(Tình hình bán đảo Triều Tiên) – Phái đoàn quân đội Nga đến Bắc Triều Tiên do Phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất quân đội Nga – tướng Nikolay Bogdanovsky dẫn đầu.
Quân đội Nga sẽ hiện diện trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên? |
Báo Học giả Ngoại giao của Nhật Bản ngày 11/11/2015 đưa tin cho biết nhiều khả năng quân đội Nga sẽ hiện diện trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên trong tương lai theo kế hoạch chiến lược của Tổng thống Nga Putin.
Theo nguồn tin của báo Nhật Bản, hiện đang có một phái đoàn quân sự của Nga ở Bình Nhưỡng để tiến hành các cuộc đàm phán, hợp tác với các nhà lãnh đạo cấp cao của quân đội Bắc Triều Tiên.
Nguồn tin cho biết chi tiết rằng phái đoàn quân sự Nga đã có mặt ở Bình Nhưỡng vào hôm thứ Hai đầu tuần này để tiến hành đối thoại quân sự với lãnh đạo quân đội của Bắc Triều Tiên.
Thông tin này cũng đã được hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đề cập trong một số báo cáo ngắn.
Được biết, phái đoàn quân đội Nga đến Bắc Triều Tiên do Phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất quân đội Nga – tướng Nikolay Bogdanovsky dẫn đầu.
Đàm phán giữa quân đội Nga và quân đội Bắc Triều Tiên bắt đầu vào hôm qua thứ Tư (ngày 11/11/2015). Nội dung chưa được tiết lộ nhiều nhưng phái đoàn Nga sẽ lưu lại Bình Nhưỡng cho đến hết ngày mai 13/11/2015.
Có những phỏng đoán cho biết, nội dung đàm phán giữa Nga và Bắc Triều Tiên có thể tập trung vào 1 thoả thuận phòng thủ nhằm “ngăn chặn các hành động quân sự nguy hiểm”.
Vấn đề này trước đó cũng đã được thảo luận tại một cuộc gặp gỡ được tổ chức tại thủ đô Moscow của Nga vào tháng 6/2015 giữa Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergey Naryshkin và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên Choe Thae-bok.
Thời điểm đó, cả Nga và Bắc Triều Tiên đều khẳng định văn kiện đang ở giai đoạn sẵn sàng được ký kết và kết quả cuối cùng có thể sẽ được kết luận vào cuối năm 2015.
Thông tin này có thể là chỉ dấu cho thấy, quân đội Nga hoàn toàn có thể sẽ hiện diện trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên trong tương lai nếu hai bên nhất trí được các điều khoản và giành buộc.
Thời gian gần đây, quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, nước được xem là đồng minh và là nơi cung cấp viện trợ nhiều nhất cho Bình Nhưỡng đã rơi vào trạng thái “giá lạnh” chưa từng có, đặc biệt là kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền thay người cha đã qua đời là cố lãnh đạo Kim Jong Il.
Trong khi đó, quan hệ giữa Bắc Triều Tiên với Nhật Bản, đặc biệt là với Nga cũng đã có những bước tiến mới. Cả Nga và Nhật Bản đều muốn tăng cường quan hệ với Bắc Triều Tiên với những lý do và mục đích chiến lược khác nhau.
Theo giới quan sát, Nga cần quan hệ mật thiết với Bắc Triều Tiên xuất phát từ nhiều lý do như mở rộng ảnh hưởng, thị trường vũ khí sang châu Á, đảm bảo an ninh chiến lược, đảm bảo vai trò trong các cuộc đàm phán với các cường quốc để giải quyết vấn đề trên bán đảo Bắc Triều Tiên…
Hoà Bình