.

“Phải tính đến yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, mạ giống quê mình,” anh Nghĩa cho rằng máy cấy của Hàn Quốc hay Nhật Bản tuy hiện đại, công suất cao song khó áp dụng đại trà ở Việt Nam vì hầu hết các mảnh ruộng ở mình có diện tích nhỏ. “Thứ nữa, nó quá đắt,” anh Nghĩa nói.

Từ đó Trần Đại Nghĩa muốn làm ra chiếc máy cấy phù hợp với những người như anh: đơn giản, dễ sử dụng và đề cao tính hiệu quả. Để giảm tối đa sức nặng của máy, Trần Đại Nghĩa chỉ sử dụng các thanh thép ống và một miếng tôn làm nền tiếp xúc với mặt ruộng. Tuy nhiên, tính vật lí đã được anh Nghĩa phát huy, lực đẩy Acsimet đã khiến chiếc máy nhẹ hơn, di chuyển dễ dàng trên mặt ruộng.

  Trăn trở của anh nông dân 'hâm' chế máy cấy gây 'sốt' - Ảnh 3

Quyết định thương mại hóa sản phẩm, anh Nghĩa “bạo tay” đầu tư hơn 500 triệu xây nhà xưởng, thuê thợ sản xuất ngày đêm. Ảnh H.Hưng

Trăn trở

Thời điểm này, người ta nói đến chiếc máy cấy của anh nông dân Trần Đại Nghĩa từ đầu làng đến cuối ngõ, người nông dân đến kĩ sư nông nghiệp cũng nói về nó, từ câu chuyện cửa miệng đến báo đài. Ngay khi PV Người Đưa Tin thực hiện cuộc phỏng vấn với anh Nghĩa, hàng chục khách hàng từ Phú Thọ, Hải Phòng vẫn tìm đến đặt hàng mà chẳng cần quảng cáo hay bất kỳ thứ gì khác.

“Thấy sản phẩm được bà con tin dùng, tôi rất vui” – anh Nghĩa nói. Song, niềm vui ấy, theo anh Nghĩa “chưa thật sự trọn vẹn.”

“Tôi vẫn chưa thể đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình.”

Theo anh Nghĩa, đây không chỉ là trăn trở của riêng anh, trong triển lãm Chợ Công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart Quốc tế Việt Nam 2015) diễn ra hồi đầu tháng 10 vừa qua, nhiều “nhà sáng chế” là nông dân, thợ máy như anh cũng chia sẻ về điều này.

“Có anh bạn cùng dự Techmart nói với tôi rằng để chế ra cái máy uốn sắt đã phải bán đi 2 cái nhà. Hỏi vậy bán nhà rồi đi ở đâu, ông nói, ở ngoài đường,” – anh Nghĩa kể.

  Trăn trở của anh nông dân 'hâm' chế máy cấy gây 'sốt' - Ảnh 4

Các công đoạn chế tạo máy cấy hầu hết được thực hiện ngay tại xưởng. Ảnh H.Hưng

Anh Nghĩa thành thực, các “nhà sáng chế không chuyên” như anh chỉ có duy nhất niềm đam mê kĩ thuật, công nghệ cụ thể trong từng lĩnh vực, ngành nghề mưu sinh. Do đó, việc thúc đẩy cải tiến công nghệ “sáng chế” máy móc chủ yếu nhằm mục đích gia tăng năng suất, công suất trong quá trình sản xuất.

“Chúng tôi chỉ quen lao động chân tay. Giờ bảo tôi mang máy đến, cấy thử và nói quá trình chế tạo thế nào thì được chứ bảo viết bản mô tả sáng chế thì bằng đánh đố,” anh Nghĩa chia sẻ chân tình.

Cũng theo anh Nghĩa, chính việc chưa đăng ký sáng chế để được độc quyền với sản phẩm đã khiến anh chỉ có thể thương mại hóa sản phẩm ở cấp độ nhỏ, chưa thể nâng cấp qui mô sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Niềm vui thường không đến một mình và những “kẻ trăn trở” thường không thiếu chuyện để lo. Với anh nông dân Trần Đại Nghĩa, hơn 10 năm thai nghén, chiếc máy cấy mà anh ấp ủ từ lâu đã thành hiện thực. Công năng của máy đã được chứng thực, hiệu quả của máy ai cũng thấy. Song trăn trở thì chưa phải đã hết.

Hoàng Hưng

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.