Dự kiến trong ngày hôm nay (30/11), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ chính thức tuyên bố đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế.
Nhân dân tệ sẽ “góp mặt” trong giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế? |
Nếu quyết định trên được đưa ra, Nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền dự trữ thứ 5 của IMF sau các đồng USD, đồng Euro, Yên Nhật và Bảng Anh.
Vào năm ngoái, Trung Quốc đã một lần ngỏ lời yêu cầu IMF về việc chấp nhận NDT là một đồng tiền dự trữ toàn cầu, nhưng đến nay, lời yêu cầu này mới được tổ chức này cân nhắc.
Ngoài ra, bà Christine Lagarde gần đây cũng đã lên tiếng ủng hộ đồng NDT lọt vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF. Hiện tại, trong SDR, đồng USD đang chiếm 41,9%, đồng Euro chiếm 37,4%, đồng Yên chiếm 9,4%, đồng Bảng Anh chiếm 11,3%.
Trước đó, ngày 27/11, hãng thông tấn Nga TASS dẫn hai nguồn thạo tin cho biết Ngân hàng Trung ương nước này đã quyết định đưa đồng nội tệ của Trung Quốc là đồng Nhân dân tệ vào giỏ dự trữ ngoại tệ của mình.
Hiện nay, các nhà đầu tư Nga đang hướng tới thị trường phương Đông để đầu tư, sau khi các quốc gia phương Tây và Mỹ đã liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt lên quốc gia này do những cáo buộc liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong tháng 8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) đã quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong ba năm qua. Việc phá giá đồng nội tệ để kích thích nền kinh tế của Trung Quốc ngay lập tức gây “sốc” toàn cầu.
Bloomberg hôm 23/11 trích dẫn ý kiến không mấy lạc quan của vài chuyên gia về Nhân dân tệ và viễn cảnh kinh tế Trung Quốc.
David Tepper, tỷ phú sở hữu hãng Appaloosa Management, cho rằng NDT hiện vẫn đang bị định giá rất cao và cần phải giảm giá thêm nữa. Nhận định này của ông Tepper tương tự với dự báo của nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư thế giới, trong đó có Crispin Odey, sáng lập viên của doanh nghiệp 12 tỷ USD Odey Asset Management. Ông Odey cho hay Trung Quốc sẽ phá giá nhân dân tệ ít nhất là 30% trong thời gian tới.
Kiều Hương (T.H)