Trả lời câu hỏi trên, ông Hồ Xuân Dũng – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư An Đông cho biết Công ty dự kiến sẽ tìm phương án nâng cấp chứ không đập bỏ Thuận Kiều Plaza.
Nhìn lại 17 năm chìm nổi
Được khởi công từ năm 1994 và hoàn thành vào năm 1998 với quy mô 3 tòa tháp 33 tầng, tổng diện tích xây dưng 100.000 m2, Thuận Kiều Plaza lúc bấy giờ được xem là cao ốc hiện đại nhất và là trung tâm thương mại đầu tiên của TP.HCM, chuyên cung cấp các loại căn hộ cao cấp với mức giá trên 40.000 USD/căn.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, Thuận Kiều Plaza do Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (nay thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) cùng hợp tác với Công ty Kings Harmony Intl Ltd (Hong Kong) xây dựng, trong đó phía Việt Nam góp 25% trong tổng số vốn ước tính khoảng 55 triệu USD.
Thuận Kiều Plaza từng là cao ốc hiện đại bậc nhất TP.HCM |
Điểm đặc biệt nữa là những căn hộ tại Thuận Kiều được thiết kế theo lối kiến trúc nhà truyền thống của người Hong Kong. Nguyên nhân bởi nhà đầu tư muốn thu hút lượng người Hong Kong di cư vào Việt Nam thời điểm 1997, tuy nhiên dự định này thất bại: “Người Hong Kong di cư vào Việt Nam rất ít, người Việt thì không thích ở loại nhà này nên thành ra dự án xây xong mà người mua chẳng được bao nhiêu, phòng ốc chẳng có người sử dụng”, kiến trúc sư Lê Trọng Hải (Hội Kiến trúc sư Việt Nam, từng là chuyên viên tư vấn cho dự án xây dựng Thuận Kiều Plaza) cho biết.
Nằm tại khu vực sầm uất nhất của quận 5, Thuận Kiều nằm giáp 4 tuyến đường lớn là Thuận Kiều, Hồng Bàng, Dương Tử Ngang và Tân Hưng. Đặc biệt là vị trí gần khu Chợ Lớn- khu người Hoa sinh sống, buôn bán sầm uất nên vào thời điểm đó, giá 1m2 mặt bằng kinh doanh trong Thuận Kiều có giá từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng (Mức giá cao nhất tại Sài Gòn thời điểm đó) nhưng chỉ sau vài ngày rao bán đã không còn chỗ trống.
Thời điểm năm 2002, nhiều thông tin thất thiệt liên quan tới “ma mị” lan truyền mạnh khiến những chủ hộ ít ỏi vốn đang sinh sống tại Thuận Kiều hoảng loạn tìm cách bán lại căn hộ của mình với giá rẻ hoặc cho thuê. Đồng thời, 2 vụ cháy năm 2004 và 2009 tại nhà hàng tầng 3 càng khiến lượng khách mua hàng, thăm quan đã ít lại càng ít. Thuận Kiều trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Kể từ thời điểm đó đến nay, Thuận Kiều Plaza gần như “ngủ vùi” giữ lòng thành phố.
Lâu dần, chỉ còn một ít hộ dân cùng trung tâm thương mại mở cửa hoạt động |
Bất ngờ đổi chủ – Số phận 3 tòa tháp ra sao?
Tưởng chừng, 3 tòa tháp sẽ tiếp tục giấc ngủ của mình thì mới đây, Công ty An Đông thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát tuyên bố sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục chuyển nhượng để chính thức trở thành tân chủ nhân của Thuận Kiều Plaza. 600 tỷ đồng là số tiền mà Công ty An Đông bỏ ra để mua lại tòa nhà.
Ngay từ thời điểm thông tin này được đưa ra, rất nhiều ý kiến nhận xét cho rằng bước đi này của tập đoàn Vạn Thịnh Phát là khôn ngoan bởi giá mua lại khá mềm, đồng thời tòa nhà hiện nằm tại mảnh đất vàng của trung tâm thành phố, thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu tích cực…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng đây là hành động khá mạo hiểm, bởi mua lại Thuận Kiều không khác gì việc mua lại một thứ khó có thể sử dụng bởi lịch sử của nó. Đập đi, xây dựng lại toàn bộ? Nếu như vậy thì số tiền cần bỏ ra quả thật khổng lồ, chưa tính tới việc nếu đập bỏ, tháo dỡ thì phương án sẽ như thế nào, bởi từ trước tới nay, tại Việt Nam chưa từng tiến hành việc phá bỏ một công trình lớn như vậy.
Nhiều khả năng Thuận Kiều Plaza sẽ được sửa chữa, nâng cấp thay vì đập bỏ |
Liên quan tới vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với đại diện Sở Xây dựng TP.HCM. “Nếu chủ đầu tư mới của Thuận Kiều quyết định phá dỡ thì sẽ phải chịu trách nhiệm chính về phương án phá dỡ của mình. Nếu chủ đầu tư không có đủ năng lực thì phải thuê đơn vị phá dỡ. Đơn vị này phải có đủ chuyên môn, năng lực để tư vấn phương án phá dỡ. Khi tiến hành phá dỡ phải gửi thông báo đến UBND phường để thanh tra xây dựng xuống kiểm tra”, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho hay.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lại cho rằng, việc tháo dỡ Thuận Kiều nhiều khả năng sẽ không diễn ra. “Thuận Kiều Plaza không chỉ đơn thuần là một bất động sản, mà bản thân nó còn chức đựng giá trị bản sắc văn hóa – là biểu tượng trong cộng đồng người Việt gốc Hoa đồng thời còn gắn liền với quá khứ, lịch sử của thành phố. Chúng ta không có quyền can thiệp vào quyết định tháo dỡ hay giữ lại của chủ đầu tư, nhưng chắc chắn dù quyết định ra sao thì chủ đầu tư cũng phải cân nhắc những vấn đề nêu trên để đưa ra giải pháp thích hợp, hiệu quả nhất”.
Võ Thái